200 ha rừng ở Lâm Đồng bị phá nát, ai tiếp tay?

Phá rừng lập trang trại rộng cả chục héc ta
Phá rừng lập trang trại rộng cả chục héc ta
TP - Mặc dù đã được giao cho cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ nhưng hàng trăm héc ta rừng ở Lâm Đồng vẫn bị phá trắng, lấn chiếm, sang nhượng để làm nhà, trồng cây nông nghiệp, trong đó không ít đối tượng là người thân của cán bộ.  

Giao sai đối tượng

UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trương giao rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư tại chỗ (ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số và những hộ nghèo) quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng. Trên tinh thần đó, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt phương án giao 209 ha rừng và đất rừng cho cộng đồng cụm thôn 1, 2, 4 (xã Lộc Nam, Bảo Lâm) gồm 14 hộ, do ông K’Đản làm tổ trưởng.

Lạ thay, khi UBND tỉnh giao UBND huyện Bảo Lâm lập thủ tục giao đất cho cộng đồng thì chủ tịch huyện lại ký quyết định cho ông Nguyễn Duy Minh (một người ở tận TP Bảo Lộc) làm đại diện và thực tế chỉ có 6 hộ nhận rừng. Sau khi giao đất, giao rừng, nhà nước còn chi trả cả tiền dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng, thế nhưng hầu hết cây rừng trên diện tích lên tới 73,77ha đã bị “gọt” sạch.

Tại xã Lộc Phú, năm 2013, UBND huyện Bảo Lâm giao hơn 231 ha rừng và đất rừng cho 9 hộ thuộc cộng đồng thôn 4 (do ông Nguyễn Đức Dạo làm tổ trưởng) để quản lý bảo vệ, trồng rừng và sản xuất nông lâm kết hợp. Đến khi xảy ra khiếu nại, tố cáo, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh mới “té ngửa” thực chất chỉ có 2 hộ dân là Nguyễn Đức Dạo và Phạm Quang Thọ “bao thầu” toàn bộ 231 ha nói trên và hiện đã có hơn 24 ha rừng bị mất; 42,5 ha đất lâm nghiệp bị dân lấn chiếm trồng cà phê.

200 ha rừng ở Lâm Đồng bị phá nát, ai tiếp tay? ảnh 1 Phát hiện vụ lén lút cưa hạ thông rồi chôn lấp để phi tang

Chuyển nhượng đất rừng trái phép

Đoàn thanh tra của huyện Bảo Lâm phát hiện có 9 trường hợp không phải là người thuộc cộng đồng thôn 4 xã Lộc Phú nhưng canh tác tại khu vực này. Ông H.V.H thừa nhận đã chuyển nhượng lô đất từ các ông Nguyễn Văn Dũng (bố ông Dạo) và Nguyễn Văn Khánh (nay là cán bộ tư pháp xã Lộc Phú, chú ruột ông Dạo) với giá 290 triệu đồng. Ông L.V.B trình bày đã đưa cho ông Dũng và ông Khánh 160 triệu đồng để được quản lý, bảo vệ 5 ha đất rừng xen keo. Ông T.Q.T thừa nhận mua 1,4 ha đất của người tên Hào và 0,7 ha đất của ông Nguyễn Quang Tuyến.

Dẫu không phải là người ở thôn 4 nhưng ông Phạm Tấn Hùng (cán bộ ngân hàng, ngụ tại TP Bảo Lộc) vẫn được ông Dạo “giao” cả chục héc ta rừng tại khoảnh 5, tiểu khu (TK) 439 để nuôi dê dưới tán rừng. Tuy nhiên đến nay gần như toàn bộ cây rừng đều bị phá sạch, nhường chỗ cho trang trại dê và cây nông nghiệp. Đáng lưu ý, năm ngoái, ông Hùng đã bị Công an huyện khởi tố bắt giam vì thuê người hủy hoại rừng tại TK 460 (xã Lộc Ngãi), còn vụ phá 10 ha rừng tại TK 439 vẫn chưa bị cơ quan nào xử lý.

Chưa hết, ông Nguyễn Văn Sử (trú tại thôn 4) tố đã đưa cho ông Khánh 200 triệu đồng để mua 1 ha đất rừng cộng đồng từ năm 2017 nhưng đợi mãi mà không được giao đất. Nguồn tin từ Công an huyện Bảo Lâm, đơn vị đã tiếp nhận đơn của một số hộ dân tố cáo ông Khánh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc mua bán đất rừng cộng đồng. Hiện đơn vị đang thụ lý và củng cố hồ sơ để giải quyết.

Vì sao chậm thu hồi?

Từ tháng 8/2019, UBND huyện Bảo Lâm đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi hơn 231 ha rừng, đất rừng của cộng đồng thôn 4. Thế nhưng mới đây, khi PV Tiền Phong trở lại Lộc Phú, việc thu hồi rừng vẫn còn nằm trên giấy, hơn thế, có thêm nhiều diện tích rừng bị phá, nhiều ngôi nhà mới mọc lên giữa rừng.

Chẳng hạn, khu vực rộng khoảng 2 ha tại khoảnh 6 (TK 438A) được dựng cổng, rào xung quanh, bên trong mọc lên căn nhà gạch và vườn bơ xanh tốt. Theo một cán bộ quản lý rừng, đây là vườn và nhà của ông Dũng (bố ông Dạo). Đáng lưu ý, vào năm 2019, các cơ quan chức năng từng phát hiện hàng loạt cây thông bị lén lút cưa hạ tại khu vực này, sau đó cưa thành 400 lóng gỗ dài 1 -1,5m, đường kính từ 17- 40 cm và chôn lấp để phi tang.

Mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với ban ngành chức năng lập biên bản vụ phá rừng xảy ra ở khoảnh 6, TK 439 để trồng cây nông nghiệp. Tại hiện trường có 22 cây thông bị ken, hàng chục cây keo bị cưa hạ và chất vào gốc thông để đốt. Thế nhưng 2 ngày sau, chủ vườn vẫn thản nhiên chở nước tới tưới cho số cây vừa trồng.  

Mặc dù đã bị ban ngành chức năng lập biên bản về việc dựng nhà trái phép tại TK 438A và yêu cầu tháo dỡ nhưng đã nửa năm trôi qua mà ngôi nhà của ông Giáp Văn Thống vẫn tồn tại giữa rừng.

Bên cạnh đó, ông Giáp Văn Tĩnh - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm, bị người dân tố cáo bao che việc hủy hoại rừng cộng đồng và thiếu kiên quyết trong xử lý các vụ phá rừng.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết có  9 cán bộ, công chức của Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm bị yêu cầu kiểm điểm vì để xảy ra phá rừng. Sắp tới, toàn bộ lãnh đạo Hạt sẽ bị kiểm điểm và bị luân chuyển, trong đó có 1 cán bộ phải nhận hình thức kỷ luật. Mặt khác, do tình trạng phá rừng ở thôn 4, xã Lộc Phú xảy ra nghiêm trọng nên UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Thanh tra tỉnh vào cuộc xác minh, làm rõ để xử lý.

MỚI - NÓNG