10 bước để trở nên giàu có trước tuổi 30

10 bước để trở nên giàu có trước tuổi 30
Trước tuổi là thời điểm để thử và sai, tuy nhiên quá nhiều lần tìm việc mới khiến tài khoản của bạn rất khó tăng lên nhanh chóng.
Những năm tháng tuổi đôi mươi là quãng thời gian vui vẻ, thử nghiệm và tìm kiếm chỗ đứng. Tuy nhiên, những quyết định bạn đưa ra ở độ tuổi này thực tế lại có ảnh hưởng lâu dài đến tài chính trong suốt cả đời.

Bạn không thể mãi sống với mức lương khởi điểm, những giấc mơ của bạn lớn dần, đó là ngôi nhà đầu tiên, kỳ nghỉ đầu tiên, nghỉ hưu ở tuổi xế chiều.... Cách duy nhất để bạn biến những giấc mơ của mình thành hiện thực, chính là làm giàu.

Dưới đây là 10 cách (đã được chứng minh) để bắt đầu xây dựng một nền tảng tài chính vững mạnh ở tuổi 20:

1. Lập kế hoạch tài chính

Mức lương mục tiêu của bạn là bao nhiêu? Bạn muốn có bao nhiêu tiền trong tài khoản khi ở tuổi 40? Khi nào thì bạn có kế hoạch nghỉ hưu?

Đây thực sự là những câu hỏi quan trọng đặt ra cho bản thân, nếu bạn muốn gia tăng tài sản và làm giàu. Câu trả lời cho những câu hỏi đó là những mục tiêu của bạn.

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Journal of Strength and Conditioning Research, các vận động viên lập ra mục tiêu trước khi luyện tập đều có thêm động lực và có thể tự điều chỉnh bản thân để đạt được mục tiêu, so với những người không có kế hoạch trong đầu.

Doanh nhân Mark McCormack lý giải khái niệm tương tự trong cuốn sách "Những điều họ không dạy bạn ở Trường kinh doanh Havard" (What They Don't Teach You at Harvard Business School). Nghiên cứu từ các sinh viên Havard đã tốt nghiệp cho thấy, một sinh viên có mục tiêu, khi tốt nghiệp có thể kiếm được gấp 10 lần so với những người không vạch ra mục tiêu cho bản thân, sau một thập kỷ.

Nếu như bạn không biết rõ câu trả lời cho những câu hỏi trên, đừng lo lắng. Không ai biết được tất cả những điều đó ở tuổi đôi mươi, và những mục tiêu của bạn cũng có thể thay đổi theo thời gian. Nhưng bạn sẽ không bao giờ có thể thực hiện mục tiêu tài chính của mình nếu không thiết lập nó. Sao bạn có thể thực hiện một chuyến đi trong khi không có bản đồ?

2. Chọn bạn mà chơi

Bạn có bao giờ chịu áp lực từ phía một người bạn nào đó nên mua chiếc váy vượt quá ngân sách của mình, chỉ bởi vì nó giúp bạn hoàn hảo trong bữa tiệc tối? Bạn từng dự một bữa tiệc đắt tiền và phải chia hóa đơn bằng nhau, trong khi bạn chỉ uống nước?

Một cuộc thăm dò thực hiện bởi Viện CPAs, Mỹ cho thấy 78% Millennial (thế hệ sinh từ năm 1980 đến 1998) áp dụng thói quen chi tiêu của bạn bè để quyết định thói quen của chính mình. 2/4 trong số đó muốn theo kịp với địa điểm sống của bạn bè, 64% cố gắng cập nhật tủ quần áo theo bạn bè, và 66% cảm thấy cần phải theo kịp các thiết bị công nghệ mới nhất và những nhà hàng tốt nhất giống bạn bè.

Nếu đồng nghiệp, bạn bè đang gây ảnh hưởng tới việc chi tiêu và khiến bạn tiêu nhiều hơn mức có thể chi trả, tức là tình bạn đang làm suy yếu nỗ lực làm giàu của bạn. Học cách nói không và chấp nhận rằng nếu bạn bè không hiểu được những mục tiêu dài hạn về tài chính của bạn, tức là đã đến lúc tìm bạn mới.

3. Tìm người yêu/bạn đời phù hợp

Cũng giống như việc bạn bè có thể tác động tới những mục tiêu tài chính lâu dài của bạn, lựa chọn trong chuyện tình cảm cũng có ảnh hưởng như vậy.

Ví dụ, hẹn hò một người nặng vật chất, hình thức, luôn đòi hỏi những bữa tiệc xa hoa, những món quà đắt tiền sẽ sớm làm suy kiệt túi tiền của bạn, thậm chí khiến bạn mắc nợ nần. Khi hai người kết hôn, đồng nghĩa với việc sử dụng tài khoản ngân hàng chung, thế chấp chung, nợ chung...

Một nghiên cứu từ Dịch vụ Nhân sinh và Gia đình của Đại học bang Kansas cho thấy, tranh cãi về tiền bạc là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly dị, bất kể thu nhập của hai vợ chồng như thế nào. Vì thế, trước khi bạn kết hôn, hãy đảm bảo rằng cả hai minh bạch với nhau về tình hình tài chính, cũng như quan điểm cá nhân với tiền bạc. Thành công về tài chính của bạn phụ thuộc vào đó rất nhiều.

4. Chọn nghề nghiệp tốt để có lương cao

Trước hết, bạn cần có một ý tưởng rõ ràng về mức thu nhập mình cần để trang trải cuộc sống, cũng như thực hiện các mục tiêu cho tương lai. Theo manda Augustine, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp cho TopResume, sau khi đã tốt nghiệp đại học và trải qua một vài công việc, bạn cần phải cân nhắc về những mục tiêu dài hạn. Cần sử dụng những kinh nghiệm đầu tiên của bạn để xác định rõ công việc mà bạn thực sự muốn làm trong tương lai. Điều này có thể đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong sự nghiệp. Một số công việc khó giúp bạn đạt được mức lương cao, trong khi nghề nghiệp khác lại có mức lương tốt hơn rất nhiều.

Sự thay đổi nghề nghiệp cũng đòi hỏi bạn phải học thêm, có thêm bằng cấp, chứng chỉ mới, nhưng với nỗ lực, bạn có thể rẽ sang con đường sự nghiệp sinh lời hơn. Đầu tư vào học hành không bao giờ là sai lầm, và hơn thế nữa, chuyển hướng sự nghiệp trong những năm 20 tuổi sẽ dễ dàng hơn so với nhiều năm sau đó.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chọn được công việc bạn yêu thích, đừng chuyển việc chỉ vì khả năng được trả lương cao hơn. Nếu bạn thực sự yêu thích việc mình đang làm, bạn vẫn có thể đạt tới thu nhập tiềm năng của mình.

Theo giáo sư tâm lý học Shigehiro Oishi - tác giả cuốn Sự giàu có về tâm lý của các quốc gia: Những người hạnh phúc xây dựng một xã hội hạnh phúc hơn (The Psychological Wealth of Nations: Do Happy People Make a Happier Society), những người lao động hạnh phúc sẽ nhiều năng lượng, làm việc hiệu quả hơn, được các cấp trên yêu thích hơn, và nhiều khả năng họ tìm thấy thành công trong sự nghiệp.

Nghiên cứu của Madhu S. Mohanty cũng chỉ ra rằng những người suy nghĩ tích cực sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc yêu công việc mình làm hàng ngày giúp bạn làm việc tốt hơn, dẫn đến việc trả lương cao hơn.

5. Cam kết lâu dài với con đường sự nghiệp

Nếu giá trị của bạn với tư cách một nhân viên tăng lên theo kinh nghiệm mà bạn có, việc thay đổi hướng đi sự nghiệp như thay đôi giày sẽ không hề ích lợi cho bạn. Độ tuổi 20 là thời điểm để thử và sai, tuy nhiên quá nhiều thử nghiệm hẳn nhiên không tốt cho tài khoản ngân hàng của bạn.

Theo nhà tâm lý học Meg Jay, khoảng 2/3 tăng trưởng lương của một người xảy ra trong 10 năm đầu lao động, và lương của họ trở nên ổn định trong khoảng 40 tuổi. Điều đó đồng nghĩa với việc càng chậm khởi nghiệp, bạn càng có ít thời gian và cơ hội để đạt được một thu nhập mong ước.

