Thằng Bảo (10 tuổi) rất ghét tháng 9. Từ năm lên lớp 1, sau một lần trời đổ mưa lớn, nước nổi về đột ngột khiến căn nhà nó biến thành sông, nó bắt đầu ghét tháng 9.
Hồi đó, dù khó khăn, nhưng thằng Bảo không hề muốn bỏ học. Lúc nước vừa rút, nó đã nhờ mẹ chở ra ngoài lộ để đi bộ đến trường. Xe đi được hơn 1 cây số, mẹ con nó ngã 4-5 lần. Cuối cùng cả 2 lộn cổ vào bụi chuối, chiếc áo trắng dình đầy bùn non, nó phải cắn răng theo mẹ quay trở về.
Lần thứ 2, cha nó vay tiền đóng một cái xuồng đưa con đi học bằng đường sông. Xuồng đi qua khúc cua, gặp lúc nước lớn, cha con nó lộn nhào xuống sông. Đồ ướt, sách vở trôi theo nước, nó lại theo cha quay trở về.
Từ đó, thằng Bảo càng ghét tháng 9 và mùa nước nổi.
Năm Bảo 8 tuổi, cha mẹ nó quyết thoát khỏi cảnh “ở nhờ” nhà người thân nên đưa 2 anh em nó ra mảnh đất ké mé sông lập nhà. Lúc đó, cha nó phải đi thành phố, làm việc hơn 2 năm mới đủ tiền đổi mớ cột keo, lá dừa lợp nhà.
“Gọi là nhà nhưng nó chỉ lớn cái chòi vịt xíu thôi”, cha nó - anh Nguyễn Văn Nam cười. “Ban đầu còn không có đường để đi đâu Sau này, người dân muốn ra đồng nhiều nên đắp bờ cao thêm, mình được thể có cái dẫn vào đến tận trong nhà”.
Căn nhà của anh Nam mà anh tự ví như “chòi vịt”
Anh Nam hành nghề phụ hồ, cái nghề ở quê bấp bênh lắm. 6 tháng nắng, có công trình, người ta gọi anh đi suốt, có khi chẳng về. 6 tháng mưa dầm, công trình nghỉ, anh chỉ ở nhà, quăng lưới để kiếm bữa cơm từng ngày.
Căn nhà mùa nước nổi như ở giữa lòng sông, ăn nằm, ngủ nghỉ đều trên nước. Nước ngập tới ngang bụng thằng Bảo, cả nửa tháng liền nó chỉ ngồi học trên giường.
“Dưới thì nước sống, trên thì mưa đổ xuống, nhiều đêm viết chữ nào mưa ướt chữ đó, thằng bé chỉ biết khóc” - anh Nam kể.
Sang lớp 5, con đường tới trường của Bảo càng khó khăn. Cái chân cha nó sau một lần gặp tai nạn thì đã yếu dần. Một đêm đốt đèn, nó nhìn cha còn lợp lại bạt chống dột, đôi mắt nó òng ọc nước: “Hay là con ở nhà, đi học khổ quá cha…”.
Anh Nam cười đắng chát.
“Bây giờ đã là tháng 7, còn hai tháng nữa là tới mùa nước mà cột kèo giờ đã hư hết. Lần này nhà sập, có nước 5 người nhà anh phải ra đường. Anh vẫn còn muốn thằng Bảo đi học” - anh Nam nói.
Hình ảnh Bảo học bài trong ngôi nhà cũ
Nắm bắt hoàn cảnh khó khăn của anh Nguyễn Văn Nam, Công ty sổ xố điện toán Việt Nam (Vietlott) đã thông qua UBMTTQ thị trấn Cây Dương đến thăm và trao tặng căn nhà đại đoàn kết cho gia đình anh.
Chia sẻ về hoàn cảnh của anh Nam, ông Nguyễn Vũ Bình (Chủ tịch UBMTTQVN Thị trấn Cây Dương) nói: “Đối với thị trấn Cây Dương, tuy là thị trấn trung tâm của huyện Phụng Hiệp, nhưng thực tế năm 2020 vẫn còn 108 hộ nghèo, 50 hộ chưa có nhà ở. Sau khi nhận được hỗ trợ xây dựng nhà từ Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) phía địa phương đã xét những hộ khó khăn nhất, trong đó có gia đình anh Nguyễn Văn Nam, có hơn 5 nhân khẩu, không có đất canh tác, cuộc sống rất bấp bênh… Việc có một căn nhà rất ý nghĩa với gia đình, nhằm giúp gia đình Na ổn định cuộc sống để có thể nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn”
“Trong suốt nhiều năm Vietlott đã tham gia nhiều hoạt động an sinh nhằm nâng cao đời sống cho người dân nghèo. Ngoài các hoạt động trao học bổng giúp trẻ em đến trường, xây cầu, làm đường… Vietlott còn tham gia trao tặng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa trên toàn quốc. Từ đầu năm 2020, Vietlot và người trúng thưởng đã trao tặng hàng chục căn nhà tại các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Giang, Long An… Đó không chỉ là giá trị cốt lõi mà còn là trách nhiệm và mục tiêu của toàn thể công ty” - ông Nguyễn Trung Tín (Phó giám đốc chi nhánh Cần Thơ (thuộc Vietlott)) phát biểu thêm.
Ngôi nhà mới do Vietlott trao tặng đến gia đình anh Nam
Ngày nhận căn nhà mới, chị The (28 tuổi, vợ anh Nam) oà khóc. Cái ước mơ có ngôi nhà thực thụ, chị đã mơ suốt 10 năm nay nhưng chưa một lần dám nói ra với chồng.
Hôm đó, chị chạy vào xóm mượn cái điện thoại, gọi cho Nam: “Anh ơi! Người ta bảo nhà mình xây xong rồi”. Ở bên kia đầu dây, tiếng sụt sùi nho to vang lên. Rồi cả hai vợ chồng cùng khóc.
Lần đầu tiên khóc vì hạnh phúc…