1001 thắc mắc: Vì sao chim cánh cụt ‘thích’ đẻ trứng vào mùa đông

Chim cánh cụt sống chủ yếu tại khu vực Nam bán cầu.
Chim cánh cụt sống chủ yếu tại khu vực Nam bán cầu.
TPO - Là sinh vật hiếm hoi sinh sống ở Nam Cực, chim cánh cụt khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao chúng ‘thích’ đẻ trứng vào mùa đông và làm cách nào để trứng không bị đóng băng?

 Chim cánh cụt hoàng đế là loài chim cánh cụt duy nhất chấp nhận chiến lược rủi ro trong sinh sản khi đẻ trứng vào mùa đông. Những con cái sẽ đi kiếm ăn trong khi chim đực sẽ ở lại và ấp trứng khi nhiệt độ ngày càng lạnh hơn. 
 
Lý do cho việc sinh sản vào mùa đông có liên quan rất lớn tới nguồn thức ăn. Khi vài ngàn con chim cánh cụt non mới nở, chúng đòi hỏi cả tấn cá, mực và nhuyễn thể làm thức ăn.
 
Nguồn thức ăn này chỉ có sẵn vào mùa xuân khi những vùng băng giá tan đi nhiều. Việc ấp trứng mất khoảng 4 tháng, điều đó đồng nghĩa với việc chúng cần đẻ vào mùa đông để trứng kịp nở vào mùa xuân.
 
Để có thể ấp trứng vào mùa đông, chim cánh cụt về cơ bản đã có những tiến hóa nhất định. Chúng được bao phủ bởi lớp lông dày vài cm, cách giữ nhiệt cho chúng và trứng hay con non.
 
Cũng như nhiều loài chim cánh cụt khác, chim cánh cụt hoàng đế có một vạt da trần trên bụng được gọi là "túi ấp trứng". Chúng khéo léo để trứng lên chân, áp nó vào vùng da trần và phủ bởi lớp lông dày giúp trứng cách ly với thế giới băng giá bên ngoài.
 
Trong vài tuần sau khi nở, chim cánh cụt con dành toàn bộ thời gian trong "túi sưởi" của bố mẹ. Tất nhiên, quá trình ấp trứng cũng phụ thuộc nhiều vào việc chim bố mẹ có thể duy trì được điều kiện lý tưởng hay không.
 
Chúng được các nhà khoa học đánh giá cao sự kiên cường khi chịu tư thế ấp trứng trong nhiều tháng vì con của mình. Chúng cũng khéo léo tập trung thành bầy đàn để đảm bảo nguồn nhiệt tập thể hiệu quả nhất.

Tại sao chim cánh cụt Nam Cực sợ bóng tối?

Hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng chim cánh cụt có tầm nhìn trong bóng tối thấp nên chúng không bơi lội trong nước khi màn đêm buông xuống. Tuy nhiên, 2 nhà sinh thái học biển Ainley và Ballard cho rằng thực ra nguyên nhân không phải như trên. Họ giải thích rằng do chúng lo sợ bị tấn công bởi báo biển và cá voi ăn thịt. Thậm chí khi di cư từ các biển phía Nam, chúng cũng tránh để không giáp mặt các loài săn mồi này.

Để chỉ ra khả năng loài này nhìn được trong đêm tối, họ đã thí nghiệm 65 con chim cánh cụt Adelie trưởng thành với thiết bị đo thời gian - độ sâu. Kết quả cho thấy, chúng thường bị tấn công ở độ sâu từ 50-100m dưới mực nước biển - phần nước hoàn toàn tối. Loài chim này có thể lặn được sâu tới 500m.

Các nhà nghiên cứu cho rằng vì báo biển thường hoạt động vào thời điểm này. Chim cánh cụt chỉ ở lại trong nước sau khi kiếm đủ thức ăn. Sau đó chúng phải đi về chỗ ở với quãng đường dài tới 5 km.

Nguyên nhân còn do ảnh hưởng bởi thói quen di cư của loài chim. Chim cánh cụt hoàng đế dời đàn vào cuối mùa hè ở Nam cực. Nhưng thay vì tìm đến các vùng nước gần và trù phú thì chúng lại bơi về phía bắc đến các vùng nước nghèo nàn. Trong suốt cuộc hành trình đó, có tới 20-30% thành viên trở thành con mồi cho báo biển và cá voi ăn thịt.

Vì sao chim cánh cụt đi lạch bạch?

Bảo tồn năng lượng là yếu tố quan trọng sống còn với những loài động vật ở xứ sở băng giá. Chẳng hạn, kiểu đi lắc lư lạch bạch ngộ nghĩnh của loài chim cánh cụt chính là một cách thức thông minh để chúng đạt được điều ấy.

TS Rodger Kram (Trường đại học California, Berkeley, Mỹ) đã thực hiện thí nghiệm trên loài cánh cụt hoàng đế tại công viên thế giới biển San Diego. Năm con chim cánh cụt đã được cho đi bộ qua một cái sân đặc biệt để đo lực mà chúng sử dụng khi lắc lư.

Theo đó, với chim cánh cụt, đi bộ là “sự hoang phí năng lượng” bởi vì chúng có đôi chân quá ngắn và phải sản sinh lực thật nhanh bằng cơ bắp để chuyển đến đôi chân này. Tuy nhiên, chim cánh cụt đã tìm ra một cách cân bằng tối ưu là đi lệch người về hai bên. Chuyển động lạch bạch của loài chim cánh cụt tương tự như chuyển động của một con lắc.

Khi nghiêng người sang mỗi bên, trọng tâm cơ thể của chúng được nâng lên. Bởi nếu không có vận động này, các cơ bắp sẽ phải thực hiện việc đó. Cách di chuyển này giúp chim cánh cụt tiết kiệm được tối đa năng lượng.

Chim cánh cụt là một bộ chim không cánh sinh sống chủ yếu tại khu vực Nam bán cầu. Châu Nam Cực chỉ toàn băng tuyết, với nhiệt độ trung bình hàng năm thấp nhất trong các châu lục trên Trái Đất, nhưng chim cánh cụt vẫn sống và có tới hàng chục loài khác nhau. Chúng có lông rậm, mỡ dày để chịu rét. Khối lượng thay đổi tùy loài, có thể lên đến vài chục kg. Chúng thường sống thành bầy, đông tới hàng nghìn con.

Loài lớn nhất là chim cánh cụt hoàng đế,  chim trưởng thành trung bình cao khoảng 1,1 m và cân nặng khoảng 35 kg. Loài chim cánh cụt nhỏ nhất là chim cánh cụt nhỏ (còn gọi là chim cánh cụt tiên), chúng chỉ cao khoảng 40 cm và cân nặng 1 kg. 

Chim cánh cụt có thể bơi lặn trong nước với vận tốc từ 6 tới 12 km/h, khi bị tấn công chúng có thể bơi tới 27 km/h. Các loài chim cánh cụt nhỏ không lặn sâu và chỉ săn tìm mồi gần mặt nước và chỉ lặn khoảng 1-2 phút. Các loài chim cánh cụt lớn có thể lặn sâu khi cần thiết. Kỷ lục lặn sâu của chim cánh cụt hoàng đế lớn đã được ghi nhận là tới độ sâu 565 m và kéo dài tới 20 phút.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.