Khoảng 3.000 trong số 22.000 cảnh sát ở Cordoba đã kiên quyết không chịu rời trụ sở đi tuần. Cuộc đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc diễn ra gần một ngày trời và chỉ kết thúc sau cuộc điều đình kéo dài ba tiếng đồng hồ giữa giới chức địa phương với những cảnh sát này.
Ở Argentina, các cuộc đình công, biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm như thế này không hiếm, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Argentina vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng chuyện xảy ra ở Cordoba khi cảnh sát đình công thì chắc là hy hữu.
Lợi dụng sự vắng mặt của lực lượng giữ gìn trật tự an ninh, các nhóm thanh niên bất trị đã xông vào cướp phá các cửa hàng nhỏ và cả những siêu thị lớn. Không ít kẻ hôi của đã nhập hội, đi theo vơ vét hàng hóa.
Thậm chí, cả nhà dân cũng bị cướp bóc, mà thủ phạm và nạn nhân trong nhiều trường hợp là hàng xóm láng giềng.
Từ chính xác nhất để mô tả những kẻ côn đồ cướp bóc, hôi của là “bọn tội phạm”. Bắt tội phạm là việc của cảnh sát, do đó khi cảnh sát đình công tất nhiên là lúc tội phạm tung hoành.
Nhưng rõ ràng số cảnh sát không tham gia đình công nhiều gấp gần 10 lần số người ngồi lì trong đồn cảnh sát, và chắc chắn là đông gấp hàng trăm lần so với lũ tội phạm vậy mà họ không kiểm soát được tình hình, để thành phố rơi vào tình trạng tê liệt – như truyền thông địa phương mô tả, và phải cầu viện chính quyền trung ương điều 2.000 cảnh sát từ nơi khác tới.
Khi cảnh sát đình công, các thanh niên ở Cordoba phải tự cầm gậy gộc để bảo vệ tài sản và tính mạng. Câu chuyện tưởng như chỉ có trên màn ảnh đặt ra câu hỏi lớn về năng lực của lực lượng an ninh ở tỉnh lớn nhất nhì Argentina, một trong những điểm du lịch hấp dẫn tại quốc gia Nam Mỹ này.