11 tên cướp biển khai gì với cơ quan điều tra?

11 tên cướp biển khai gì với cơ quan điều tra?
Sau khi bị biên đội tàu của Vùng Cảnh sát biển 3 (CSB) bắt giữ và dẫn giải về bàn giao cho cơ quan điều tra, 11 đối tượng cướp tàu MT-ZAFIRAH đang được cơ quan điều tra Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng thẩm vấn, củng cố, hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo pháp luật.

>11 hải tặc bị Cảnh sát biển Việt Nam bắt sống như thế nào?

>Cứu 9 thủy thủ bị cướp biển tấn công

Nhóm cướp biển đã nhận tội

Chiều 24-11, Đại tá Trần Công Hiểu, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) cho biết, sau khi xử lý các thủ tục ban đầu, BĐBP đã bàn giao 11 đối tượng cướp tàu MT-ZAFIRAH, mang quốc tịch In-đô-nê-xi-a cho cơ quan điều tra Công an tỉnh BR-VT để cùng phối hợp điều tra, làm rõ. Do phần lớn các đối tượng "hải tặc" không biết tiếng Anh nên cơ quan điều tra đã đề nghị Tổng lãnh sự In-đô-nê-xi-a tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ. Tổng lãnh sự In-đô-nê-xi-a đã nhiệt tình vào cuộc, cử chuyên gia xuống BR-VT.

Trong ngày 24-11, chuyên gia của Lãnh sự quán In-đô-nê-xi-a đã tiếp xúc với các ngư dân bị nạn, giúp cơ quan điều tra thẩm vấn, củng cố hồ sơ. Theo đề nghị của các cán bộ điều tra BĐBP và Công an Việt Nam, chuyên gia Lãnh sự quán In-đô-nê-xi-a đã tích cực hỗ trợ công tác phiên dịch trong quá trình thẩm vấn, lấy lời khai của các đối tượng "hải tặc".

Bước đầu, cơ quan điều tra đã tách 11 đối tượng, yêu cầu mỗi đối tượng viết một bản khai riêng bằng tiếng In-đô-nê-xi-a, sau đó chuyên gia In-đô-nê-xi-a sẽ dịch ra tiếng Anh và tiếng Việt. “Với sự vào cuộc nhiệt tình của Tổng lãnh sự nước bạn, cơ quan chức năng đã từng bước tháo gỡ những khó khăn về ngôn ngữ trong quá trình thẩm vấn” – Đại tá Trần Công Hiểu khẳng định.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra của BĐBP và Công an tỉnh BR-VT, bước đầu các đối tượng "hải tặc" đã thừa nhận hành vi cướp tàu có tổ chức, đẩy 9 thuyền viên tàu MT-ZAFIRAH xuống biển, tổ chức ngụy trang, thay đổi màu sắc, số hiệu tàu hòng qua mặt lực lượng chức năng. Cơ quan điều tra xác định, đây là một vụ cướp biển có tổ chức, được các đối tượng lên kế hoạch chuẩn bị từ trước với hành vi phạm tội hết sức manh động, nguy hiểm. Nếu 9 nạn nhân trên tàu MT-ZAFIRAH không được tàu cá của ngư dân và cơ quan chức năng Việt Nam cứu hộ, cứu nạn kịp thời thì hậu quả do bọn cướp gây ra sẽ vô cùng nghiêm trọng. Mặc dù các đối tượng đã phi tang vũ khí dùng để trấn cướp, nhưng cho đến lúc này các chứng cứ buộc tội đã rõ ràng.

Trong một diễn biến khác, với sự chăm sóc chu đáo của BĐBP, hiện 9 nạn nhân tàu MT-ZAFIRAH đã hoàn toàn bình phục sức khỏe và tinh thần. Các thuyền viên quốc tịch In-đô-nê-xi-a đã được Tổng lãnh sự In-đô-nê-xi-a tại TP Hồ Chí Minh thăm hỏi, động viên. Riêng các thuyền viên quốc tịch Mi-an-ma, cơ quan chức năng Việt Nam đã liên hệ với Lãnh sự quán Mi-an-ma nhưng chưa nhận được hồi âm.

11 tên cướp biển khai gì với cơ quan điều tra? ảnh 1

Đề nghị khen thưởng

Cũng trong ngày 24-11, Đảng ủy, Chỉ huy Vùng CSB 3 đã họp, đánh giá công tác chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức trấn áp cướp biển tàu MT-ZAFIRAH. Đại tá Đỗ Hồng Đó, Chính ủy Vùng CSB 3 cho biết: "Đây là lần đầu tiên Vùng CSB 3 thực hiện vây ráp, tấn công, bắt giữ vụ cướp biển mang tính quốc tế có tổ chức, tính chất phức tạp, các đối tượng hải tặc manh động, thủ đoạn tinh vi. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, với sự hỗ trợ của trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, chúng ta đã nhanh chóng phát hiện mục tiêu, tổ chức vây ráp, tấn công, bắt giữ nhóm hải tặc. Chiến công này xuất phát từ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Cục CSB, sự vào cuộc kịp thời, rốt ráo của các cơ quan chức năng Cục CSB và tinh thần chủ động, hành động mưu trí, dũng cảm, kiên quyết tấn công tội phạm của cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 3".

Trung tá Vũ Trọng Tân, Trưởng ban Tuyên huấn Vùng CSB 3, đi cùng biên đội tàu trấn áp nhóm cướp biển cho biết thêm: "Khi bị tàu của CSB bao vây, các đối tượng đang chiếm giữ tàu MT-ZAFIRAH đã kháng cự quyết liệt, không chịu thả neo. Mặc dù CSB đã bắn cảnh cáo nhưng các đối tượng vẫn ngoan cố cho tàu tháo chạy, buộc các chiến sĩ CSB phải bắn vào ca-bin tàu uy hiếp. Việc quyết định bắn vào ca-bin tàu thể hiện tính quyết đoán nhưng cũng hết sức khó khăn đối với cán bộ, chiến sĩ CSB, bởi yêu cầu đề ra là bắn uy hiếp để bắt sống các đối tượng, tránh xảy ra thương vong". Những phát đạn chính xác vào tấm kính chắn gió cách vị trí người cầm lái trong gang tấc đã khiến toàn bộ nhóm cướp biển chùn tay, chấp nhận đầu hàng. Cuộc bao vây, trấn áp của biên đội tàu CSB diễn ra nhanh gọn, chính xác, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đây là kết quả của quá trình huấn luyện nghiệp vụ thường xuyên, liên tục của cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 3, khẳng định trình độ, kỹ năng nghiệp vụ chuyên nghiệp, điêu luyện của những cán bộ, chiến sĩ phá án.

Với thành tích xuất sắc đó, Đảng ủy, Chỉ huy Vùng CSB 3 đã đề nghị Cục CSB và Bộ Quốc phòng có hình thức khen thưởng xứng đáng cho 4 tập thể: Vùng CSB 3 và các đơn vị trực thuộc: Ban Tác chiến, Tàu CSB 4031, Tàu CSB 4034 và các cá nhân: Thượng tá Nguyễn Nghiêm Long - Phó chính ủy; Thượng tá Ngô Đức Thắng - Phó tham mưu trưởng; Đại úy Nguyễn Tuấn Hải - Thuyền trưởng Tàu CSB 4034; Thượng úy Lê Hải Trường - Thuyền trưởng Tàu CSB 4031. Tập thể và các cá nhân trong biên đội tàu 4 chiếc tham gia bắt cướp biển được Đảng ủy, Chỉ huy Vùng CSB 3 khen thưởng. Cục CSB cũng vừa đề nghị Bộ Quốc phòng kiến nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho Cục CSB.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.