Cánh rừng ở tiểu khu 613 bị đầu độc |
Ngày 20/7, các cơ quan chức năng ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) vào cuộc điều tra truy tìm các đối tượng đầu độc rừng thông tại tiểu khu 613, thuộc địa bàn xã Lộc Phú, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý, bảo vệ.
Trước đó, vào ngày 19/7, Hạt Kiểm lâm huyện cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đã khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng tại khoảnh 3, tiểu khu 613. Qua đo đếm, lực lượng chức năng xác định có 56 cây thông 3 lá hàng chục năm tuổi bị các đối tượng khoan lỗ rồi đổ hóa chất vào.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng |
Theo Hạt kiểm lâm, 56 cây thông này có trữ lượng lâm sản hơn 28m3, nằm trên diện tích hơn 2.700m2. Hiện phần lớn số cây bị đầu độc đang vàng lá, chết dần.
Tại khoảnh 4, lực lượng chức năng xác định có tới 103 cây thông bị đầu độc theo cách tương tự. Vụ phá rừng xảy ra chưa lâu bởi lá thông vẫn còn xanh và từ các lỗ khoan, nhựa vẫn đang ứa ra.
Sau khi phát hiện các vụ phá rừng, Hạt Kiểm lâm huyện cùng UBND xã Lộc Phú và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri nhanh chóng triển khai các biện pháp giải độc cho cây thông.
Đáng lưu ý, như báo Tiền Phong đã đưa tin, tại tiểu khu 614 (xã Lộc Ngãi), giáp ranh với xã Lộc Phú cũng vừa xảy ra vụ đầu độc 93 cây thông từ 30-40 năm tuổi. Hiện hầu hết số cây này bị vàng lá chết dần.
Lỗ khoan có chứa hóa chất trên thân cây thông |
Hiện trường các vụ rừng thông bị triệt phá nói trên đều tiếp giáp với rẫy cà phê của các hộ dân nên cơ quan chức năng nhận định, nhiều khả năng lâm tặc phá rừng nhằm mục đích chiếm đất.
Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện Bảo Lâm chỉ đạo Công an huyện cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, truy tìm các đối tượng đầu độc rừng thông để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt là rà soát các băng nhóm chuyên lén lút khoan lỗ, đổ hóa chất đầu độc rừng thông với mục đích chiếm đất, sang nhượng trái phép.
Các chủ rừng được chỉ đạo phối hợp Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương tìm giải pháp cứu chữa số cây thông bị khoan lỗ, đổ hóa chất nêu trên; đồng thời, tổ chức trồng dặm, phục hồi lại rừng.
Mặt khác, các ban ngành chức năng tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý những tổ chức và cá nhân có liên quan vì để xảy ra nhiều vụ phá rừng gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn.