1.200 giáo viên Hải Dương bị nợ lương: Tết này liệu họ có được lĩnh lương?

 Các cô giáo Trường mầm non Hoa Sứ TP Hải Dương vẫn cần mẫn chăm sóc trẻ dù có những người gần 4 tháng bị nợ lương, cuộc sống gia đình đảo lộn. Ảnh : N.Hà.
Các cô giáo Trường mầm non Hoa Sứ TP Hải Dương vẫn cần mẫn chăm sóc trẻ dù có những người gần 4 tháng bị nợ lương, cuộc sống gia đình đảo lộn. Ảnh : N.Hà.
TP - Sau gần 4 tháng nợ lương, Ngày 11/12, UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn 3701/CV-UBND, theo đó 1.191 giáo viên hợp đồng này sẽ được chi trả lương đến hết năm 2017. Trả lời PV Tiền Phong, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương Nguyễn Thị Tiến bày tỏ sự lo lắng khi công văn của UBND tỉnh cũng mới chỉ giải quyết chế độ tiền lương cho giáo viên trong 4 tháng, đến hết năm 2017. Còn từ tháng 1/2018, số phận của gần 1.200 giáo viên này lại chưa biết giải quyết thế nào, khi cái Tết đã cận kề.

Tủi lòng vay nợ chi tiêu

Tầm trưa, tại lớp 5 tuổi, Trường mầm non Hoa Sứ, TP Hải Dương, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Bích Vân thoăn thoắt chia cơm, thức ăn vào từng bát con cho trẻ. Cô Vân cho biết, vào nghề đã 2 năm nay và cô là 1 trong 26 giáo viên của trường thuộc diện hợp đồng bị nợ lương. Chưa chồng, chưa con nên mọi chi tiêu cho bản thân, 4 tháng nay cô dựa cả vào bố mẹ. Cô Vân tâm sự: “ngành nào cũng thế, đi làm mình cũng mong được nhận đồng tiền công sức đã bỏ ra. Ai cũng thế thôi, cuộc sống có nhiều khoản phải chi tiêu, khi không có sẽ rất khó khăn, hụt hẫng”. Cô Vân mong được cấp trên quan tâm để ổn định cuộc sống, yên tâm bám nghề dù đồng lương của giáo viên hợp đồng lâu nay vẫn eo hẹp.

Cô Nguyễn Thị Hiền là nhân viên nuôi dưỡng trẻ của Trường mầm non Hoa Sứ. Để phục vụ đủ khẩu phần ăn cho trẻ, mỗi sáng cô đến trường từ 6 giờ 15 phút để nhận thực phẩm và bắt đầu một ngày bằng việc nhặt rau, rửa thịt, cá. Một ngày làm việc của cô chỉ kết thúc khi bát đĩa bữa chiều của trẻ được rửa sạch sẽ cho vào tủ sấy khô, nồi niêu cất cẩn thận. Làm việc vất vả là thế, mỗi tháng cô được trường trả 2.950.000 đồng tiền lương. Tuy nhiên, gần 4 tháng không có lương, trong các khoản tiền học của con, tiền điện nước, chợ búa vẫn phải chi trả nên cô Hiền đã phải vay mượn nhiều nơi. Cô nói: “Những tháng trước, thi thoảng con được đến khu vui chơi, ăn vặt...nhưng khi mẹ bị nợ lương thì những khoản đó phải cắt hết”.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Hải Dương cho biết, riêng thành phố có tới 400 giáo viên mầm non bị nợ lương, trong đó nhiều cô có gia đình, con nhỏ nên cuộc sống khó khăn. Sau 3 tháng, có 24 cô bỏ việc, nhiều cô khác gửi đơn xin nghỉ nếu không giải quyết chế độ. Để đảm bảo an toàn cho trẻ trường vẫn phải đảm bảo 2 giáo viên/ lớp. Vì vậy, khi giáo viên nghỉ, có trường đã tính đến phương án tìm đến các giáo viên đã nghỉ hưu, sức khỏe còn tốt để hợp đồng nhưng họ vẫn từ chối.

Chưa biết Tết này sẽ ra sao ?

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 4.056 giáo viên hợp đồng, trong đó có 1.191 giáo viên hợp đồng ngoài biên chế. Trong số này, sau 3 tháng không được trả lương đã có 61 giáo viên xin nghỉ việc. Ngày 11/12, UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn 3701/CV-UBND, theo đó số giáo viên đã được ký hợp đồng này sẽ được trả lương đến hết năm 2017.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương, bà Nguyễn Thị Tiến cho biết, chuyện nợ lương của số giáo viên bắt nguồn từ quy định của Thông tư 39 năm 2016 của Bộ Tài Chính, trong đó có quy định trách nhiệm kiểm soát chi. Vì vậy, kho bạc nhà nước có quyền kiểm soát chi, không thanh toán những hợp đồng giáo viên ngoài biên chế.

Lý giải việc vì sao địa phương ký hợp đồng ngoài biên chế với số lượng lớn, bà Hiền cho rằng, do chỉ tiêu năm học 2017 - 2018 quy mô học sinh tăng 423 lớp, trong đó tiểu học tăng 222 lớp, THCS tăng 59 lớp và mầm non tăng 142 lớp. Đặc biệt, đối tượng mầm non chỉ phổ cập trẻ 5 tuổi nhưng người dân vẫn có nhu cầu gửi cả trẻ 2-3 tuổi và các trường đều phải đáp ứng, thế nhưng chỉ tiêu biên chế lại không được tăng. Theo bà Hiền, cái khó của địa phương hiện nay là tỉnh thực hiện chỉ đạo của T.Ư về tinh giản biên chế và phải tự điều chỉnh trong số giáo viên hiện có. Trong khi thực tế tại các trường, tăng học sinh, tăng lớp học thì nhất thiết phải tăng giáo viên. Chưa kể, đặc thù của ngành sư phạm là đa số giáo viên nữ, nhiều người nghỉ sinh cùng lúc, nghỉ kéo dài 6 tháng nên nếu không hợp đồng sẽ không đủ giáo viên đứng lớp.

Bà Tiến cho biết, khi cả nghìn giáo viên bỗng dưng bị ngưng lương, bà cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT có kiến nghị với Sở Nội Vụ, UBND tỉnh trong các cuộc họp để bảo vệ quyền lợi của giáo viên trước. Vì điều này, ảnh hưởng lớn đến đời sống, tâm tư của giáo viên, cán bộ quản lý. Theo bà Hiền: “Tinh giản biên chế là cần thiết, tuy nhiên phải có cơ chế để đảm bảo công việc và quyền lợi người lao động chứ không nên để xảy ra chuyện như vừa rồi”.

Trả lời PV Tiền Phong, bà Tiến cũng bày tỏ sự lo lắng khi công văn của UBND tỉnh cũng mới chỉ giải quyết chế độ tiền lương cho giáo viên trong 4 tháng, đến hết năm 2017. Còn từ tháng 1/2018, số phận của gần 1.200 giáo viên này lại chưa biết giải quyết thế nào, khi cái Tết đã cận kề. “Sở Nội Vụ nói không được hợp đồng giáo viên quá chỉ tiêu biên chế, trong khi các trường cũng không thể có giải pháp nào để chi trả cho giáo viên hợp đồng. Nếu không có chế độ giáo viên hợp đồng, hàng trăm lớp học mẫu giáo sẽ chỉ có 1 cô/ lớp như vậy không đảm bảo an toàn cho trẻ”, bà Tiến nói.

Lý giải về việc liệu các hiệu trưởng có ký hợp đồng thừa giáo viên, bà Tiến cho rằng, hiệu trưởng các trường được phép ký hợp đồng khi lãnh đạo cấp quận, huyện và Sở GD&ĐT cho phép. Các cấp phê duyệt hợp đồng cũng căn cứ thực tế giáo viên nghỉ ốm đau, sinh con mới ký thêm. Còn chế độ lương giáo viên được chi trả từ nguồn ngân sách khoảng 100 triệu đồng/ năm cấp cho nhà trường chi tiêu thường xuyên ngay từ đầu năm.

Bà Tiến cũng cho rằng: “Tới đây địa phương sẽ rà soát lại hợp đồng từng trường, nếu ký sai thì lãnh đạo trường phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, tôi cho rằng chuyện lợi dụng vị trí để ký hợp đồng quá chỉ tiêu là chuyện hãn hữu”, bà nói.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương Phạm Văn Tỏ cho rằng, thực tế, trong 3 năm qua, tỉnh Hải Dương đã tổ chức thi tuyển gần 10.000 giáo viên. Con số này đã đáp ứng nhu cầu giáo viên  giảng dạy trong các cơ sở trường học. Điều đó thể hiện sự quan tâm kịp thời của tỉnh đối với ngành.

Quan điểm của tỉnh là giáo viên đã bỏ công sức đi làm thì phải được trả lương dứt điểm. Tuy nhiên, đến năm 2018, Sở Nội Vụ, Sở GD&ĐT phối hợp các đơn vị rà soát lại hợp đồng và tổ chức sắp xếp, phân công lại giáo viên. Từ đó, điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, tổ chức dạy liên môn, liên cấp. Trường nào thiếu nữa, giáo viên sẽ điều động dạy tăng tiết và địa phương sẽ cấp thêm ngân sách để chi trả thêm tiền.

Cũng theo ông Tỏ, địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của T.Ư về tinh giản biên chế. Tuy nhiên, bản thân ông cũng thấy giữa chỉ đạo T.Ư và thực tế địa phương (học sinh tăng, quy mô trường lớp tăng mà không tăng giáo viên) là rất khó khăn khi thực hiện.

Trả lời câu hỏi, có hay không chuyện các hiệu trưởng lạm dụng quyền hạn để ký quá nhiều hợp đồng với giáo viên dẫn đến bị kho bạc “tuýt còi”, ông Tỏ cho rằng, trên thực tế Sở Nội Vụ có thanh tra liên ngành về tuyển dụng, sử dụng viên chức đã phát hiện 1 số trường hợp ký hợp đồng giáo viên sau, đơn vị đã yêu cầu dừng lại. Còn 1.191 giáo viên thuộc diện hợp đồng ngoài biên chế, các trường có ký sai hay không thì phải đợi các cấp rà soát mới rõ. 

MỚI - NÓNG