10 trò lừa đảo cần cảnh giác khi du lịch Nga mùa World Cup

Hãy thật tỉnh táo khi có ai đó chia cho bạn một số tiền "từ trên trời rơi xuống". Ảnh: Scam-detector.
Hãy thật tỉnh táo khi có ai đó chia cho bạn một số tiền "từ trên trời rơi xuống". Ảnh: Scam-detector.
Bị ăn cắp thông tin thẻ tín dụng, vô tình nhặt được tiền... là những trò lừa đảo phổ biến mà du khách dễ gặp phải khi tới Nga.

Mùa hè đầy sôi động ở Nga dịp World Cup này có thể trở thành cơn ác mộng nếu bạn không đề phòng những trò lừa đảo sau đây.

Thông tin thẻ tín dụng bị đánh cắp

Ở một số cây ATM, những hacker thường cài thiết bị gián điệp trong khe đút thẻ và camera ở sau lưng người rút tiền nhằm thu thập số thẻ và mã PIN. Vì vậy hãy kiểm tra kỹ để chắc chắn rằng không có thiết bị lạ hay camera đáng ngờ ở trong cây ATM. Nếu không, hãy đến các ATM gần các ngân hàng lớn để rút tiền.

Tránh đăng nhập vào tài khoản ngân hàng hoặc truy cập thông tin cá nhân trong các quán cà phê internet ở địa phương. Những tay lừa đảo có thể thông đồng với một số chủ quán để đặt camera lén quan sát mật khẩu, hoặc cài các phần mềm gián điệp trên máy tính công cộng. Ngoài ra, cũng nên hạn chế sử dụng wifi công cộng. 

Bỗng dưng nhặt được tiền

Trong một ngày lang thang ở Quảng trường Đỏ, bạn thấy ai đó "đột nhiên" đánh rơi một đống tiền. Tay du khách đứng cạnh bạn vội nhặt lên và đề nghị chia cho bạn một nửa số tiền. Đừng dại dột nhận lời vì nếu không chỉ vài phút sau, người đánh rơi tiền cùng vài gã "hổ báo" sẽ đến tìm bạn để đòi lại toàn bộ số tiền.

Một trò lừa đảo phổ biến khác mà các băng nhóm trộm cắp thường sử dụng là gây sự chú ý của nạn nhân bằng các trò làm quen, rơi đồ, nhờ giúp đỡ, trẻ ăn xin... Vì vậy, du khách không nên mang theo nhiều đồ đắt tiền hoặc nên đi thành nhóm đông người.

Những chiêu trò trên mạng

Hãy cẩn trọng trước những lời mời chào hấp dẫn tham gia một số cuộc thi online để thắng "cặp vé xem World Cup". Một số trang web hoặc cuộc thi online được xây dựng chuyên nghiệp với đầy đủ logo các nhà tài trợ lớn có thể là giả mạo. Chúng sẽ đòi bạn nhập các thông tin cá nhân, gồm cả thẻ ngân hàng vì "lý do bảo mật". Hãy kiểm tra cẩn thận các cuộc thi (nếu có) từ trang web chính thức của các hãng, đơn vị tổ chức trước khi tham gia.

Bên cạnh đó, trước nhu cầu xin visa Nga tăng cao dịp World Cup, một số trang web giả mạo lãnh sự quán Nga được lập ra để nhận đăng ký xin visa online. Theo đó, các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và phí xin visa của du khách sẽ bị các hacker đánh cắp.

Chơi bóng với người địa phương

Bạn đang đi xem World Cup? Vậy chắc chắn bạn sẽ khó lòng từ chối một lời mời chơi bóng đường phố với vài chàng trai trẻ. Nhưng hãy cẩn thận giữ chặt đồ đạc có giá trị trên người vì chỉ một vài giây sơ suất, chúng sẽ không cánh mà bay.