6. Nghỉ việc nếu nó không giúp bạn đạt được điều mình muốn

Nếu bạn thấy rằng công việc hiện tại không giúp bạn đạt được mức lương mình muốn hoặc nghĩ mình xứng đáng, hãy bỏ việc. Nhảy việc thường xuyên không phải là tốt, nhưng ở lại một công ty quá lâu có thể làm giảm thu nhập tổng thể cả đời của bạn. Một chọn lựa mới có thể giúp bạn tăng 20% lương cộng tiền thưởng, thay vì ở lại và chỉ nhận được mức tăng 3% mỗi năm.

7. Theo dõi chi tiêu của bạn và bỏ các thói quen tốn kém

Bạn có thực sự biết tiền của mình đi đâu vào mỗi tháng? Việc theo dõi số tiền mà bạn có cũng như cách sử dụng nó cũng giúp phát hiện ra những thói quen xấu của bản thân mà bạn không hề biết đến.

Thực tế đơn giản chính là để giàu có, bạn cần phải chi tiêu ít hơn so với mình kiếm được. Việc theo dõi chi tiêu sẽ giúp bạn giảm mua những thứ không cần thiết, lấy tiền đó đi tiết kiệm hoặc đầu tư.

Bạn có bao giờ tính toán những thú vui "tội lỗi" khiến cho bạn mất bao nhiêu tiền mỗi tháng? Nếu những điều này không phù hợp với ngân sách của bạn, nên cắt bỏ. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình đủ khả năng đó, nên tính toán xem bạn có thể tiết kiệm được bao nhiêu mỗi tháng bằng cách cắt giảm các thú vui đó.

Cuộc khảo sát của Wells Fargo về thói quen tiêu dùng cho thấy, người dân Mỹ dành trung bình 21 đôla cho cafe mỗi tuần, tức là 1.000 đôla mỗi năm.

8. Sống trong khả năng mình có, hoặc là thấp hơn


Đây có thể là điều bạn chưa biết: Những người giàu thường sống dưới mức thu nhập của họ. Thống kê của The Wall Street Journal cho thấy, bạn có thể tiết kiệm 29% tiền mua sản phẩm thương hiệu bằng cách mua các sản phẩm bình dân hơn. Khảo sát của tập đoàn thương mại Integer cũng cho thấy, 64% người dùng nghĩ rằng các sản phẩm hàng hiệu chưa chắc đã có chất lượng tốt hơn so với sản phẩm giá rẻ hơn.

9. Là người tiêu dùng thông minh

Trở thành một người tiêu dùng thông minh nghĩa là bạn tìm kiếm và đưa ra những lựa chọn giúp tiết kiệm tiền trong dài hạn. Giá rẻ có thể là hấp dẫn, nhưng đi kèm với rủi ro rằng bạn sẽ phải mua lại các sản phẩm tương tự nhiều lần trong một năm, nhất là với các mặt hàng có giá trị lớn như điện tử, thiết bị, xe hơi...

10. Tiết kiệm và đầu tư

Bạn nghĩ rằng mình còn trẻ, khỏe, mới chỉ bắt đầu sự nghiệp và có vô khối thời gian để tiết kiệm cho việc nghỉ hưu? Bạn sai rồi!

Một cuộc khảo sát từ CreditDonkey cho thấy 80% mọi người đánh giá rằng họ không làm đủ để tiết kiệm cho lúc nghỉ hưu, trong khi 55% tin rằng họ khó có thể nghỉ hưu thoải mái. Nếu bạn tiết kiệm một cách kiên trì và tận dụng được sự hỗ trợ từ chủ lao động, bạn sẽ thấy quỹ hưu trí tăng theo cấp số nhân theo thời gian.

Bạn không thể giàu có nhanh chóng bằng việc gửi tiền tiết kiệm, nhưng ít nhất, bạn sẽ có thể bảo vệ được đồng tiền của mình trước cám dỗ chi tiêu.

Nếu có khả năng, bạn có thể đầu tư tiền vào chứng khoán hay đầu tư vào bất động sản... Tuy nhiên, như mọi kênh đầu tư khác, bạn cần có thông tin và lập kế hoạch cẩn thận, để đảm bảo rằng những đầu tư của bạn sẽ trở thành một tài sản thay vì một rắc rối, trở ngại nào.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG