Sách dày 460 trang, có 99 trang phụ bản là bìa các tờ báo từ đầu thế kỷ 20 tới nay. Đây là công trình hoàn chỉnh nhất về lịch sử báo chí ở Huế đến nay với sự hiện diện của 230 tờ báo qua các thời kỳ, trong đó có những tờ rất quan trọng, chưa thấy ở các cuốn lịch sử báo chí Việt Nam, như Những người bạn cố đô Huế, Sông Hương, Nhành lúa, Kinh tế Tân văn, Ngày Mai, Đại học Huế...
“Tất cả kết lại, trở thành tấm gương soi, phản chiếu lấp lánh đời sống đa dạng của một vùng đất... đôi lúc còn rọi chiếu đến từng góc khuất lịch sử, từng số phận đa đoan của những kiếp người, của nhiều thế hệ” (lời tác giả). PGS.TS Bửu Nam gọi đây là tập đại thành về lịch sử báo chí Huế, công trình tương xứng với một luận văn Tiến sĩ.
Lịch sử báo chí Huế được tác giả nghiên cứu trong bối cảnh báo chí cả nước. Phong phú nhất, “nóng” nhất, tâm huyết nhất là giai đoạn 1954 - 1975, thời kỳ máu, lửa, tranh đấu - mà tác giả là người trong cuộc. Về giai đoạn sau đó tác giả nhận định: “Huế vẫn chưa phải là một Trung tâm báo chí phát triển mạnh như vị thế của các thời kỳ trước đây”. Tác giả từng giữ các trọng trách Giám đốc Sở VHTT, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên - Huế.