Chơi bầu cua tôm cá

Trò chơi phổ biến này là một trong những nơi du khách mất tiền nhiều nhất. Những tay lừa đảo sẽ bày ra 3 chiếc nắp rỗng (hoặc cốc) với một quả bóng tròn hoặc hạt đậu. Chúng sẽ đảo 3 chiếc nắp và đề nghị người chơi đặt tiền vào nắp có chứa hạt đậu. Một vài tên cò mồi sẽ đóng giả là khách du lịch đặt cược và chiến thắng khiến những du khách thật hứng thú tham gia. Sau vài lần thắng cược đầu tiên, họ sẽ dần thấy số tiền của mình bốc hơi và cuối cùng là cạn túi.

Cảnh giác khi đổi tiền

Hãy cẩn trọng khi bạn được một số người lạ tốt bụng dẫn đi đổi tiền tại những cửa hàng nhỏ lẻ. Ở đây, tiền không chỉ bị đổi với tỷ giá sai lệch mà còn bị trả thiếu khi các máy tính có thể bị hack. 

10 trò lừa đảo cần cảnh giác khi du lịch Nga mùa World Cup ảnh 1 Hãy đến các trung tâm đổi tiền chính thức hoặc rút tiền từ cây ATM. Ảnh: Scam-detector.

Đánh tráo hành lý

Ở những nơi có dịch vụ cho thuê tủ đồ để giữ hành lý, đừng tin nếu một ai đó bỗng dưng đề nghị giúp bạn mở khóa với tư cách là nhân viên. Chúng sẽ giúp bạn để đồ vào trong tủ, khóa lại và đưa bạn chìa khóa. Nhưng những tên lừa đảo có thể tráo chiếc chìa trong giây lát và đánh cắp hành lý ngay khi bạn rời đi. 

Xe đưa đón sân bay

Hãy tưởng tượng bạn vừa đáp xuống sân bay vào đêm khuya với tâm trạng đầy háo hức chuẩn bị đi xem World Cup. Bạn xách hành lý ra cửa và thấy một tài xế cầm một tấm bảng có tên mình. Mặc dù không hề đặt xe trước, bạn có thể nhanh chóng bị họ thuyết phục rằng đây là xe được khách sạn đặt, vì nếu không, làm sao họ biết tên bạn? Nhưng khi đã lên xe, hắn sẽ đi lòng vòng và đòi bạn trả 100 USD (hoặc Euro hay Rúp) nếu muốn được đưa đến khách sạn.

Vậy tại sao hắn lại biết tên bạn? Những tay lừa đảo kiểu này thường có một tay trong làm việc trong sân bay. Chúng sẽ ghi nhớ thông tin của bạn và gọi điện cho những tay tài xế này chờ ở cổng.

Dàn dựng các vụ bắt giữ

Hãy cẩn thận với các vụ dàn dựng như sau: Bạn đang đi trên đường thì bị một viên cảnh sát giữ lại với cáo buộc bạn lưu hành tiền giả. Và khi kiểm tra ví, đúng là có một số tờ tiền giả trong đó. Nếu vậy, chắc chắn bạn vừa mua đồ và nhận tiền thừa ở một quầy hàng rong nào đó. Tay cảnh sát nọ đã thông đồng với những kẻ buôn để biết ai đang giữ tiền giả. Hãy kiểm tra thật kỹ những đồng tiền nhận từ người lạ.

Cảnh giác khi đổ xăng

Nếu quyết định thuê một chiếc xe để tiện đi lại trong dịp World Cup, bạn hãy cẩn thận khi đến các trạm xăng tư nhân. Một nhóm lừa đảo có thể đề nghị giúp lau kính xe rồi thu hút sự chú ý của bạn trong lúc một tên khác điều chỉnh số tiền xăng. Trong trường hợp này hãy từ chối, ra khỏi xe và quan sát cẩn trọng.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
TPO - Sự tham gia của 60 nam vương quốc tế cùng loạt hoa hậu, á hậu Việt tại giải chạy quốc tế góp phần kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa, ẩm thực thành phố Vũng Tàu đến bạn bè quốc tế.