Vàng tặc xé nát sông Bôi

Vàng tặc xé nát sông Bôi
TP - Thời gian qua, huyện Kim Bôi, Hòa Bình trở thành điểm nóng khi nhiều đơn vị đưa máy ủi, máy xúc, tàu hút về khai thác vàng trái phép, khiến người dân bức xúc. Đỉnh điểm, ngày 7/10 tại địa bàn xã Kim Bôi xảy ra vụ việc người dân bắt trói 5 công an và 1 cán bộ thôn.

> Tiếp tục truy quét “vàng tặc”
> 'Vàng tặc' đại náo sông Quàng

Vàng tặc xé nát sông Bôi ảnh 1

XEM CẬN CẢNH VÀNG TẶC PHÁ NÁT SÔNG BÔI TẠI ĐÂY

Máy xúc và tàu hút vàng hoạt động rầm rộ tại sông Bôi
Máy xúc và tàu hút vàng hoạt động rầm rộ tại sông Bôi.

Việc bắt trói 6 cán bộ là vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm, nhưng cũng cần xem xét trách nhiệm các cấp chính quyền để xảy ra việc khai thác vàng trái phép kéo dài nhiều tháng trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất ảnh hưởng tới hoa màu của người dân.

Nghi vấn bảo kê vàng tặc

Trước khi xảy ra vụ người dân xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi bắt trói 6 cán bộ, phóng viên Tiền Phong đã có mặt tại dòng sông Bôi chảy qua khu vực xã Mỵ Hòa và xã Kim Bôi ( huyện Kim Bôi) để tìm hiểu về chuyện vàng tặc hoành hành nơi đây.

 Ông cứ như người trên trời rơi xuống ấy, cả cái tàu hàng chục tấn, rồi máy xúc chình ình ra như thế, không “làm luật” thì có làm vào mắt.

Anh Đ. nói

Theo nhiều người dân phản ánh, có hàng chục tàu hút, máy xúc... khai thác vàng đang hoành hành tại khu vực này. Những cai vàng, phu vàng cùng những máy móc được huy động từ nhiều nơi và tập kết khai thác vàng tại đây từ đầu năm 2013. Việc khai thác vàng khiến hàng trăm ha lúa, ngô của người dân bị sạt lở nghiêm trọng. Cả dòng sông Bôi nước đục sánh lại. Thêm vào đó, lượng hóa chất khi tuyển vàng được đổ thẳng xuống dòng sông, khiến người dân không thể sử dụng được nguồn nước để sinh hoạt và chăm sóc hoa màu.

Người dân nhiều lần trực tiếp lên xã, lên huyện rồi lên UBND tỉnh Hòa Bình để phản ánh sự việc, nhưng chỉ thấy huyện xuống lập biên bản kiểm tra, không tịch thu, cưỡng chế phương tiện, máy móc của vàng tặc.

Anh N.H.Đ (yêu cầu không nêu rõ danh tính), một người dân trên địa bàn nói: “Tôi thấy rất lạ, cứ thấy bóng dáng cán bộ xuống kiểm tra là máy móc lại được phủ bạt che kín, những cai vàng, phu vàng cũng “biến mất”. Khi cán bộ rời thì máy móc tức thì hoạt động trở lại. Chắc chắn những đợt kiểm tra bị lộ lọt thông tin nên cai vàng mới phản ứng nhanh được như vậy” - anh Đ. nói.

“Côn đồ thì có chứ làm gì có chuyện cán bộ bảo kê” - vừa nghe PV nói thế, như gãi đúng chỗ ngứa, anh Đ. chồm lên: “Ông cứ như người trên trời rơi xuống ấy, cả cái tàu hàng chục tấn, rồi máy xúc chình ình ra như thế, không “làm luật” thì có làm vào mắt”.

