Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2016:

150 triệu đồng và suất tới Rio “rẻ” nhất thế giới

Nguyễn Thị Lụa (phải) mạnh mẽ giành vé đến Olympic dù phải tăng 2 hạng cân thi đấu. Ảnh: VSI
Nguyễn Thị Lụa (phải) mạnh mẽ giành vé đến Olympic dù phải tăng 2 hạng cân thi đấu. Ảnh: VSI
TP - Hai nữ đô vật Nguyễn Thị Lụa và Vũ Thị Hằng đã giành hai suất chính thức tới Brazil với mức đầu tư thuộc diện “rẻ” nhất thế giới: 150 triệu đồng.

Vừa kết thúc giải vô địch châu Á cũng là vòng loại Olympic hồi tháng 4 tại Kazakhstan, lãnh đạo của đội vật Thái Lan- không giành nổi suất nào,  đã tìm đến để chúc mừng và bày tỏ sự thán phục trước thành công đặc biệt của Việt Nam. Dù chỉ nhắm 1 suất song Việt Nam đã xuất sắc đoạt tới 2, của Lụa và Hằng. Trong đó tài năng trẻ Vũ Thị Hằng còn đánh bại cả nhà ĐKVĐ ASIAD Som Sim Hyang (CHDCND Triều Tiên).

Cả làng vật châu lục đã phải kinh ngạc khi Nguyễn Thị Lụa đôn tới hai hạng cân (từ 48 lên 51 rồi 53kg) vẫn lập kỳ tích. Hạng cân “tủ” 48kg trước đó của Lụa được thay thế xứng đáng bởi một gương mặt còn xuất sắc hơn, Vũ Thị Hằng. 

Càng đáng kể hơn bởi hai nữ đô vật này đã vươn tới thành quả ngoạn mục, bằng một chiến dịch nhanh gọn hiếm có, với mức kinh phí đầu tư thuộc diện “rẻ” nhất thế giới.

 Như nhẩm tính của HLV trưởng Đới Đăng Hỷ, cho đến khi đoạt suất, Lụa và Hằng chỉ mất một chuyến tập huấn 2 tháng tại Trung Quốc, cùng 3 giải đấu cả cọ xát và đấu loại trực tiếp. Tổng chi phí cho mỗi người chỉ khoảng 150 triệu đồng. Cũng theo ông Hỷ, mức đầu tư của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Thái Lan.

Đỉnh cao mà Lụa và Hằng chinh phục được, đã chứng tỏ nội lực, sức vươn phi thường của hai nữ đô vật bước ra từ hai cái “nôi” hàng đầu ở Hà Nội và Bắc Giang. Và quan trọng hơn, nó chứng tỏ cách làm rất độc đáo, hiệu quả với nhiều sáng tạo của môn vật nữ. 

Ngay từ khi mới gây dựng trở lại cách đây 15 năm, môn này đã có một chiến lược chuẩn xác khi chỉ ưu tiên tập trung cho một vài hạng cân nhẹ, đặt dưới sự dẫn dắt của chuyên gia ngoại. Với một nguồn kinh phí ít ỏi, có lẽ là thấp nhất trong các môn chuẩn bị cho Olympic, họ đã chọn đúng một số giải đấu có cơ hội rõ ràng để phấn đấu. 

Thầy trò đội vật cũng khéo léo tận dụng triệt để nghịch cảnh của môn này là thường xuyên bị loại khỏi SEA Games, do các nước trong khu vực quá “ngán” vật nữ Việt Nam, để dốc toàn lực cho đích nhắm châu lục và thế giới, tránh hẳn được sự gián đoạn và phân tán nguồn lực.

Với trường hợp của Lụa và Hằng, việc đôn đàn chị lên hạng cân trên để nhường lại sở trường cho đàn em cách đây 3 năm thực sự là một quyết định sáng suốt. Thay vì chỉ có một hạng cân mạnh, vật Việt Nam đã hình thành nên hai hạng cân thậm chí còn nặng ký hơn, mỗi hạng cân do một đô vật hàng đầu châu lục nắm giữ.

Như giới chuyên môn trầm trồ, nếu không có sự thay đổi mang tính bước ngoặt ấy, chưa chắc vật Việt Nam đã có 1 suất, chứ chưa nói đến 2, đến Rio tranh tài.

Tổng đầu tư cho chiến dịch Olympic 2016 của TTVN đã tăng đáng kể so với cách đây 4 năm, với 40 tỷ đồng, chủ yếu cho việc tập huấn thi đấu của các tuyển thủ trọng điểm. Đây là một nguyên nhân quan trọng giúp Việt Nam lập nên một kỷ lục về số đại diện tại Rio: 23 tuyển thủ của 10 môn.

MỚI - NÓNG