Quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS

Quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS
TP - Tiếp cận quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS là một phương pháp tổng hợp, có hiệu quả đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi và cần phải được nghiên cứu, áp dụng nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đại dịch HIV/AIDS đã và đang để lại nhiều hậu quả đối với nhân loại.

Sự tàn phá của đại dịch HIV/AIDS không thua kém bất cứ một thảm họa nào khác do thiên nhiên hoặc con người gây ra. Đại dịch HIV/AIDS đã đẩy lùi những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trên lĩnh vực quyền con người. Từ giữa thế kỷ XX đến nay, loài người đã đạt được những thành tựu to lớn trên lĩnh vực bảo vệ quyền con người.

Cơ chế quốc tế, khu vực và quốc gia về bảo vệ quyền con người đã hình thành. Khái niệm quyền con người đã được mở rộng, từ quyền của cá nhân đến quyền nhóm và quyền của quốc gia dân tộc. Các quyền và tự do cơ bản của con người đã được cộng đồng quốc tế và các quốc gia tôn trọng, bảo vệ và thực hiện.

Mặc dù ở nơi này hoặc nơi khác vẫn còn diễn ra sự vi phạm các quyền con người một cách nghiêm trọng, song, những sự vi phạm đó đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Các quyền con người trên thế giới đã được cải thiện đáng kể.

Đại dịch HIV/AIDS đã cướp đi quyền sống của hàng chục triệu người, và đẩy hàng trăm triệu người khác vào hoàn cảnh khốn cùng do ốm đau, bệnh tật, do tình trạng trẻ em mồ côi cha mẹ, do vợ mất chồng, cha mất con.

Người ta đã ví tác động của đại dịch HIV/AIDS như những làn sóng lớn. Khi đợt sóng cuối cùng đi qua - người nhiễm HIV trở thành bệnh nhân AIDS qua đời thì hậu quả của nó vẫn còn để lại rất nặng nề đối với gia đình và xã hội.

Khác với nhiều bệnh truyền nhiễm khác HIV/AIDS đa dạng về đường lây truyền; thời gian ủ bệnh kéo dài; khả năng né tránh miễn dịch cao; khả năng biến dị của vi-rút lớn; chưa có vắc-xin phòng bệnh; chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Tuy nhiên, cho đến nay do đã có thuốc kháng vi-rút, những người nhiễm HIV có thể sống, lao động bình thường kéo dài trên một chục năm hoặc lâu hơn nữa. Môi trường lan truyền của bệnh gắn với tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy, mại dâm. Điều này đã làm tăng thêm sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS và những người thân của họ.

Ngay từ khi đại HIV/AIDS xuất hiện, Liên hợp quốc đã đặc biệt quan tâm đến phòng, chống căn bệnh này. Cơ sở chính trị của phòng, chống HIV/AIDS là sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, được thể hiện trong các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Cộng đồng quốc tế đã sớm nhận thấy hiểm họa của HIV/AIDS. Căn bệnh này đã trở thành một chủ đề lớn trong nhiều kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh về AIDS, được tổ chức vào tháng 12-1994 ở Paris. Tuyên bố của Hội nghị khẳng định quyết tâm của cộng đồng ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS.

Cũng tại Hội nghị này, nguyên tắc khuyến khích những người có HIV/AIDS tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS- được gọi là nguyên tắc GIPA đã ra đời; Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về HIV/AIDS (tháng 6-2002) tại Mỹ với Tuyên bố UNGASS đã xác định: AIDS đã gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu và chính phủ các nước cam kết thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp tiếp cận quyền, hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS.

Cho đến nay, Liên hợp quốc cho rằng không cần thiết phải xây dựng một điều ước quốc tế chuyên biệt về phòng, chống HIV/AIDS. Người ta cho rằng các văn kiện quốc tế về quyền con người và hai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966) là cơ sơ chính trị - pháp lý cho việc tiếp cận quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS. Việc bị nhiễm HIV/AIDS không làm mất đi các quyền tự do của họ.

Đối với Nhà nước ta, cơ sở chính trị của tiếp cận quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS là đường lối của Đảng, là mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chỉ thị 54 (2005) chỉ rõ phải phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ của cộng đồng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Cơ sở pháp lý của việc tiếp cận quyền phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam là các quy định của Hiến pháp, trong đó khẳng định Nhà nước ta tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, thông qua hệ thống pháp luật của chúng ta, trong đó đã luật hóa các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Đó là Luật Phòng, chống HIV/AIDS do Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 (tháng 6-2006) thông qua.

Luật này đã quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, quy định quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV/AIDS. Một văn kiện có tính pháp lý của Nhà nước ta trong phòng, chống HIV/AIDS, đó là “Chiến lược Quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Có thể nói, hiện nay Việt Nam đã có một môi trường chính sách, pháp luật hoàn chỉnh nói chung cho cách tiếp cận quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS nói riêng.

Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của nhân loại, là một trong những thành tựu quan trọng của nền văn minh nhân loại trong thời đại ngày nay. Dựa trên các giá trị cơ bản của loài người - đó là nhân phẩm, bình đẳng, tự do và tinh thần nhân đạo, khoan dung, quyền con người không chỉ là một định chế pháp luật, mà còn là một phương thức tiếp cận khoa học trong các vấn đề xã hội nói chung, cho giải pháp xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS nói riêng.

Tiếp cận quyền con người trong phòng, chống HIV/AIDS đòi hỏi phải đưa các nguyên tắc và chuẩn mực về quyền con người vào các hoạt động phòng ngừa giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm, chăm sóc, điều trị và giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch HIV/AIDS.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG