32,1 triệu người bị mất việc, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập do COVID-19

Năm 2020 cả nước có tới 1,2 triệu người mất việc làm vì COVID-19. Ảnh minh hoạ
Năm 2020 cả nước có tới 1,2 triệu người mất việc làm vì COVID-19. Ảnh minh hoạ
TPO - Dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 đã khiến 32,1 triệu người lao động (từ 15 tuổi trở lên) bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Đó là thông tin được bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, cho biết tại Họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý IV/2020 và năm 2020 do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 6/1.

Theo Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm đồng thời khiến nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức.

Tính chung năm 2020, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với năm 2019. Số lao động có việc làm phi chính thức quý IV năm 2020 là 20,9 triệu người, tăng 233 nghìn người so với quý trước và tăng 338,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV/2020 là 56,2%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực thành thị là 48,3%, tăng 1,3 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 62,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, tình trạng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng cao trong năm 2020 trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm gần đây. Trong giai đoạn 2016-2019 trước khi dịch COVID-19 bùng phát, bình quân lao động chính thức tăng 5,6%/năm, lao động phi chính thức tăng 3,6%/năm. Tốc độ tăng lao động chính thức cao gấp 1,6 lần tốc độ tăng lao động phi chính thức kéo theo tỷ lệ lao động có việc phi chính thức giảm dần qua các năm.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 trong năm 2020 đã khiến nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp trong đó có cả các biện pháp tinh giảm lao động (cắt giảm, nghỉ luân phiên…), tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động. “Điều này làm số lao động chính thức giảm và số lao động phi chính thức tăng, dẫn đến tình trạng tăng trở lại tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong năm 2020 sau nhiều năm liên tục giảm”, đại diện Tổng cục Thống kê nói.

Đồng thời, dịch COVID-19 làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm ở cả ba khu vực kinh tế. Cụ thể, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý I/ 2020 là 1,1 triệu người; quý II là 1,4 triệu người; quý III là 1,3 triệu người; quý IV là 902,2 nghìn người. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2020 là 2,21%; quý II là 3,08%; quý III là 2,79%%; quý IV là 1,89%.

Tính chung năm 2020, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi là gần 1,2 triệu người, tăng 277,8 nghìn người so với năm 2019. Trong năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động là 5,5 triệu đồng, giảm 2,3% so với năm 2019 (tương ứng giảm 128 nghìn đồng).

Thu nhập của lao động ngành dịch vụ bị giảm sâu nhất, giảm 215 nghìn đồng; tiếp đến là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 156 nghìn đồng. Mức giảm thu nhập của lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng là thấp nhất, giảm 100 nghìn đồng/người/tháng.

MỚI - NÓNG