Theo báo cáo chưa đầy đủ từ các Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2013, cả nước xảy ra 562 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người, nhưng Bộ LĐ-TB&XH chỉ nhận được 175 biên bản điều tra với số người chết 189 người.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc nhiều doanh nghiệp (DN) ở các địa phương báo cáo số liệu TNLĐ chậm, không đầy đủ đang gây khó khăn cho việc đánh giá tình hình TNLĐ trên cả nước. Để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Bùi Hồng Lĩnh yêu cầu Sở LĐ-TB&XH địa phương phải kiên quyết xử phạt nghiêm các DN không báo cáo định kỳ về TNLĐ theo quy định của Chính phủ.
Theo ông Thắng, trong năm 2013, mặc dù số người bị TNLĐ và số vụ TNLĐ giảm 1,2% so với năm 2012 nhưng số vụ tai nạn chết người lại tăng 10 vụ (tăng 1,8%) và số người chết tăng 21 người (tăng 3,5%). Đặc biệt, số vụ TNLĐ có 2 người bị thương nặng trở lên tăng tới 19%. Như vậy, mặc dù số lượng các vụ TNLĐ có xu hướng giảm nhưng TNLĐ nghiêm trọng lại có xu hướng tăng và chiếm tỷ lệ lớn.
Thiệt hại về vật chất do TNLĐ (chi phí tiền thuốc, mai táng, bồi thường cho gia đình người chết, người bị thương…) năm 2013 là 71,85 tỷ đồng và thiệt hại về tài sản là 6,27 tỷ đồng. Có 10 địa phương để xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người nhiều nhất trong cả nước (TPHCM, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Giang, Đà Nẵng, Nghệ An).
Theo Bộ LĐ-TB&XH, sản xuất kinh doanh là lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người gồm: xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh điện, chế tạo cơ khí. Về nguyên nhân dẫn đến TNLĐ chết người, ông Thắng cho biết, có đến 59% là do người sử dụng lao động và 26% do người lao động.