“Tôi chỉ mách nước, các ông tự đi làm luật”

Kết thúc câu chuyện với anh Đ., chúng tôi tìm đến một người tên M. tại thị trấn Kim Bôi, khét tiếng một thời trong giới “bờ bãi”. Anh M. hiện đã “gác kiếm” về mở quán nhậu, nhưng thỉnh thoảng bọn đàn em cần cứu viện vẫn gọi tới anh này. Tôi được anh Đ. giới thiệu là đơn vị muốn hợp tác khai thác vàng tại Kim Bôi. Anh M. nói bây giờ không tham gia, nhưng nến cần sẽ bảo “tụi nó” để cho một góc sông Bôi. “Tôi chỉ mách nước cho các ông thôi, rồi các ông tự đi mà làm luật” - anh M. nói.

Côn đồ hỏi thăm người lạ
Côn đồ hỏi thăm người lạ.

Nói rồi, M. bảo chúng tôi chuẩn bị kinh phí gặp ông này, ông kia. Để chứng minh cho lời nói và thương hiệu của mình, anh M. rút điện thoại gọi cho một người tên Sơn và mở loa ngoài cho chúng tôi nghe. Quả thực, đầu dây bên kia chấp nhận đề nghị của anh M. với điều kiện bên chúng tôi phải chung chi cho cánh bảo kê. Tới đây chúng tôi thấy khoản kinh phí quá lớn nên tìm cớ rút lui. Tôi nói đi vội không mang đủ tiền, anh M. đốp luôn: “Thế thì còn làm ăn cái con khỉ”.

Không chỉ hoài nghi về việc có cán bộ bảo kê cho bãi vàng trên địa bàn xã Mỵ Hòa và Kim Bôi, anh Đ. còn cho biết có hàng chục côn đồ túc trực canh gác ngày đêm biến khu vực này trở thành một cõi riêng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Để tự tung tự tác khai thác vàng trái phép, các cai vàng thường xuyên phải nộp tô đều như vắt chanh cho cánh bảo kê. Đến kỳ mà không nộp thì “cuốn chiếu mà lượn”.

Xâm nhập bãi vàng

Chuyện người dân kể là vậy, nhưng để có được bằng chứng về việc vàng tặc hoành hành dòng sông Bôi, chúng tôi đã phải nhập nhiều vai khác nhau, từ nông dân đến cán bộ đo đạc mở tuyến giao thông để lẳng lặng tiếp cận hiện trường.

Ruộng của người dân bị sạt lở nghiêm trọng do vàng tặc hoành hành
Ruộng của người dân bị sạt lở nghiêm trọng do vàng tặc hoành hành.

Toàn bộ máy ảnh, máy quay phim tạm thời bỏ xó, chúng tôi vào vai một nông dân với một chiếc cuốc trên vai, đi bộ qua cánh đồng chừng 300 mét mới tới được khu vực khai thác vàng. Đi hết cánh đồng lúa, ngô là dòng sông Bôi với những chiếc tàu lớn, máy xúc đang ầm ầm hoạt động như một đại công trường. Khi đã nắm bắt được địa bàn, hôm sau chúng tôi quay trở lại với máy quay phim được ngụy trang trong chiếc bao đựng phân bón có khoét một lỗ nhỏ và phải chụp ảnh bằng điện thoại.

Gần tới khu vực khai thác vàng, bỗng xuất hiện một người đàn ông chừng 45 tuổi cầm một chiếc gậy đi lướt qua. Nhận thấy dấu hiệu không an toàn, chúng tôi lập tức rút lui. Trên đường lùi, chúng tôi bị 2 người đàn ông cũng trạc tuổi 45 cản đường. Một người trong nhóm buông: “Vào đây làm gì”. Người còn lại nói: “Đây là chỗ làm ăn rồi, nó là sới, như sới bạc... đến đây là dân xã hội”.

Chúng tôi nhanh chân nhảy lên xe, đi được chừng 100 mét, lại xuất hiện người đàn ông khác xưng danh Trung còi: “Cần gì tụi mày gặp tao”. Đi hết con ngõ ra tới đầu đường nhựa có một người đàn ông mặc sắc phục công an xã. Sau khi tìm hiểu, các PV được biết vị cán bộ này là Trưởng Công an xã Mỵ Hòa. Điều đáng nói, trụ sở của UBND và Công an xã Mỵ Hòa chỉ cách khu vực khai thác vàng khoảng 400 mét.

Cơ quan chức năng nói gì

Phóng viên Tiền Phong làm việc với ông Vũ Chí Công, Phó trưởng phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) và ông Bùi Văn Dùm, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi về sự việc trên. Sau khi trưng ra những hình ảnh tại khu vực bãi vàng xã Mỵ Hòa, ông Bùi Văn Dùm xác nhận việc khai thác vàng trái phép trên địa bàn tồn tại từ đầu năm 2013. Huyện nhiều lần nhận được phản ánh của người dân và đã lập biên bản kiểm tra. Tháng 9/2013, ông Bùi Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã nhắc nhở UBND huyện Kim Bôi phối hợp với Sở TN&MT kiểm chỉ đạo không cho khai thác tận thu khoáng sản, ông Dùm cho biết.

Ông Dùm cho biết thêm, Nhà nước chưa cấp phép cho bất cứ đơn vị nào khai thác vàng trên địa bàn huyện Kim Bôi. Tất cả các đơn vị khai thác đều không có giấy phép và khai thác theo kiểu tận thu. Được biết, người dân xã Mỵ Hòa và xã Kim Bôi hầu hết là làm nông nghiệp. Khu vực thôn Đồng Hòa, Bôi Câu, My Đông thuộc xã Mỵ Hòa do bị sạt lở, nên cũng có người dân ủng hộ phối hợp với người có máy móc, kè lại bờ bao và tận thu vàng. Ông Dùm hứa với phóng viên, ngay ngày hôm sau (tức ngày 2/10) sẽ đình chỉ mọi hoạt động tại bãi vàng nằm trên địa bàn xã Mỵ Hòa và Kim Bôi và trục xuất phương tiện ra khỏi địa bàn huyện Kim Bôi.

Tại cuộc trao đổi với PV Tiền Phong, ông Dùm giao cho ông Vũ Chí Công cung cấp những biên bản đã xử lý vàng tặc trên địa bàn. Tuy nhiên, chúng tôi phải chờ gần 2 giờ đồng hồ, ông Công gọi điện cho “cố vấn” rồi mới đưa cho chúng tôi 2 biên bản kiểm tra, không có biên bản xử lý.

Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi Bùi Văn Dùm hứa sẽ trục xuất vàng tặc ra khỏi địa bàn trong ngày 2/10, tuy nhiên đến ngày 7/10, vàng tặc vẫn hoành hành trên sông Bôi, dẫn đến việc người dân bắt trói 6 cán bộ.

Người nhà Trưởng Công an xã liên quan

Theo điều tra ban đầu của Công an (CA) tỉnh Hòa Bình, khi CA tỉnh cử người kết hợp với CA huyện Kim Bôi xuống hiện trường giải quyết, một số người dân quá khích đã bắt trói 6 cán bộ, trong đó có 3 cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hòa Bình, 2 Công an huyện Kim Bôi và 1 cán bộ thôn Bôi Câu, xã Kim Bôi.

Người kích động bắt giữ các cán bộ được xác định là Bùi Văn Tươi, em trai Trưởng CA xã Kim Bôi. Trong nhóm người bị bắt giữ có ông Bùi Văn Hải, con rể Trưởng CA xã Kim Bôi. Nhóm ông Tươi đã thu giữ phương tiện của nhóm đào đãi vàng và bắt giữ ông Bùi Văn Dùng, trưởng thôn Bôi Câu. Báo cáo nhanh của UBND huyện Kim Bôi cho thấy, nguyên nhân chính vụ việc trên do mâu thuẫn về lợi ích trong đào đãi vàng của người nhà Trưởng Công an xã Kim Bôi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.