> 14 quy tắc công sở mà nhân viên trẻ phải biết
> Thạc sĩ châu Âu đi làm nhân viên quèn
Ảnh minh họa.. |
Trước khi bạn thông báo nghỉ việc
1. Nhận thông báo tiếp nhận từ công ty mới bằng văn bản
Đây là một việc đương nhiên, nhưng trên thực tế vẫn có một số người quá nóng vội khi nộp đơn xin thôi việc từ trước khi được công ty mới chính thức tiếp nhận. Cho dù có những công ty không có văn bản cụ thể về việc tiếp nhận nhân viên mới, việc “giấy trắng mực đen” giúp bạn biết chính xác có thể kỳ vọng những gì ở công việc mới.
2. Hoàn tất các “bài kiểm tra” ở công ty mới
Một số công ty yêu cầu kiểm tra sức khỏe hoặc có các dạng kiểm tra khác trước khi chính thức tiếp nhận nhân viên mới. Lý tưởng nhất là bạn nên vượt qua chắc chắn các thủ tục kiểm tra này trước khi thông báo nghỉ việc với công ty hiện tại.
3. Suy nghĩ kỹ để chắc chắn là mình đã đưa ra lựa chọn đúng
Hãy tự hỏi bản thân bạn: “Liệu công việc ở công ty kia có xứng đáng để bạn bỏ công việc hiện tại không?” Hãy đưa ra một danh sách những ưu, nhược điểm của cả công việc hiện tại và công việc mà bạn đang được đề nghị. Xác định xem liệu bạn có vấp phải những thách thức mà bạn chưa sẵn sàng để xử lý.
Chẳng hạn, nếu vào làm ở công ty mới, bạn sẽ phải đi lại nhiều hơn và điều đó có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn theo những cách mà bạn chưa từng nghĩ tới. Nếu công việc mới đòi hỏi đi lại nhiều, bạn có thể sẽ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng giữa những rủi ro và lợi ích từ công việc mới. Không có công việc nào là hoàn hảo cả, và việc cân nhắc kỹ sẽ giúp bạn tránh được cảnh “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.
4. Chuẩn bị đối mặt với những phản ứng tiêu cực khi bạn thông báo nghỉ
Đừng nghĩ mọi người sẽ mừng cho bạn khi bạn thông báo nghỉ việc. Nếu bạn là một nhân viên giỏi, sự ra đi của bạn có thể sẽ khiến người khác phải làm việc nhiều hơn. Hãy cố gắng giữ một thái độ tích cực cho dù đồng nghiệp tỏ ra không vui khi bạn nói sắp nghỉ việc.
5. Hiểu được văn hóa của công ty hiện tại về vấn đề “thông báo”
Trong một số công ty và lĩnh vực, ngay sau khi bạn thông báo xin nghỉ việc, bạn sẽ phải rời ngay khỏi công ty và chỉ được nhận các vật dụng cá nhân được trả lại qua đường bưu điện. Nếu bạn đang làm việc trong một công ty như vậy, hãy có sự chuẩn bị trước. Rất có thể bạn nên chuyển những vật dụng cá nhân quan trọng đi từ trước khi nộp đơn xin nghỉ.
Sau khi nộp đơn xin thôi việc
6. Không phá vỡ các mối quan hệ
Nhất là khi bạn xin thôi việc trong một tình huống xấu, bạn chỉ muốn ra đi mà không bao giờ quay đầu nhìn lại. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, trong môi trường làm việc liên tục phát triển như hiện nay, rất có thể đến một lúc nào đó, bạn sẽ lại làm việc cùng với một đồng nghiệp nào đó ở công ty cũ. Bởi vậy, hãy hành động với suy nghĩ bạn sẽ gặp lại họ trong tương lai. Như thế, bạn sẽ không bao giờ lo phải hối tiếc về sau.
7. Xem xét vấn đề bảo hiểm y tế, lương hưu
Bạn cần hoàn thành các thủ tục cắt chuyển bảo hiểm của mình từ công ty cũ sang công ty mới để các chế độ này không bị gián đoạn, gây thiệt thòi cho bạn.
8. Nói về việc bạn chuyển đi với những cá nhân có liên quan
Đừng quên là việc bạn chuyển việc có thể ảnh hưởng tới nhiều người khác. Khi có thể, bạn nên trao đổi trực tiếp với từng người có thể bị ảnh hưởng về việc bạn không còn làm ở công ty hiện tại. Chỉ cần một bức email gửi cho tất cả những người này là có thể xong việc, nhưng một cuộc nói chuyện riêng tư, có thể qua điện thoại, email, chat, hoặc trực tiếp sẽ được đánh giá cao hơn. Cách này sẽ giúp bạn tránh được những cảm giác tiêu cực của người khác và sẽ giúp bạn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với họ sau khi đã đi.
9. Tạo ra các cơ chế để giữ liên lạc với các mối quan hệ công việc cũ
Truyền thông xã hội giúp bạn dễ dàng kết nối với các đồng nghiệp cũ. Có thể đến nay bạn vẫn thờ ơ với tài khoản trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn, thì giờ chính là lúc để bạn thúc đẩy kết nối trên mạng này để tránh bị quên lãng và “mất dấu” đồng nghiệp cũ. Hãy đảm bảo là tài khoản của bạn trên LinkedIn và các mạng khác sử dụng địa chỉ email cá nhân của bạn thay vì thông tin liên lạc chỉ dùng trong công việc.
10. Rút ra bài học từ quá khứ và tiến lên phía trước
Đây là một lời khuyên quan trọng cho dù bạn có hay không có trải nghiệm xấu với công việc hiện tại. Một vị trí mới là cơ hội để bạn làm mọi việc theo cách khác. Đó là một sự khởi đầu mới và cơ hội để bạn áp dụng những bài học đã có từ công việc trước để có những bước đi hợp lý hơn trong sự nghiệp.
Theo Phương Anh
Dân trí