Chuyện ‘Chính chủ’ lại ‘sốt’

Chuyện ‘Chính chủ’ lại ‘sốt’
TPO – Sau một thời gian ‘ngủ đông’ vì phản ứng mạnh mẽ của người dân, dự thảo lần thứ 2 Nghị định xử lý vi phạm giao thông lại được Bộ GTVT đưa ra, hứa hẹn một cơn sốt mới chuyện xe 'chính chủ'.

> Xe không chính chủ có thể bị phạt 4 triệu đồng

Năm 2012, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gây cơn sốt với việc tiến hành xử phạt vấn đề đi xe không chính chủ, theo đó các phương tiện giao thông phải đi xe chính chủ, phải chứng minh được xe mượn của bạn bè, xe của người thân …, nếu không sẽ bị xử phạt vì lỗi không chính chủ.

Vấn đề này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đông đảo người dân, vì rất nhiều phương tiện giao thông đang lưu thông là dạng mua đi bán lại nhiều lần, không thể xác minh được chính chủ, cũng như không thể tìm lại chủ cũ để tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ. Bên cạnh đó, việc chứng minh là xe của người thân, xe đi mượn, xe thuê… cũng rất rắc rối và chưa được hướng dẫn cụ thể.

Cuối năm 2012, Chính phủ đã quyết định tạm dừng xử phạt lỗi không chính chủ vì nhiều vấn đề bất hợp lý liên quan. Theo đó, "Khẳng định việc phạt lỗi không sang tên, đổi chủ là cần thiết nhưng các bộ thừa nhận, lực lượng chức năng khi xử lỗi này lại lệch sang truy cứu người điều khiển có phải là chủ phương tiện hay không", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói.

Sau một thời gian trì hoãn, vấn đề xe không chính chủ lại được nóng trở lại bằng dự thảo mới của Bộ GTVT, theo đó nếu được thông qua sẽ bắt đầu xử phạt lỗi đi xe không chính chủ từ ngày 1-7, tức là cùng thời điểm với việc xử phạt lỗi không nộp phí bảo trì đường bộ.

Thay vì thông tư hướng dẫn về việc xử phạt và các vấn đề liên quan đến chính chủ, dự thảo mới lại chú trọng tới thông tin hạ mức phạt.

Theo đó, phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe môtô, xe gắn máy; 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy; phạt tiền 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân là chủ ôtô và các loại xe tương tự ôtô, 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ôtô và các loại xe tương tự ôtô vi phạm một trong các hành vi sau đây: Không làm thủ tục chuyển đổi lại Giấy đăng ký xe theo quy định sau khi đã mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản là phương tiện; Không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định.

Nếu ngày 1-7 bắt đầu xử phạt lỗi không chính chủ, người dân chỉ còn 4 tháng để hoàn tất các thủ tục sang tên đổi chủ, trong khi vẫn còn rất nhiều khúc mắc xung quanh vấn đề chứng minh chính chủ, trong khi rất nhiều phương tiện giao thông ở Việt Nam đã qua rất nhiều lần mua đi bán lại.

Tất cả những vấn đề của lần xử phạt lỗi không chính chủ năm ngoái vẫn còn tồn tại nguyên xi, vì vậy thông tin bắt đầu xử phạt lỗi này từ 1-7 chắc chắn sẽ tiếp tục tạo nên cơn sốt.

Theo Viết
MỚI - NÓNG