Tỷ phú tha hương

Tỷ phú tha hương
TP - Cơn bão Chan Chu kinh hoàng hồi năm 2006 khiến cả trăm trai biển vùng Bình Minh (Thăng Bình - Quảng Nam) tử nạn giữa trùng khơi Hoàng Sa.

> Ninh Bình sẵn sàng chống bão
> Hàng chục ngàn người sơ tán trước bão

Nỗi ám ảnh ấy đến tận bây giờ. Nhưng người Bình Minh không bỏ biển. Chỉ có điều họ “bẻ lái” cuộc mưu sinh sang hướng khác: xuất ngoại đánh cá.

Làng biển giàu lên nhanh chóng, kéo theo đó là những niềm vui, nỗi buồn và cả lo âu của câu chuyện lãng quên ngư trường.

Chủ tịch xã Bình Minh - ông Trần Công Minh không giấu được vẻ tự hào với những ngư dân xuất ngoại, sang Hàn Quốc, Malaysia làm nghề đánh cá: “Giàu có hết rồi, nhiều người đã là tỷ phú. Một số anh về, làm nhà to, mua ô tô. Phần lớn vẫn đang ở nước ngoài, tiền gửi về đều đều. Làng biển đã đổi đời, tìm được hướng đi mới”.

Ngư phủ lên đời

Anh Trần Công Vương trước ngôi nhà lớn
Anh Trần Công Vương trước ngôi nhà lớn .
 

Bờ biển Bình Minh buổi chớm trưa. Vắng vẻ, khác hẳn với cảnh nhộn nhịp thường thấy cách đây mấy năm của một làng biển vui vầy. Từng con thuyền im lìm, vùi mình trong cát, những chiếc thúng vứt chỏng chơ, vắng mùi tôm cá. Đó là bờ biển, còn phía sâu trong những ngôi làng, nhà tầng mọc lên san sát, đủ kiểu màu sắc hoa hòe, sặc sỡ cả vùng biển. Xe hơi chạy trên từng ngõ xóm. Karaoke, internet, cà phê nhạc dập dìu. Làng biển Bình Minh đã lên đời!

Căn nhà 2 tầng bề thế của anh Trần Công Khuyên ở thôn Tân An sừng sững nổi lên một góc làng. Hình ảnh mà cách đây mấy năm, ngư dân làng biển Bình Minh có nằm mơ cũng không thấy. Anh Khuyên vắng nhà, bận chạy xe dịch vụ cả ngày. Mấy người còn lại trong gia đình vẫn trung thành với nghề đan lưới. Từng tay lưới vây, rút chì nằm ngổn ngang trong sân. “Căn nhà là thành quả của anh tôi vất vả mấy năm ở xứ Hàn. Ảnh về được 3 năm rồi, ở nhà hẳn luôn, không đi nữa, mua ô tô chạy dịch vụ thuê cho người ta. Ô tô bốn chỗ, mới kít, chạy hợp đồng du lịch thôi. Cũng khá lắm” - chị Trần Thị Mai, em gái anh Khuyên bắt đầu câu chuyện.

Cha anh Khuyên, ông Trần Công Huỳnh, năm xưa là một ngư phủ khét tiếng xứ Bình Minh, có tàu lớn, kiêm thêm nghề đan lưới. Ông Huỳnh có cả thảy 6 người con, 3 trai 3 gái. Trai theo nghề biển, gái ở nhà đan lưới. Thuở hàn vi cách đây chục năm, cạy cục vay mượn, ông Huỳnh cùng 4 người bà con hàng xóm chung nhau đóng một con tàu lớn, quanh năm bám biển Hoàng Sa câu mực xà.

Năm 2006, hàng trăm con tàu vùng Đà Nẵng - Quảng Nam lâm đại nạn Chan Chu. Trong cơn hung hãn của bão biển, tàu của gia đình ông Huỳnh may mắn thoát nạn trở về. Ông bỏ hẳn đi biển, chỉ theo nghề đan lưới. Anh Khuyên, người chứng kiến sự may rủi vô lường của đời trai lênh đênh trùng khơi, tìm đường sang Hàn Quốc làm ăn. Lúc đầu làm ngư dân cho tàu nước bạn. Sau chuyển sang nghề cơ khí, xin được vào lắp ráp ô tô. Lương tháng 2 ngàn đô. Làm được 3 năm, anh trở về, dứt khoát không nối lại nghiệp biển. Trở về nhà với cọc tiền tỷ, anh giúp cha cất ngôi nhà to, bề thế nhất xã Bình Minh hồi đó. Đến giờ, cơ ngơi của anh Khuyên cũng chưa người nào sánh kịp.

Ông Huỳnh kể, 40 năm bám biển Hoàng Sa, từ đi làm thuê đến khi làm chủ, chưa ngày nào ông mơ đến ngôi nhà như thế. Quyết định cho con đi xuất ngoại quả là sáng suốt. Xây nhà được 2 năm, vẫn còn dư tiền, anh Khuyên mua ô tô 4 chỗ ngồi, giá 500 triệu đồng. Xe mới, cả thôn Tân An lác mắt. Anh Khuyên bỏ hẳn biển, cũng không sang Hàn Quốc nữa, chọn nghề chạy xe, hưởng an nhàn. “Trung bình mỗi ngày ảnh chạy dịch vụ 1 chuyến, có khi chạy luôn đêm, 3 - 4 chuyến. Ở nhà thì có nghề đan lưới, bán cho ngư dân” - chị Võ Thị Nam, vợ anh Khuyên kể.

Đi cùng đợt với anh Khuyên là anh Trần Công Vương, mới về nước cách đây 2 năm. Lúc đầu, anh Vương cũng sang Hàn Quốc đánh cá, rồi sau mon men xin được lên bờ làm cơ khí. Anh Vương may mắn hơn, xin vào được tập đoàn Deawoo, làm bộ phận lắp ráp ô tô. Sở trường nghề biển, nhưng chịu khó cần cù, lương tháng ở Deawoo cho anh Vương mỗi tháng 2 ngàn đô. Tằn tiện chi tiêu, sau 5 năm trở về, anh Vương có lưng vốn kha khá. Những ngày này, anh đang động thổ, mở quán cà phê, sát ngay bên ngôi nhà 3 tầng xây năm ngoái. Tất cả đều nhờ tiền từ ngày xuất khẩu lao động xứ Kim Chi. Vương và Khuyên chỉ là hai trong số hàng chục tỷ phú ngư dân trở về từ Hàn Quốc ở Bình Minh, hai người nay đã bỏ biển sau chuỗi ngày khiếp đảm giữa trùng khơi.

Tha hương

Ô tô không còn quá xa lạ trong nhà của ngư dân Bình Minh
Ô tô không còn quá xa lạ trong nhà của ngư dân Bình Minh.
 

Danh sách ngư dân xuất ngoại mà Phó Chủ tịch xã Bình Minh Trần Văn Tám cầm trong tay dài dằng dặc, cả trăm người. “Đây là diện đi chính ngạch, xã quản lý vì Trung tâm xúc tiến việc làm tỉnh đến làm việc, tuyển người đàng hoàng. Còn con số chỉ đến xã xác nhận, xong xuất khẩu sang Hàn, sang Malaysia bằng nhiều con đường khác, xã chưa thể nắm, con số này cũng nhiều”, ông Tám cho biết.

Ông Tám kể, phong trào xuất ngoại, sang Hàn Quốc, Malaysia làm nghề đánh cá của ngư dân Bình Minh manh nha từ sau cơn bão Chan Chu năm 2006. Tuy nhiên, năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 mới rầm rộ, khi nhiều ngư dân không còn mặn mà với việc đi bạn cho chủ tàu ở xã cũng như Đà Nẵng nên vay mượn ngân hàng, đặt tiền sang Hàn Quốc. Trong đó, thôn Tân An và thôn Hà Bình chiếm đại đa số. Đây cũng là 2 thôn có 95% người dân bám biển. Nhiều nhà có 3 - 4 anh em trai đều đi Hàn Quốc đánh cá thuê cả.

Hai anh em Nguyễn Văn Hải - Nguyễn Văn Tâm (Tân An), sinh cách nhau một năm, người 74, kẻ 75. Cùng sang Hàn Quốc ngày 10/6 vừa rồi, ôm theo giấc mộng đổi đời. Vợ anh Hải kể, làm thủ tục, thi đậu tiếng Hàn cách đây 1 năm, chờ mãi không thấy gọi, sau này mới biết, không qua “cò” thì không xong. Chạy vạy, vay mượn mãi được hơn trăm triệu, cộng với tiền bán con tàu còn dư. Cáp vô 200 triệu, được đi liền. Năm đầu coi như làm trừ nợ, sang năm mới dư giả được. Cả xã Bình Minh không ai lạ gì gia đình ông Nguyễn Đức Thanh (Hà Bình). Ông Thanh trước cũng là một lão ngư thiện nghệ. Cơn bão Chan Chu khiến cha con ông suýt mất mạng. Con tàu 600 triệu gần 300 mã lực vừa mới mua lập tức bị bán lại. Anh con trai cả Nguyễn Đức Minh đi làm bạn cho một tàu ở Đà Nẵng được 2 năm thì lên đường sang Hàn Quốc. Trước đó 3 năm, khăng khăng không chịu đi tài công cho tàu nhà, anh con trai thứ Nguyễn Đức Mẫn đã sang Hàn Quốc đánh cá thuê. Người em sau cùng là Nguyễn Đức Tiến, bây giờ mới 21 tuổi cũng xuất ngoại được 4 năm. Như vậy, trai tráng cả nhà ông Thanh đã xuất ngoại gần hết. Nhà ông Thanh vẫn cấp 4, nhưng rộng rãi thoáng mát, ngay mặt tiền. Ông có cả một dãy cửa hàng bách hóa cho vợ và đứa con gái bán buôn. Ông ngày ngày lái ô tô ra Đà Nẵng, vào Tam Kỳ chu du, kết hợp làm dịch vụ du lịch. Bà Nguyễn Thị Quý, vợ ông, nói: “Xe ô tô của thằng út đấy. Nó đi được 2 năm thì gửi 500 triệu về nhà, bảo mua ô tô mà đi. Hai thằng lớn thì gửi tiền về, cất riêng vào tài khoản. Sau này chúng nó về có vốn làm ăn. Tui không biết mỗi đứa được bao nhiêu, nhưng mỗi năm chúng làm độ 400 triệu. Cũng khá”. Tính sơ sơ, mỗi ngư dân nếu sang Hàn Quốc đánh cá 3 – 5 năm, giờ đây trong tài khoản ở quê nhà có khoảng trên tỷ đồng. Một con số mơ ước...

Còn nữa

Trên con đường từ thôn Hà Bình sang thôn Tân An, đi dọc mép biển, những ngôi nhà khang trang mọc san sát, nhiều nhà đang xây dựng dở dang. Mùa mưa bão tới, nhưng Bình Minh bây giờ quanh năm là mùa xây dựng. Tất cả đều là của Hàn Quốc gửi về đấy – anh Đức, cán bộ kinh tế xã đi cùng, nói. Những ngôi nhà miền chân sóng nơi đây, ít thì 500 – 700 triệu đồng, đẹp hơn, cao tầng thì trên tỷ, mặc nhiên không có bóng dáng đàn ông. Bởi những tỷ phú ngư dân đang lênh đênh bên xứ Hàn, trong căm căm lạnh của biển Hàn, mang giấc mơ đổi đời miệt biển miền Trung.
 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG