2007 : dân được ghi nợ tiền sử dụng đất

2007 : dân được ghi nợ tiền sử dụng đất
TP - Trong dự thảo nghị định vừa trình Chính phủ xem xét, Bộ Tài chính đã thống nhất quy định mọi người dân đều được ghi nợ nghĩa vụ tài chính là tiền sử dụng đất. Quy định nhằm tạo sự công bằng về quyền lợi cho mọi người dân đang sử dụng đất.
2007 : dân được ghi nợ tiền sử dụng đất ảnh 1
Thứ trưởng Đặng Hùng Võ

 Như Tiền phong đã đề cập, điều 184 của Nghị định (NĐ)181 CP sắp có hiệu lực, theo đó, từ 1/1/2007, tất cả các giao dịch nhà đất chỉ thực hiện được khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”).

Vậy, những trường hợp chưa có “sổ đỏ” có được tham gia  giao dịch không? Việc ghi nợ nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ) gắn liền với việc làm “sổ đỏ” có gì mới?

Ông Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết:

Chính phủ chỉ đạo các địa phương hết năm 2005 phải cấp xong “sổ đỏ” và NĐ181CP quy định từ ngày 1/1/2007, tất cả các giao dịch về đất đai đều phải có “sổ đỏ”.

Tức là, những giấy tờ theo qui định tại khoản 1, 2, 5 điều 50 Luật Đất đai sẽ không có giá trị sử dụng khi tham gia giao dịch (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, bảo lãnh, góp vốn...).

Nhưng thực tế đến hết năm 2006, việc cấp “sổ đỏ” chưa được như mong muốn mặc dù số “sổ đỏ” đã cấp không nhỏ: Đất nông nghiệp-lâm nghiệp gần như đã cấp xong; đất ở vùng nông thôn cấp được 70%; còn đất ở đô thị mới cấp được khoảng 45%, và còn vướng vì Luật Nhà ở ra đời thay đổi mẫu “sổ đỏ”, phát sinh chậm trễ, có nơi chưa thống nhất mẫu “sổ đỏ”.

Dùng giấy tờ cũ đổi Giấy chứng nhận

2007 : dân được ghi nợ tiền sử dụng đất ảnh 2

Người dân đến làm thủ tục cấp “sổ đỏ” tại quận Cầu Giấy-Hà Nội    Ảnh: Phạm Yên

Vậy có gì khó khăn khi thực hiện điều 184 NĐ 181/CP? Việc cấp “sổ đỏ” cho bất động sản đã có giấy tờ xác lập quyền sở hữu/sử dụng từ trước đó được thực hiện ra sao?

Có hai giải pháp: Một là ban hành nghị định mới sửa đổi, bổ sung điều 184 NĐ181CP như gia hạn thời điểm đến năm 2008 hoặc một thời điểm nào đó thích hợp để đất ở đô thị được cấp một lượng “sổ đỏ” nhất định, từ 45% lên 70 % là được; Hai là cứ thực hiện điều 184, nhưng người có nhu cầu giao dịch chưa có “sổ đỏ” thì phải làm và những trường hợp này phải được ưu tiên cấp “sổ đỏ” để họ thực hiện các giao dịch.

Thực ra, luật quy định chỉ cần mang giấy tờ cũ ra sẽ đổi được “sổ đỏ”. Bây giờ chỉ cần làm đúng điều ấy, và cần đưa ra một quy trình thật đơn giản, tránh gây phiền phức cho dân.

Vì vậy, không có vướng mắc gì lớn trong thực tiễn khi thực hiện quy định từ 1/1/2007 các giao dịch về nhà đất phải có “sổ đỏ”. Bộ TN&MT cho rằng không cần sửa đổi NĐ 181/CP, mà cứ tiếp tục thực hiện và sẽ có hướng dẫn.

Người dân sẽ được ghi nợ tiền sử dụng đất

Thưa ông, việc ghi nợ nghĩa vụ tài chính tới đây có gì mới?

NĐ17/CP ban hành ngày 17/1/2006 đã cho phép ghi nợ nghĩa vụ tài chính. Nhưng cách hiểu của Bộ Tài chính và Bộ TN&MT có khác nhau.

Bộ Tài chính cho rằng phải xem xét, phải có xác nhận chứ không phải mọi đối tượng có yêu cầu đều được ghi nợ nghĩa vụ tài chính là tiền sử dụng đất; còn quan điểm của Bộ TN&MT là ai có nguyện vọng đều được ghi nợ.

Nếu phải xem xét, phải xin xác nhận của xã, phường thì sẽ thêm một cái “lệ” nữa, phiền hà cho dân, mà chưa chắc các xác nhận đều khách quan như mong muốn. Thực tế, các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn khi áp dụng quy định này.

Bộ TN&MT vừa trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định về một số quy định, bổ sung đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất và trình tự, thủ tục trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Trong dự thảo nghị định này, Bộ Tài chính đã thống nhất quy định mọi người dân đều được ghi nợ nghĩa vụ tài chính là tiền sử dụng đất (Lệ phí trước bạ không thuộc phạm vi nghị định này - PV).

Quy định về ghi nợ nhằm tạo sự công bằng về quyền lợi cho mọi người dân đang sử dụng đất, dù thời điểm sử dụng đất có khác nhau. Việc cho ghi nợ tiền sử dụng đất cũng sẽ thúc đẩy nhanh tiến độ cấp “sổ đỏ”trên cả nước; khắc phục tình trạng ế “sổ đỏ” do người dân không đến nhận vì phải nộp một số tiền quá lớn, như Hà Nội và một số địa phương.

Theo nghị định mới, chỉ khi tham gia các giao dịch, chuyển nhượng, người sử dụng đất mới phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Đó là một sửa đổi hợp lý trong giai đoạn hiện nay.

Khi nào nghị định này được ban hành, thưa ông?

Trong tuần nghị định này sẽ được các cơ quan chức năng xem xét thông qua để Chính phủ có thể ban hành ngay vào thời điểm cuối tháng 12 này. Sau khi ban hành, quy định về việc ghi nợ tiền sử dụng đất sẽ được thực hiện.

MỚI - NÓNG