10 người chết và mất tích trong cơn bão số 8

10 người chết và mất tích trong cơn bão số 8
Đến sáng nay 29-10, các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 8 đang khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn; kiểm đếm thiệt hại về người và tài sản, đồng thời nỗ lực khắc phục nhanh hậu quả mưa bão.

> Ninh Bình sẵn sàng chống bão
> Bão cấp 12 áp sát bờ biển Hải Phòng-Ninh Bình
> Bão bẻ gãy tháp truyền hình cao 180m

đổ do bão số 8
đổ do bão số 8.

Thống kê sơ bộ, đã có 4 người chết (Quảng Ngãi 3 người, Hải Phòng 1 người); 6 người mất tích (Quảng Ninh 2 người, Hải Phòng 4 người) và 7 người bị thương đều thuộc thành phố Hải Phòng.

Bão số 8 đổ bộ vào đất liền làm thiệt hại đến tài sản, hoa màu của các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh, nhất là ở huyện Vân Đồn, Tiên Yên và thị xã Quảng Yên, chưa có thông tin thiệt hại về người.

Tại huyện Vân Đồn, bão làm 30 bè mảng bị hư hỏng nặng tại nơi neo đậu, 10 bè nuôi trồng thủy sản bị vỡ, 2km đường dây truyền thanh bị hư hỏng nặng tại xã Thắng Lợi; 1 nhà bị tốc mái tại xã Bản Sen; trên 300 ha lúa mùa sắp thu hoạch; một số điểm bị sạt lở, nứt gãy trên trục chính đường 334 đoạn qua thôn Đài Mỏ, xã Vạn Yên.

Vân Đồn có 3 tàu đắm, trong đó có 2 người hiện mất tích trên tàu của ông Lê Văn Lê, biển kiểm soát QN 6807 tại khu vực xã Ngọc Vừng; 2 tàu còn lại tại xã Minh Châu. Ban chỉ huy quân sự huyện Vân Đồn phối hợp với Công an và người dân địa phương ứng cứu được 8 người trong đó có 1 trẻ em (5 người trên bè nuôi trồng thuỷ sản bị vỡ và 3 người trôi dạt của Công ty Ngọc Trai).

Huyện Tiên Yên có khoảng 40% diện tích lúa trên địa bàn huyện bị đổ; 2 nhà dân ở thôn Cống To, xã Tiên Lãng bị đổ sập, người dân đã kịp di chuyển tránh bão.

Tại thị xã Quảng Yên, bão đã gây thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ đồng. Bao gồm hơn 90% diện tích lúa, 100 ha rau; 1 tàu cá bị đắm khi đang neo đậu tại Bến Giang, hơn 71 thuyền mủng bị đắm tại các đầu cống đã được kéo lên bờ; 1 cột ăngten thu phát sóng của Đài Phát thanh truyền hình Quảng Yên; 3 cây cột điện bị đổ; 22 nhà dân bị tốc mái. Chuồng trại bị tốc mái hơn 30 cái, bị sập 02 cái, chòi nuôi trồng thuỷ sản bị hư hại hơn 60 cái; Hơn 500 m đê của các đầm nuôi trồng thủy sản bị vỡ và hàng ngàn cây xanh bị đổ gãy.

Ngoài ra, ở Cẩm Phả có một tàu vỏ xi măng bị vỡ. Hiện tỉnh Quảng Ninh vẫn đang tích cực tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 8, tổ chức tìm kiếm 2 người mất tích ở khu vực Vân Đồn.

Đến thời điểm này, tuy chưa có con số thống kê thiệt hại cụ thể do bão số 8, nhưng theo thống kê ban đầu của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh có khoảng trên 7.000 ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch, trong đó huyện Tiền Hải là 5.200 ha. Toàn tỉnh đã trồng được gần 30.000ha cây vụ đông và rau màu. Gió to kèm mưa lớn đã làm toàn bộ diện tích vụ đông và rau màu bị hư hỏng. Hiện, toàn tỉnh vẫn bị mất điện; hệ thống thông tin liên lạc bị tê liệt hoàn toàn. Tỉnh Thái Bình đang tập trung xuống các địa phương để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão số 8.

Bão số 8 với sức gió cấp 11 giật cấp 14 đã đổ bộ trực tiếp vào Thái Bình trong đêm qua. Bão kèm mưa to đến rất to với lượng mưa trung bình trên 400 mm. Có nơi như thành phố Thái Bình lượng mưa tới 403 mm, huyện Đông Hưng 377 mm, Hưng Hà 213 mm.

Sáng 29/10, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng họp khẩn thống kê sơ bộ về những thiệt hại do bão số 8 gây ra và bàn cách khắc phục hậu quả. Đây là cơn bão gây thiệt hại nặng nề nhất về tài sản tại Hải Phòng trong 10 năm qua. Theo thống kế ban đầu, bão số 8 làm 1 người chết, 4 người mất tích và 7 người bị thương. Số người bị chết và mất tích chủ yếu là ngư dân nuôi trồng thủy sản và thủy thủ đang làm việc và neo đậu tàu thuyền tại huyện Cát Hải.

Bão số 8 cũng đã làm hơn 2.000 ha lúa mùa cùng hàng nghìn ha hoa màu cây vụ đông cũng bị ngập úng. Dàn khoan và người trên dàn khoan trôi dạt trên khu vực biển Bạch Long Vỹ đã được đưa về vị trí an toàn. Có khoảng hơn 2.000 ngôi nhà bị tốc mái và hàng trăm ngôi nhà bị đổ. Tại các huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng, hàng trăm trang trại, gia trại bị tốc mái, khiến hàng trăm nghìn con gia cầm có nguy cơ bị chết. Bão số 8 cũng đã gây ra mất điện và mất nước toàn thành phố.

2.500 thùng hàng có sẵn và 5.000 thùng hàng gia đình; 5.000 chăn len, nhiều lều bạt, viên khử khuẩn, hệ thống lọc nước cùng 5.000 phần quà (gồm: lương khô, mì tôm, nước uống, nến, bật lửa) sẵn sàng phục vụ công tác cứu trợ với bão số 8 (tên quốc tế là Sơn Tinh) đổ bộ vào Việt Nam.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Sơn Tinh, trong các ngày 26 đến 28/10, Trung ương Hội cũng thống nhất với Hiệp Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế vận động kịp thời nguồn lực ứng phó số hàng trên chuyển về các địa phương. Đồng thời Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có công điện chỉ đạo các tỉnh, thành Hội khu vực chịu ảnh hưởng của bão thực hiện trực cơ quan 24/24 giờ; chủ động tham gia các hoạt động sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm, chằng néo nhà cửa, tàu thuyền; tích cực chuẩn bị về tiền, hàng cứu trợ và các đội hình tình nguyện sẵn sàng tham gia cứu trợ khi bão gây hậu quả nghiêm trọng.

Thường trực Trung ương Hội chỉ đạo các cấp Hội nắm bắt thông tin tham gia ứng phó với bão số 8 ở các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ninh và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ; chuẩn bị ngay các hàng cứu trợ sẵn sàng cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của bão; xây dựng kế hoạch mua bổ sung hàng cứu trợ và ngay trong ngày 28.10, một nhóm công tác của Trung ương Hội đã đến Ninh Bình, Nam Định hỗ trợ tham gia chỉ đạo ứng phó với bão số 8 và nắm bắt thông tin về việc các cấp Hội tham gia chống bão.

Các tỉnh Hội Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam đã chủ động tổ chức các đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ tham gia hỗ trợ người dân chuẩn bị ứng phó với bão; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin và ứng trực 24/24h; chuẩn bị tiền, hàng cứu trợ trong khả năng để sẵn sàng tham gia cứu trợ khi bão gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo TTXVN

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.