Có 4 loại bệnh tưởng không nguy hiểm nhưng lại có khả năng dẫn đến ung thư, gồm:
Bệnh trĩ
Bệnh trĩ là sự co giãn quá mức ở các đám rối tĩnh mạch xung quanh khu vực hậu môn khiến máu ứ đọng làm cho tĩnh mạch bị giãn và phình ra một cách bất thường Việt Nam hiện nay có khoảng 30 - 50% dân số bị mắc bệnh trĩ. Trong số đó, khoảng 10 - 30% cần điều trị bệnh trĩ, 20% cần phải mổ để giải quyết các hậu quả do bệnh trĩ gây ra.
Nhiều người nghĩ, trĩ là căn bệnh không nguy hiểm, chỉ gây đau đớn và bất tiện trong sinh hoạt của người bệnh. Thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Trĩ không chỉ gây đau đớn và bất tiện trong sinh hoạt mà nó cũng có thể gây nên những biến chứng nặng nề như ung thư.
Theo TS Nguyễn Mạnh Nhâm - Chủ tịch Hội Hậu môn, trực tràng, Việt Nam, bệnh trĩ thường gây đau đớn cho người bệnh khi đi đại tiện. Bệnh trĩ cũng gây chảy máu mỗi khi đi đại tiện. Nếu hiện tượng chảy máu này kéo dài sẽ gây nên chứng thiếu máu ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.Khi búi trĩ sa ra ngoài hậu môn, nó có thể gây ngứa, trầy xước tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào hậu môn gây viêm nhiễm hậu môn. Khi bệnh trĩ kéo dài kết hợp với những viêm nhiễm vùng hậu môn có thể kích thích các tế bào ung thư phát triển ở vùng bị tổn thương.
TS Mạnh Quân khuyến cáo, với những người bị bệnh trĩ kéo dài nếu thấy kèm theo hiện tượng chảy máu thâm đen và có mùi hôi thì phải nghĩ đến khả năng bệnh đã chuyển sang ung thư trực tràng. Bởi đó là dấu hiệu điển hình của người bị mắc bệnh ung thư trực tràng.
Bệnh sùi mào gà
Bệnh sùi mào gà có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung và ung thư dương vật
Sùi mào gà là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Biểu hiện là những nụ sùi nhỏ giống như mào gà, hoa lơ ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, miệng, họng hoặc dương vật, đôi khi xung quanh lỗ hậu môn. Đó là những u lành tính của tế bào do virus HPV, lây truyền chủ yếu qua giao hợp.
Thời gian ủ bệnh từ vài tuần đến vài tháng.
Sùi mào gà nguy hiểm vì làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung - một loại ung thư gây ra bởi virus HPV (rất nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng nhiễm HPV trong 99,8% trường hợp ung thư cổ tử cung).
Cần phải nhấn mạnh rằng nhiễm HPV xảy ra trước khi xuất hiện các tổn thương loạn sản và sau đó là các tổn thương ung thư cổ tử cung.
Nguy cơ của sùi mào gà là ung thư cổ tử cung nên những phụ nữ có sùi mào gà phải làm xét nghiệm soi tế bào âm đạo hằng năm để phát hiện sớm những thay đổi có thể dẫn đến bệnh này. Phụ nữ đã có quan hệ tình dục cần làm xét nghiệm này hai năm một lần. Đây là cách duy nhất để loại trừ sớm ung thư cổ tử cung ở người có sùi mào gà.
Ở nam giới, bệnh cũng có thể gây ung thư dương vật nếu không được điều trị.
Viêm gan B
Theo các chuyên gia, bệnh viêm gan B là nguyên nhân chính gây ra ung thư gan. Trong số những bệnh nhân được chẩn đoán ung thư gan thì có đến khoảng 85% người bệnh có tiền sử viêm gan B chuyển sang ung thư gan. Bệnh nhân khi mắc bệnh ung thư gan thì việc điều trị để hồi phục lại các tế bào gan đã bị tổn thương là hoàn toàn không thể, việc điều trị chỉ mang tính chất khống chế diễn biến xấu của bệnh và hạn chế những biến chứng mà bệnh có thể gây ra cho người bệnh.
