Hôm nay, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Bộ GD&ĐT, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo giáo dục 2023 với chủ đề: thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.
Một trong những vấn đề được các đại biểu tham dự hội thảo đề cập đến chính là chất lượng đào tạo giáo dục ĐH hiện nay.
Đại tá Dương Xuân Phượng, Phó Giám đốc Học viện Viettel, Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chia sẻ một góc nhìn liên quan đến chất lượng giáo dục ĐH, trong đó, có một yêu cầu quan trọng là trả lại giá trị thực cho các tấm bằng tốt nghiệp ĐH.
Ông Phượng thông tin lõi của Viettel là kỹ thuật điện tử, viễn thông; chế tạo, sản xuất kinh doanh công nghiệp, công nghệ cao nên đội ngũ nhân sự chủ chốt ở Tập đoàn và các Tổng Công ty, Công ty hầu hết phải có 2 bằng: Kỹ thuật và Kinh tế. Bằng kỹ thuật để hiểu gốc của sản phẩm; bằng kinh tế để quản trị kinh doanh hiệu quả. Và là doanh nghiệp Quân đội nên đội ngũ lãnh đạo chỉ huy phải có thêm 1 bằng nữa là Bằng cấp về chỉ huy tham mưu quân sự.
Đội ngũ nhân sự chủ chốt hiện nay của Tập đoàn và các đơn vị thành viên cơ bản tốt nghiệp khối các trường kĩ thuật như ĐH Bách khoa Hà Nội, các trường thuộc 2 ĐH Quốc gia, Học viện Kĩ thuật Quân sự, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và khối các trường kinh tế như Trường ĐH Thương mại, Học viện Tài chính, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đặc biệt, có tới 1/4 nhân sự chủ chốt tốt nghiệp ĐH Bách khoa. "Chúng tôi đánh giá chất lượng đào tạo của các trường ĐH của Việt Nam là rất tốt, rất ổn", ông Phượng nói.
Tuy vậy, qua quá trình sử dụng lao động, Viettel nhận thấy còn một số tồn tại.
Trong đó, tồn tại khoảng cách xa giữa nội dung đào tạo tại trường ĐH và thực tế doanh nghiệp.
Chương trình tài năng Viettel Digital Talent đã tổ chức tuyển chọn thực tập sinh tài năng và đã nhận được gần 2.000 hồ sơ ứng viên giỏi, xuất sắc. Tuy nhiên, trong số này chỉ có hơn 100 sinh viên đạt yêu cầu.
Chương trình đã khảo sát nhanh hơn 100 sinh viên này và kết quả cho thấy, 3/4 các em tự nhận xét những gì mình được học chỉ đáp ứng được dưới 75% yêu cầu công việc, chỉ 2% cho rằng với những gì mình được trang bị có thể đáp ứng trên 90% yêu cầu. Và tỷ lệ này là khá tương đồng với nhận định của các Cán bộ Viettel được giao hướng dẫn, kèm cặp. Kết quả này phản ánh thực trạng thiếu và yếu kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm, doanh nghiệp phải mất thời gian trung bình từ 4-6 tháng để đào tạo bổ sung.
Theo ông Phượng nhìn nhận, những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các loại khá, giỏi, xuất sắc rất cao, có khi lên đến trên 90%; trong khi năng lực thực tế không cách biệt quá nhiều so với các thế hệ sinh viên trước đây.
"Hiện tượng một sinh viên xuất sắc nhưng không thể đáp ứng được 70% yêu cầu công việc. Chúng tôi không nắm được cụ thể quy định về tuyển dụng nhân sự của các cơ quan nhà nước, nhưng với doanh nghiệp, thì quan trọng nhất vẫn là năng lực làm việc thực tế. Kinh nghiệm của các trường ĐH hàng đầu Việt Nam và trên thế giới cho thấy, chính việc duy trì chất lượng đào tạo với yêu cầu đánh giá khắt khe mới là một trong những nhân tố làm nên vị thế, uy tín, thương hiệu của nhà trường", ông Phượng thông tin.
Trường ĐH cần làm gì?
Trước thực trạng trên, ông Phượng nêu lên một số giải pháp để khắc phục. Trong đó, trường ĐH cần đào tạo theo tín hiệu thị trường. Các cơ quan quản lý cần tạo sự linh hoạt, chủ động cho các trường ĐH trong việc thay đổi, cập nhật nội dung đào tạo gắn liền với yêu cầu của doanh nghiệp.
Đại tá Dương Xuân Phượng. Ảnh: Thế Đại |
Các trường ĐH cần xây dựng và duy trì kết nối thường xuyên với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp liên quan đến đúng ngành nghề đào tạo của nhà trường.
Tránh tình trạng lệch pha giữa “cung - cầu”, khi có sản phẩm “thừa”, “thiếu” dẫn đến hệ quả là nhiều người lao động phải làm việc trái với chuyên ngành được đào tạo. Xu hướng liên kết giữa trường và doanh nghiệp đã có, nhưng vẫn chủ yếu ở khối các trường đào tạo nghề. Đối với các trường ĐH liên kết còn hạn chế; có lẽ chủ yếu xuất phát từ nhu cầu chủ động của doanh nghiệp.
Tập đoàn Viettel, đã cử một số cán bộ tham gia một số nội dung đào tạo, chia sẻ tại một số cơ sở giáo dục ĐH nhưng về mặt tổng thể vẫn thiếu một cơ chế, chính sách đồng bộ, hiệu quả (ví dụ như việc liên kết cấp chứng chỉ giữa nhà trường – doanh nghiệp, xây dựng chương trình Học kỳ trong doanh nghiệp,…).
Về kiến thức, ông Phượng chia sẻ trường ĐH cần cung cấp những kiến thức cập nhật, thực tế đang vận hành ở doanh nghiệp thay vì là những kiến thức quá hàn lâm, nặng về lý thuyết. Ngay cả những môn học cơ bản như Tin học văn phòng cũng cần cập nhật ứng dụng ChatGPT vào các ứng dụng như Word, Excel. Nếu các trường vẫn dạy như cách dạy cũ thì khi ra trường, sinh viên chắc chắn phải học lại từ đầu, vì AI đã làm thay.
Về kỹ năng, cần coi trang bị năng lực “Học tập suốt đời” cho mỗi công dân là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy khả năng phát triển về lâu dài của con người.
Về thái độ, cần có định hướng, phát huy những điểm mạnh của thế hệ trẻ GenZ (thế hệ sinh ra sau năm 2000) như tự tin, linh hoạt, nhạy bén; đồng thời khắc phục những điểm yếu như khả năng không chịu được áp lực cao và thiếu khiêm tốn.
Và một nội dung không thể thiếu theo ông Phượng đó là rà soát, xem xét tiêu chí đánh giá sinh viên của các trường ĐH. Cần kiểm soát tỷ lệ giỏi, xuất sắc đúng thực chất.