Đảm bảo cấp điện cho nền kinh tế
Giai đoạn 2010 - 2020 điện thương phẩm tăng trưởng với tốc độ cao, từ 85,4 tỷ kWh năm 2010 lên khoảng 225,4 tỷ kWh năm 2020; tốc độ tăng trưởng bình quân 9,66%/năm, gấp khoảng 1,6 lần so với tăng trưởng GDP. Tập đoàn đã cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội với sứ mệnh “đi trước một bước” theo Nghị quyết của Đảng.
Hoàn thành xuất sắc vai trò chủ đạo trong đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện; đảm bảo điện đi trước một bước trong công cuộc CNH - HĐH đất nước
Về lưới điện: Đến hết năm 2020, hệ thống lưới điện quốc gia đã vươn tới mọi miền của đất nước với trên 8.500 km đường dây 500kV, gần 20.000 km đường dây 220kV, hơn 23.000 km đường dây 110kV và 33 TBA 500kV, 137 TBA 220kV, 886 TBA 110kV. Về nguồn điện: Giai đoạn 2010 - 2019, EVN đã đưa vào vận hành 21 dự án với tổng công suất 17.120MW.
Tỷ lệ tổn thất điện năng của hệ thống điện Việt Nam đã tiệm cận mức các quốc gia tiên tiến của thế giới.
Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN đã giảm từ 10,25% (năm 2010) xuống 6,5% vào năm 2020. Tính cả giai đoạn 2010 - 2020, tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN giảm được 3,75%, bình quân mỗi năm giảm 0,34% và đã tiệm cận với mức tổn thất điện năng của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
EVN là một trong những tập đoàn đi đầu về chuyển đổi số
EVN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo
Đến cuối năm 2020 đã đưa điện tới 100% số xã và 99,54% số hộ dân có điện. EVN đã bán điện trực tiếp tới 10.285 xã phường, tăng tỷ lệ số hộ dân nông thôn được mua điện trực tiếp của ngành Điện từ 89,9% năm 2012 lên 93,7% năm 2020.
EVN đã hoàn thành xuất sắc các dự án cấp điện cho đồng bào dân tộc tại các tỉnh: Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn; đưa lưới điện quốc gia vượt trùng khơi vươn tới các huyện đảo tiền tiêu tổ quốc với việc hoàn thành tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo, 82/85 xã đảo.
Là doanh nghiệp tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật điện, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh
Hiện nay, cơ khí Điện lực Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất các sản phẩm đòi hỏi trình độ công nghệ và độ chính xác cao như: các máy biến áp 220kV công suất đến 250MVA, máy biến áp 3 pha 500kV - 467MVA, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500 kV; tự chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công, kết cấu thép cho nhiều công trình thuỷ điện, nhiệt điện lớn, có tầm quan trọng quốc gia.
Đến cuối năm 2020 EVN đã đưa vào vận hành 63 Trung tâm Điều khiển và thực hiện điều khiển xa không cần người trực 707 trạm biến áp 220 - 110kV (chiếm gần 83% tổng số trạm biến áp có kế hoạch chuyển đổi). Lưới điện truyền tải và phân phối được đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại. Đặc biệt, giải pháp vệ sinh cách điện hotline (trên lưới điện đang mang điện) đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2011.
Sáng tạo và đổi mới liên tục trong công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng ngày càng hiện đại và thân thiện
Đến cuối năm 2019, EVN hoàn thành đưa 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối cổng Dịch vụ công quốc gia và cũng là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên hoàn thành việc tích hợp, cung cấp tất cả các dịch vụ điện năng ở mức độ 4 cung cấp trên Cổng.
Theo kết quả đánh giá của Nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (nằm trong nhóm ASEAN-4), đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia/ nền kinh tế (tăng 129 bậc trong 6 năm).
Thực hiện tốt quá trình đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.
Đẩy mạnh công tác cổ phần hoá, EVN đã hoàn thành cổ phần hoá và chuyển thành công ty cổ phần được 32 đơn vị (bao gồm: 8 công ty phát điện, 1 công ty phân phối điện và 23 công ty, đơn vị thuộc khối phụ trợ). Qua đó, có tác động tích cực tới công tác quản trị, điều hành và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng. Tập đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh các năm qua cơ bản đều có lãi.
Năng suất lao động của toàn Tập đoàn duy trì tăng hàng năm
Trong giai đoạn 2011-2015, năng suất lao động của EVN tăng bình quân 6,8%/năm. Giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động từ 8-10%/ năm. Kết quả đạt được trong những năm gần đây năng suất lao động của EVN tăng trưởng bình quân gần 10%/ năm, đạt 2,5 triệu kWh/người vào năm 2020.
Công tác quản lý và bảo vệ môi trường trong Tập đoàn luôn được chú trọng và thực hiện tốt
100% các công trình, dự án nhà máy điện đang hoạt động đều lắp đặt đầy đủ các hệ thống xử lý môi trường nước thải và khí thải; đầu tư các hệ thống quan trắc tự động, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tại địa phương để theo dõi, cũng như công khai các số liệu trên các bảng điện tử tại cổng nhà máy hoặc UBND xã. 100% các tổ máy nhiệt điện đều lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện với hiệu suất cao trên 99,7% và đặc biệt đưa hệ thống vào vận hành ngay khi khởi động.
EVN luôn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua nhiều hoạt động an sinh xã hội được thực hiện từng năm.
Giai đoạn 2010 - 2019, toàn Tập đoàn đã thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, bao gồm: Hỗ trợ 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu (Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên) theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; xây dựng hàng nghìn nhà tình nghĩa, nhiều trường học trên cả nước; tài trợ xây dựng công trình Nhà văn hóa đa năng ở đảo Đá Lớn C thuộc quần đảo Trường Sa; Phụng dưỡng trên 100 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng; Giảm giá điện, giảm tiền điện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19...