> Biến hồ sơ xin việc thành tờ báo độc đáo
> Tốt nghiệp loại Giỏi mà thất nghiệp: Thực sự có vấn đề
Ảnh minh họa.. |
Để tránh những tình huống rắc rối không đáng có trong môi trường công sở, bạn cần kiểm soát hiệu quả các cảm xúc và hành vi của mình. Khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi để tránh những “tấn thảm kịch” sẽ giúp gia tăng thêm giá trị cho sự nghiệp của bạn.
Dưới đây là 10 hành vi có thể dẫn tới “tấn thảm kịch” công sở mà bạn cần tránh:
1. Tỏ ra cay cú sau khi chuyện tình công sở không đem lại kết quả như mong muốn
Chuyện hẹn hò ở công sở vừa hấp dẫn lại vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những trải nghiệm thú vị của ngày hôm trước hoàn toàn có thể trở thành cơn ác mộng của ngày hôm sau. Khi một cuộc tình công sở thất bại, bạn sẽ cảm thấy nơi làm việc của mình trở thành một môi trường đầy sức ép và không còn thoải mái như trước. Tệ hơn cả, điều này có thể ảnh hưởng xấu tới năng suất làm việc của bạn. Lời khuyên tốt nhất cho những ai không muốn bị rơi vào tình huống này là tránh chuyện lãng mạn với đồng nghiệp, nhất là khi cả hai cùng làm việc trực tiếp với nhau trong một đơn vị.
2. Đưa những bình luận hoặc hình ảnh tiêu cực lên mạng xã hội
Sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram… một cách thiếu kiểm soát có lẽ là hành vi “phản chủ” mới mẻ nhất trong thế kỷ này. Vấn đề nằm ở chỗ, một khi bạn đã đưa ra một bình luận hoặc hình ảnh nào đó trên mạng xã hội, rất khó để bạn bào chữa rằng: “Tôi không nói thế, làm thế”, bởi một người nào đó có thể đã kịp chụp lại màn hình của bạn trước khi bạn kịp xóa những nội dung không mong muốn kia. Hãy luôn nhớ câu nói: “Tin tốt lan nhanh, nhưng tin xấu còn lan nhanh hơn”. Bởi thế, bạn cần hành động có trách nhiệm bằng cách không đưa lên hoặc chia sẻ trên mạng xã hội bất kỳ thông tin nào có thể khiến bạn phải hối tiếc khi đến tai sếp của bạn.
3. Coi mình là trung tâm, không hòa nhập với ê kíp làm việc
Sẽ không phải là tốt nếu bạn chỉ luôn tập trung vào những gì quan trọng cho lợi ích của riêng bản thân mình. Nhiều lúc, bạn cần đặt các mục tiêu riêng sang bên và giúp đỡ đồng nghiệp đạt được mục tiêu của họ. Hỗ trợ những người khác, cho dù bằng những việc nhỏ nhất, cũng sẽ giúp bạn “được tiếng” là tốt bụng và hòa đồng.
4. “Buôn chuyện” quá nhiều
Bạn có thể là một người rất hòa đồng với đồng nghiệp và có nhiều thông tin và câu chuyện thú vị mà mọi người muốn biết. Nhưng cũng chính vì thế, bạn có thể là một trong những “cái gai” trong mắt sếp. Hãy để ý xem có bao nhiêu người tìm đến bạn để nói về một người khác hoặc hỏi bạn về những thông tin “mật” liên quan tới một vấn đề nào đó. Nếu việc này xảy ra thường xuyên, thì bạn đang “buôn chuyện” quá nhiều. Để khắc phục vấn đề, hãy bắt đầu chia sẻ những giải pháp tích cực với mọi người, thay vì nói về những rắc rối.
5. Giữ ác cảm và “chơi xấu” sau lưng người khác
Ở một thời điểm nào đó trong sự nghiệp của bạn, có thể có một ai đó nói hoặc làm điều gì đó xúc phạm tới bạn. Sự ác cảm thường khiến người ta có những hành động trả đũa và chính những hành động trả đũa đó sẽ quay ngược trở lại với họ. Bởi vậy, thay vì giữ ác cảm, hãy tìm cách tha thứ cho người lỡ xúc phạm bạn. Hãy giải phóng bản thân khỏi nhân tố gây áp lực này để có thể ngăn chặn cảnh “hòn đá ném đi, hòn chì ném lại”.
6. Ham cạnh tranh quá mức
Hiện nay có quá nhiều chương trình truyền hình là các cuộc đua. Một số người mang tâm lý đua tranh này vào nghề nghiệp, vì nghĩ rằng điều đó sẽ giúp họ tiến lên những nấc thang cao hơn của sự thành công. Tuy nhiên, cho dù sự cạnh tranh có thể là lành mạnh và hiệu quả, cạnh tranh quá nhiều có thể phản tác dụng. Hãy kiểm tra mức độ cạnh tranh của bạn để đảm bảo rằng bạn không đi quá đà. Điều quan trọng nhất là bạn không bao giờ nên cạnh tranh tới mức gây thiệt hại cho người khác chỉ để phục vụ cho lợi ích của riêng bạn.
7. Tự phụ
Bạn biết rõ mình giỏi, nhưng việc huênh hoang và tự phụ về những kỹ năng và thành tích mà bản thân có sẽ chỉ khiến bạn bị rơi vào một ốc đảo của sự cô lập. Đồng nghiệp sẽ không còn muốn làm việc và thân thiện với bạn nữa. Hoàn toàn ổn nếu bạn thể hiện sự tự tin, nhưng hãy biết đâu là giới hạn hợp lý.
8. Chỉ trích người khác vì lỗi của mình
Không ai là hoàn hảo và ai cũng có lúc phạm sai lầm. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần biết nhận lỗi do mình gây ra. Việc chỉ trích người khác sẽ chỉ tạo căng thẳng và gây mất niềm tin. Hãy nhận trách nhiệm của bạn khi xảy ra việc không mong muốn, bằng cách đó bạn sẽ phát triển và có nhiều kinh nghiệm hơn.
9. Có thái độ tiêu cực
Những người có thái độ tiêu cực thường tác động xấu tới tâm lý của những người xung quanh và thường là những người kém vui nhất trong công việc do cách nhìn nhận của họ về môi trường công sở. Họ thường bị ám ảnh bởi quá khứ và không muốn thay đổi cách suy nghĩ. Nếu bạn thường xuyên có thái độ tiêu cực, rất có thể bạn sẽ lãnh nhiều kết quả tiêu cực trong công việc. Tuy nhiên, khi bạn chuyển sang một thái độ tích cực hơn, bạn sẽ có cơ hội lớn hơn để phát triển và chịu mức độ căng thẳng thấp hơn.
10. Không bao giờ biết tán dương người khác
Nhiều khi, thành tích là kết quả làm việc của cả nhóm hoặc với sự hỗ trợ của người khác. Bởi thế, những cá nhân luôn nhận hết thành tích về mình mà không biết khen ngợi sự cố gắng của người khác sẽ không nhận được sự hưởng ứng của đồng nghiệp. Để tránh điều này, lần tới khi đạt thành tích, hãy nói lời cảm ơn những người đã giúp bạn. Khen ngợi sẽ giúp bạn nổi bật với tư cách là thành viên “biết người biết ta” trong ê kíp.
Theo Phương Anh
Dân trí