Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 diễn ra trưa nay, 30/5, ông Võ Văn Hoan cho hay, công trình đã quá cũ cộng với tác động bởi môi trường, nên nhiều chỗ bị mục rữa.
Hơn 10 năm trước, các nhà thầu bên Pháp đã gửi thư báo công trình không còn trong danh mục quản lý. Từ năm 2015, các đoàn khách ngoại giao không còn được đón tiếp tại trụ sở UBND TPHCM.
Ông Võ Văn Hoan cho biết UBND thành phố đang triển khai giai đoạn 1 dự án sửa chữa, nâng cấp và bảo tồn trụ sở UBND TPHCM, dự kiến đến tháng 12 năm nay hoàn thành và có thể tiếp các ngoại giao đoàn tại đây.
Ngoài ra, UBND TPHCM xây dựng một khối công trình đối xứng với toà nhà tại góc đường Lê Thánh Tôn – Đồng Khởi. Độ cao và kiến trúc cũng tương tự toà nhà Pháp, dự kiến hoàn thành cuối năm 2016. Sau khi hoàn thành, toàn bộ khối công trình phía sau (tức toà Mỹ) gồm Văn phòng Ủy ban, Sở Nội vụ, Ban Thi đua khen thưởng, Ban chỉ đạo Tây Bắc… sẽ chuyển sang làm việc ở toà nhà mới.
Toà Mỹ sẽ bị khoanh vùng chuẩn bị cho giai đoạn 2 của dự án. Phạm vi xây dựng giai đoạn 2 bao gồm cả một số trụ sở một số sở phía sau (mặt tiền đường Lý Tự Trọng), như Giao thông vận tải, Tài nguyên môi trường, công thương, Thông tin và truyền thông… UBND TPHCM đã tổ chức thi và tuyển chọn kiến trúc, hiện nay đang xem xét chọn nhà đầu tư.
Trụ sở UBND TPHCM (số 86 Lê Thánh Tôn, quận 1) là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng của TPHCM, được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp.
Giữa mặt tiền có trang trí đắp nổi hình ảnh một người phụ nữ cường tráng tiêu biểu cho nước Pháp cùng một hình đứa trẻ đang chế ngự thú dữ. Sau này hai lầu chuông ở hai bên, mang phong cách pha trộn hai văn hóa Ý và Pháp thời kỳ Phục Hưng, được xây thêm vào và trang trí bằng hai bức đắp nổi hai bên tiêu biểu cho nước Pháp cầm gươm đi chinh phục thuộc địa.
Phía trước công trình là một bãi cỏ rộng có ghế đá và bồn kèn - nơi ban nhạc của hải quân Pháp thường trình diễn cho công chúng xem trong những dịp lễ trang trọng
Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Hotel de ville trong tiếng Pháp hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Trước năm 1975, toà nhà này được gọi là Tòa đô chánh Sài gòn, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền Sài Gòn. Sau 1975, toà nhà được bố trí làm nơi làm việc của thường trực, Văn phòng UBND TPHCM và một số sở ban ngành.