3 thành quả đối ngoại của ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump rời đi sau khi bỏ phiếu ở bang Florida. Ảnh: Getty
Tổng thống Mỹ Donald Trump rời đi sau khi bỏ phiếu ở bang Florida. Ảnh: Getty
TP - Theo giới quan sát phương Tây, chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump 4 năm qua đã gặt hái ba thắng lợi lớn liên quan Trung Quốc, Trung Đông và lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS).  

Các thắng lợi lớn mở đầu với Trung Quốc. Một cách có hệ thống, chính quyền Donald Trump đã chuyển bộ máy an ninh quốc gia của Mỹ vốn tập trung vào Trung Đông trong nhiều thập kỷ qua tới một kỷ nguyên cạnh tranh siêu cường mới, khiến Washington tin rằng Bắc Kinh là mối đe dọa hiện hữu lớn nhất đối với Mỹ trong những thập kỷ tới, tạp chí Mỹ Foreign Policy nhận định.

Chính quyền Trump đã đẩy lùi các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc và nâng cao nhận thức toàn cầu về mối nguy mà công nghệ phát triển nhanh của Trung Quốc gây ra, đặc biệt là trong thông tin liên lạc di động thế hệ mới.

Chính quyền Trump đã có những bước đi nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc, cụ thể là các nguyên liệu quan trọng cần cho kinh tế và an ninh quốc gia. Chính quyền Trump cũng đã có quan điểm cứng rắn hơn đối với việc Bắc Kinh ngang nhiên xây 7 đảo nhân tạo rồi quân sự hóa, biến chúng thành các tiền đồn trên biển Đông. Thông qua “Bộ tứ kim cương” (Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ), chính quyền Trump đã và đang phối hợp chính sách khu vực một cách chặt chẽ hơn để thực hiện chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương hiệu quả hơn. Đồng thời đặt nền móng cho kế hoạch tham vọng nhằm tăng số tàu của Hải quân Mỹ lên hơn 350 chiếc, thậm chí lên 500 chiếc.

Kế hoạch dài hạn này được một số nhân vật “diều hâu” quốc phòng Mỹ hoan nghênh vì nguy cơ quân sự đến từ Trung Quốc gia tăng. “Đặt Mỹ lên một nền tảng vững vàng hơn để đương đầu và cạnh tranh với Trung Quốc là thành tựu có ý nghĩa nhất của chính quyền Trump. Họ đã làm được một việc tuyệt vời cho đất nước, đó là đưa bóng sang sân Trung Quốc”, bà Rebeccah Heinrichs, Viện Hudson (tổ chức tư vấn phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington), nhận định.

Sau Trung Quốc là Israel. Quyết định của Tổng thống Trump chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem dẫn tới các cảnh báo về sự nổi dậy trong khu vực và xung đột với người Palestine, nhưng cuối cùng những chuyện như vậy đã không xảy ra. Ở Mỹ, việc dời đại sứ quán được các chính đảng ủng hộ. Ứng viên tổng thống Joe Biden nói rằng, nếu đắc cử, ông sẽ giữ đại sứ quán ở Jerusalem dù sự ủng hộ lưỡng đảng dành cho Israel dường như đang suy giảm trong số thành viên đảng Dân chủ.

Chính quyền Trump cũng có công trong việc giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông. Đó là Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Bahrain. Nhà Trắng coi động thái này là “bình minh của một Trung Đông mới”. Bà Emma Ashford, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Hội đồng Đại Tây Dương (một đơn vị tư vấn Mỹ), cho rằng, thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất khiến một số quốc gia vùng Vịnh thừa nhận rằng, họ thực sự thân thiện hơn với Israel.

Dưới thời Donald Trump, Mỹ đã đẩy lùi IS trên thực địa và vào tháng 10/2019 tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Vào thời điểm đỉnh cao năm 2014, IS kiểm soát hơn 106,200km2 lãnh thổ giữa Iraq và Syria và có hơn 7 triệu người dưới trướng. Đánh bại IS là chiến công quan trọng đối với chính quyền Trump dù thành tựu này một phần đến từ chiến dịch quân sự hình thành dưới thời Barack Obama. Tuy nhiên, hệ tư tưởng của IS vẫn tồn tại, các nhóm hoạt động dưới cờ IS vẫn tiếp tục tấn công ở Afghanistan, Iraq, Syria, Ai Cập và Tây Phi.

Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump cũng có lúc thất bại, bỏ lỡ một số cơ hội lớn. Đó là bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, không nối lại được kế hoạch hòa bình Israel-Palestine bị trì hoãn đã lâu, không có bất kỳ hành động nào về biến đổi khí hậu, chưa hoàn thành cam kết rút toàn bộ lính Mỹ khỏi các cuộc chiến tốn kém ở Trung Đông, Afghanistan…

Và trên tất cả là cách thức đối phó đại dịch COVID-19 mà một số quan chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ coi là thất bại an ninh quốc gia lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tính đến tối 4/11, Mỹ có gần 9,4 triệu người mắc COVID-19, đứng đầu thế giới về số bệnh nhân, chiếm 19,7% tổng số ca mắc toàn cầu, theo thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Trong khi đó, Mỹ ghi nhận hơn 232.600 người chết vì COVID-19, chiếm 19,1% tổng số ca tử vong trên thế giới. “Khủng hoảng COVID là khủng hoảng quốc tế đầu tiên kể từ những ngày trước Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nơi sự lãnh đạo quốc tế của Mỹ là con số không. Tổng thống đã tích cực làm suy yếu các nỗ lực hợp tác (phòng chống dịch)”, ông Thomas Wright, Viện Brookings (cơ quan tư vấn ở Washington), nhận định.

3 lý do người Việt ủng hộ ông Trump

“Nhiều người Việt Nam ủng hộ ứng viên Donald Trump. Theo tôi, có thể có 3 lý do. Ông Trump được biết đến nhiều qua 2 chuyến thăm Việt Nam, bao gồm cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Trump được truyền thông đề cập nhiều hơn đối thủ Joe Biden. Và ông Trump mạnh miệng chống Trung Quốc về các vấn đề thương mại và COVID-19”, GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc), trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Theo ông Thayer, chính quyền Trump đã công khai ủng hộ Việt Nam về vấn đề biển Đông, giúp Việt Nam nâng cao năng lực biển, trong khi trên biển Đông, Trung Quốc liên tục có các động thái vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.