PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin, ngay sau khi kết thúc kỳ thi, các địa phương sẽ bắt tay vào chấm thi. Chậm nhất là 17 giờ ngày 15/7, các địa phương phải hoàn tất công việc chấm thi tự luận và trắc nghiệm.
Ngay sau đó, ngày 18/7 sẽ công bố kết quả thi cho tất cả thí sinh và xét công nhận tốt nghiệp.
Sinh học không "bất thường"
Nhận định chung của giáo viên các bộ môn tổ hợp KHTN (gồm các môn Sinh học, Hóa học, Vật lý) là đề thi năm nay khó hơn năm ngoái và có những câu phân hóa rõ rệt, thuận lợi cho các trường ĐH xét tuyển.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên bộ môn Sinh học, hệ thống giáo dục HOCMAI, người phát hiện sự “bất thường” của đề thi môn này năm 2021 giống 90% với đề luyện thi của thầy Phan Khắc Nghệ (Hà Tĩnh) nói rằng, năm nay đề có sự thay đổi.
Thí sinh dự bài thi tổ hợp tại Hà Nội. (ảnh: Như Ý) |
Cụ thể, cấu trúc đề khá tương đồng với đề thi minh họa trước đó Bộ công bố, gồm 75% ở mức nhận biết thông hiểu, 25% ở mức vận dụng và vận dụng cao, nhưng độ khó và phân hóa đã tăng lên rất nhiều.
“Đề thi đã loại bỏ gần như hoàn toàn các dạng Toán không mang bản chất Sinh học như trước kia, không còn các dạng Toán phải sử dụng mẹo mức, công thức. Bản chất Sinh học thể hiện rõ rệt nhất trong tất cả các đề thi tốt nghiệp THPT từ trước đến nay”, thầy Đinh Đức Hiền nói.
Cũng theo thầy Hiền, để giải quyết các câu hỏi vận dụng cao ở đề thi năm nay, đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm thật tốt bản chất Sinh học mà cần có kĩ năng đọc hiểu tốt, phân tích, đối sánh để tìm ra ý đúng.
Đề thi có xu hướng tương tự các đề thi đánh giá năng lực hiện nay. Đây là bước tiến cần thiết để đáp ứng chương trình GDPT mới 2018. Tổng thể đề thi khá dài, nếu đặt trong bối cảnh thi 3 môn trong cùng một buổi sáng sẽ gây nhiều khó khăn thí sinh, nhất là môn Sinh lại là môn thi cuối. Mức độ phân hóa khá tốt, hoàn toàn có thể để các trường Y sử dụng làm căn cứ tuyển sinh.
“Phổ điểm sẽ rơi chủ yếu mức 5-6, phổ điểm dự đoán sẽ có dạng phân phối chuẩn, số điểm 10 sẽ không nhiều, học sinh khá giỏi có thể dễ đạt 7-8, tuy nhiên mức 9-10 sẽ là thách thức lớn”, thầy Hiền dự đoán.
Tương tự, giáo viên dạy Hóa học, Vật lý cũng đánh giá đề thi năm nay có độ khó nhỉnh hơn năm ngoái ở các câu phân hóa để học sinh lấy điểm 9-10.
Đề Hóa có bất ngờ
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa học tại Hà Nội nói rằng, với cách ra đề thi như năm nay nhiều thí sinh sẽ thấy bất ngờ vì một số dạng bài tập thuộc nhóm vận dụng, vận dụng cao có trong đề minh họa lại không có trong đề chính thức. Đó là các bài tập điện phân, bài tập về phân bón, bài tập về đốt cháy nhiên liệu, bài tập về chất béo. Nhiều bạn đã dành hằng tháng để học tủ các bài tập này có thể sẽ thất vọng.
“Với đề thi đó, điểm thi có thể giảm nhẹ, số thí sinh đạt mức điểm giỏi 9, 10 có thể sẽ ít hơn một chút. Đó phải là những học sinh có kiến thức chắc chắn, toàn diện, không học tủ, học lệch và không lệ thuộc vào đề minh họa”, thầy Ngọc dự đoán.
Về môn Vật lý, nhiều giáo viên cũng cho rằng, có khoảng 70-75% số lượng câu hỏi đầu kiến thức khá cơ bản, không đánh đố, thí sinh dễ dàng làm được nhưng để đạt mức điểm 9-10 đòi hỏi các em phải có học lực tốt và hiểu bản chất, có tư duy tốt mới làm được.
Hôm qua, tại buổi họp báo thông tin về kỳ thi, trả lời câu hỏi của PV báo chí về đề thi năm nay “cua gắt”, đang dễ chuyển sang cực khó, không có bước đệm để các trường tốp giữa lấy kết quả tuyển sinh, GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Trưởng Ban đề thi cho biết, nguyên tắc của việc ra đề là tập trung vào tính công bằng và sự phân hoá được thí sinh.
Đội ngũ thầy cô ra đề là những chuyên gia nhưng khi vào “trại đề” vẫn phải tập huấn kỹ 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu vận dụng và vận dụng cao. Khi xây dựng đề cơ bản giữ cấu trúc như năm ngoái, trong đó 50% mức độ 1, 25% mức độ thông hiểu, 25% cho vận dụng và vận dụng cao.