Chuỗi hoạt động này nằm trong dự án Giờ Xanh của Trung tâm Giáo dục Kỹ năng và Truyền thông Cộng đồng (SECC), thuộc Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam. Màn đồng diễn của 1.000 tình nguyện viên và các trẻ em thiểu năng được kỳ vọng sẽ tạo nên một hiệu ứng tích cực, làn sóng lan tỏa mạnh mẽ về tình yêu thương và kết nối con người với nhau thông qua âm nhạc.
Đại diện ban tổ chức cho biết, các bài hát được chọn trong tiết mục đồng diễn gồm “Chênh vênh”, “Em ước mong sao” và “Nhiều người ôm giấc mơ”. Tất cả sẽ kết nối thành một câu chuyện được kể khéo léo bởi ca sĩ Lê Cát Trọng Lý cùng 1.000 bạn trẻ. Đó là số phận thương tâm của những người phụ nữ nhỏ bé, ước mơ nhỏ nhoi của trẻ thơ thiệt thòi, sự sẻ chia của cộng đồng trước những nỗi đau... Các ca khúc được thể hiện bằng phong cách mộc với đàn guitar mà không dùng các thiết bị điện nhằm kêu gọi mọi người tiết kiệm điện bảo vệ môi trường.
Tại sân chơi này cũng diễn ra nhiều hoạt động như gian hàng xanh đổi túi tự hủy sinh học lấy rác tái chế, bán áo hỗ trợ trẻ khuyết tật, trưng bày các sản phẩm tự làm của trẻ thiểu năng, sản phẩm handmade của sinh viên, chung kết cuộc thi Hát vì Giờ Trái Đất 2015, bán kết cuộc thi sáng tạo Game Eco…
Bà Đinh Thị Vũ Trinh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Kỹ năng và Truyền thông Cộng đồng (SECC), người dàn dựng chương trình đồng diễn, cho rằng âm nhạc là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để kết nối mọi người, không phân biệt ngôn ngữ, giai tầng xã hội. Âm nhạc là công tụ hữu hiệu giúp hàn gắn nỗi đau và kết nối hàng triệu tâm hồn với nhau.
“Chúng tôi mong muốn kết nối những người khuyết tật, kém may mắn lại gần hơn, không phải bằng cách chăm sóc họ kỹ hơn mà là cho họ cơ hội để hội nhập tốt hơn. Họ có thể góp sức của chính mình vào việc tuyên truyền bảo vệ môi trường và cùng làm những điều cao đẹp như bao người khác”, bà Trinh nói.