10 Phó đoàn SEA Games 29, cần đến vậy sao?

VĐV, HLV là những người vất vả nhất tại các kỳ SEA Games để đem vinh quang về cho đất nước.
VĐV, HLV là những người vất vả nhất tại các kỳ SEA Games để đem vinh quang về cho đất nước.
TPO - Lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VH-TT&DL) liệu có cần đánh giá lại năng lực cán bộ dưới quyền, sau khi giữ nguyên danh sách đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 29 với 10 Phó Trưởng đoàn?

Ngày 5/7, Bộ VH-TT&DL đã thông báo quyết định giữ nguyên danh sách đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự SEA Games 29, trong số này gồm 1 Trưởng đoàn, 10 Phó trưởng đoàn, 32 lãnh đội, 22 bác sĩ, 18 cán bộ đoàn, 28 chuyên gia và 106 HLV; 476 VĐV (212 nữ, 264 nam).

Nhìn vào số lượng 10 Phó trưởng đoàn, dư luận không khỏi băn khoăn.

Giải thích cho số lượng Phó trưởng đoàn lên tới 10 người, vẫn được giữ nguyên, người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL cho rằng, đây là “vấn đề công việc và trách nhiệm”.

Theo đó, so với SEA Games 28 (7 Phó đoàn), số lượng Phó đoàn lần này tăng vì số lượng VĐV tăng thêm (84 người). Lý do bởi số lượng các môn tập thể Việt Nam tham dự SEA Games 29 tăng, như bóng đá nữ, bóng đá futsal nam và nữ, 2 đội tuyển bóng rổ nam, nữ. Ngoài ra, đoàn còn 4 môn đi theo kinh phí xã hội hoá, gồm Bowling, Hockey, Cricket, bơi nghệ thuật.

Cũng do khó khăn về địa điểm thi đấu ở SEA Games 29 (không tập trung) nên đoàn có 10 Phó trưởng đoàn nhằm hỗ trợ Trưởng đoàn quản lý, điều hành công tác tập luyện, thi đấu, hậu cần và các công việc khác.

Trong khi đó, phía Tổng cục TDTT nói rằng công tác tại SEA Games "rất vất vả".

Cấp dưới giải thích nghe hợp lý, nhưng có lẽ chưa đủ.

Tại các kỳ SEA Games, ngoài vị trí Trưởng đoàn phải bao quát các công việc, giữ nhiệm vụ chỉ đạo chung, theo sát VĐV nhất là các HLV, chuyên gia, lãnh đội. Họ là những người nắm rõ kế hoạch tập luyện, thi đấu, lịch trình thi đấu của VĐV. Lo từ bữa ăn tới thức uống, sức khoẻ, trạng thái tâm lý học trò của mình. Cũng chính họ là những người trực tiếp đứng ra đấu tranh, mỗi lúc VĐV Việt Nam gặp thiệt thòi trên sàn đấu, đau với nỗi đau của VĐV khi thua trận.

SEA Games 29, Việt Nam đăng ký dự tranh 32 môn, tăng 4 môn so với kỳ đại hội trước. Chúng ta đã có 32 lãnh đội, 28 chuyên gia và 108 HLV. Đây chính là những người giúp việc đắc lực nhất cho Trưởng đoàn, trực tiếp tác động tới kết quả thi đấu của VĐV tại SEA Games.

Theo quy định của BTC, mỗi nước chỉ được đăng ký 1 Trưởng đoàn và 2 Phó đoàn. Nếu hoàn toàn “vì công việc và trách nhiệm” như giải thích của người phát ngôn, vì sao Việt Nam cần tới 10 Phó đoàn, hay chúng ta là một trường hợp khác so với phần còn lại ở khu vực, chức danh Phó đoàn có cần thiết?

Dư luận cũng không thể không băn khoăn, khi trong 10 Phó trưởng đoàn thì 4 là Giám đốc 4 Trung tâm HLTTQG. Đã từng có tiền lệ giải thích việc này xuất phát từ quân số rất đông VĐV các trung tâm nói trên trong thành phần tham dự đại hội. Nhưng người ta buộc phải đặt câu hỏi, vì sao có những Trung tâm, quân số đóng góp rất ít, vẫn cần hẳn 1 ông Phó Trưởng đoàn? Đây có phải biểu hiện của tình trạng “quân anh - quân tôi”?

Với các môn bóng đá, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ có lẽ quên, bóng đá nam, nữ, và futsal tại các kỳ SEA Games đều có riêng hẳn một Trưởng đoàn phụ trách. Trong khi đó các môn bóng đã góp hàng chục người vào thành phần dự SEA Games.

Trong khi đoàn TTVN lạm phát số lượng Phó Trưởng đoàn, thì tại môn Điền kinh, người ta đang nâng lên đặt xuống chỉ để tăng thêm 1 VĐV, nhưng vẫn chưa xong.

Để chốt lại vấn đề này, xin dẫn ý kiến Nguyên vụ Trưởng vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT), chuyên gia Nguyễn Hồng Minh. “TTVN tại các kỳ đại hội thể thao thì việc lựa chọn nhân sự cần dựa trên các nguyên tắc ưu tiên và VĐV bao giờ cũng là sự lựa chọn số một. Đối tượng thứ hai là các HLV trực tiếp huấn luyện họ. Đối tượng thứ ba là những người đội trưởng bộ môn, làm nhiệm vụ quản lý môn đó (manager). Đây là ba nhân vật quan trọng không thể thiếu. Ngoài ra còn có các trưởng, phó đoàn”.

MỚI - NÓNG