Viêm gan siêu vi B và C có thể coi là một trong những nguy cơ chính dẫn đến bệnh ung thư gan. Hơn 70% số người mắc bệnh ung thư gan có tiền sử nhiễm virus viêm gan B và C. Biến chứng từ viêm gan sang ung thư gan thường rất chậm, khoảng 20 năm, khiến nhiều người hoàn toàn không chú ý. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh viêm gan B mãn tính thì đây chính là những người có nguy cơ dẫn đến ung thư gan cao hơn cả. Nguyên nhân là do người bệnh mắc bệnh viêm gan B nhưng không biết mình mắc bệnh hoặc nhiều bệnh nhân chủ quan không tiến hành điều trị hoặc điều trị bệnh không đúng phương pháp, không hiệu quả khiến bệnh nhanh chóng dẫn đến biến chứng.
Như đã nói ở trên thì bệnh viêm gan B chính là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư gan, do đó, mỗi người bệnh cần được tiêm phòng vaccine viêm gan B, nếu như cơ thể có chứa virus viêm gan B và virus đang hoạt động thì người bệnh nên tiến hành điều trị bệnh triệt để. Nếu như người bệnh khi mắc bệnh viêm gan B thì người bệnh cần được tiến hành điều trị bệnh sớm, điều trị viêm gan B một cách triệt để nhất theo đúng y lệnh điều trị của các bác sĩ chuyên khoa để việc điều trị đạt hiệu quả nhất.
Bên cạnh việc phòng ngừa những bệnh gan có thể xảy ra cho người bệnh thì người bệnh cũng nên có chế độ ăn uống lành mạnh, việc ăn uống không cân đối hoặc không hợp vệ sinh cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư gan. Kiêng rượu và thuốc lá cũng là cách người bệnh có thể phòng tránh được bệnh và làm chậm quá trình mắc bệnh ung thư gan.
Sẹo lâu ngày không khỏi
Theo các chuyên gia về da liễu, những tổn thương về da bỏng, sẹo và loét trong thời gian dài mà lại lâu lành có nguy cơ cao trong việc phát triển thành ung thư da. Chúng sẽ phát triển thành ung thư tế bào biểu bì có vảy do viêm mãn tính hoặc thay đổi thành tế bào ác tính. Loại ung thư này thường hay dẫn đến di căn hạch và có thể gây tử vong cao nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp.
Có 3 loại ung thư da tế bào vảy:
- Ung thư da tế bào vảy có thể phát sinh từ actinic keratoses (dày sừng do nắng) trông như những miếng vảy dày dính trên da. Ung thư da dạng này mềm và có thể cử động tự do, nằm trên phần da đầu hói, trán, tai và mu bàn tay.
- Loại thứ hai của ung thư da tế bào vảy xuất hiện ở các vùng da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Chúng là những khối u rắn, cử động được, mọc u lên, nhìn rõ mép và ít có vảy bề mặt. Những khối u tế bào vảy dạng này ít khi di căn nhưng có thể xâm lấn cục bộ.
- Loại thứ ba của ung thư da tế bào vảy phát sinh từ vùng da bình thường hoặc môi. Chúng rất dễ xâm lấn và có thể di căn đến các hạch bạch huyết trong khu vực.
Ung thư da tế bào vảy thường xuất hiện trên nền tổn thương ung thư và vết sẹo lâu ngày. Ngoài ra còn có thể xuất hiện ở những vùng da bị tổn thương bởi tia UV như vùng da đầu không có tóc, vùng mặt, cổ, cánh tay, mu bàn tay hay mu bàn chân. Khối u thường sùi, đau, di căn hạch khu vực hoặc di căn theo đường máu vào phổi, xương, gan và não.
Sinh thiết tế bào tổn thương là phương pháp chẩn đoán xác định ung thư da tế bào vảy. Nếu kết quả sinh thiết lần đầu dương tính có thể sinh thiết lại nhiều mảnh tế bào, sâu và to hơn. Thực hiện sinh thiết có thể chẩn đoán mô bệnh học, phân loại u và xếp độ mô học ung thư. Tuy nhiên với những hạch to cần cân nhắc có nên chọc hút tế bào hay không vì có thể làm vỡ hạch gây lây lan tế bào ung thư ra các vùng xung quanh.