Cồn Cỏ, mắt thần mãi thức

Cồn Cỏ, mắt thần mãi thức
TP - Một sáng tháng Tư, tàu BP-301201 của Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đạp sóng thẳng tiến Cồn Cỏ...

> Ngày hội nhân ái ở Cồn Cỏ
> Đè sóng, cưỡi gió tuần tra thềm lục địa

Trên boong tàu, Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Quân Chính nhìn ra chấm xanh Cồn Cỏ, mà rằng, chỉ cách Cửa Việt 17 hải lý, Cửa Tùng 15 hải lý, Cồn Cỏ sẽ là hòn ngọc xanh tuyệt đẹp trên biển miền Trung và các nước trong Hành lang kinh tế Đông - Tây vươn ra biển Đông, và là một đỉnh của tam giác phát triển du lịch Cửa Việt-Cửa Tùng-Cồn Cỏ đã được hoạch định...

Nơi đảo xanh

Đã lâu lâu, tôi nhớ, nhân chuyến điền dã dài ngày vào miền Trung, Giáo sư (GS) Sử học Trần Quốc Vượng ghé thăm hai nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Quang Lập lúc đó là Tổng và Phó tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt đóng ở Thành cổ Quảng Trị.

Sau hồi trà dư tửu hậu, GS Vượng hé ra thông tin, khu vực Bến Nghè, Bến Tranh của Cồn Cỏ, các nhà khảo cổ học đã có những phát hiện mới nhất khi tìm thấy nhiều công cụ của người thời đá cũ cách đây hàng vạn năm.

Rằng, trong thời gian của những thế kỷ đầu Công nguyên Cồn Cỏ đã từng là địa bàn cư dân Chămpa đặt chân đến. Rằng, trong khoảng thế kỷ 17-18, trên con đường giao lưu buôn bán, cư dân Đại Việt cũng đã coi Cồn Cỏ là một điểm dừng.

GS khẳng định: “Cồn Cỏ được coi là dấu mốc để bắt đầu vẽ đường cơ sở của lãnh hải Việt Nam. Ðảo còn có tên khác như Hòn Cỏ, Thảo Phù, đảo Con Hổ hay Hòn Mệ với bao chiến tích anh hùng mà quân dân cả nước cũng như quân dân Cồn Cỏ đã lập nên trên hòn đảo này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại”.

Qua những tư liệu mà tôi biết được trước chuyến đi này thì Cồn Cỏ là khu bảo tồn biển đảo mới ở Quảng Trị. Với diện tích 230 héc ta, Cồn Cỏ là vùng biển có đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam hiện nay, với nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô là khu vực tập trung các bãi đẻ của nhiều loài hải sản quý, có giá trị kinh tế cao và đặc hữu.

Hơn hai năm trước, có ông Cố vấn trưởng Dự án Bảo tồn biển sau nhiều ngày ngụp lặn biển Cồn Cỏ đã sung sướng thốt lên “Ðáy biển Cồn Cỏ có rạn san hô tốt nhất trong các đáy biển tôi từng lặn khảo sát như Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Mun (Khánh Hòa), Côn Ðảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang). Thật thú vị, san hô đỏ lần đầu được tìm thấy ở đây”.

Cảng cá Cồn Cỏ
Cảng cá Cồn Cỏ.

Giám đốc Ban quản lý dự án Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ Nguyễn Hoài Nam say sưa lúc dẫn tôi cuốc bộ xuống âu tàu: “Cồn Cỏ như một tiền đồn giữa vĩ tuyến 17 trấn giữ phía Đông Tổ quốc. Không chỉ là hòn đảo nổi tiếng kiên cường thời đánh Mỹ, Cồn Cỏ còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung. Từ đảo Cồn Cỏ nhìn về phía Tây rờ rỡ màu xanh của rừng dương ven biển Cửa Tùng và bãi cát trắng phau trước thềm địa đạo Vịnh Mốc. Phía tây nam là bờ Bến Hải, xa nữa là dãy Trường Sơn.

 Bí thư Lanh bảo, Cồn Cỏ giờ đã có 19 cháu, là 19 hoa hướng dương của 13 đôi vợ chồng trẻ trên đảo. 

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi hải sản Quảng Trị Hoàng Đình Liên, góp chuyện: “Năm 1989, với đích làm phong phú thêm cảnh vật, môi trường trên đảo và cung cấp thêm nguồn thực phẩm cho đảo, Tỉnh đoàn Quảng Trị chở 4.000 cây dừa, tượng trưng cho 4.000 năm dựng nước và giữ nước ra trồng trên đảo. Nay dừa đã sum suê cây trái. Với tinh thần tự lực tự cường, các chiến sĩ canh giữ đảo còn trồng thêm rất nhiều loại rau, hoa và cây cảnh, mùa nào thức nấy, làm cho bộ mặt của đảo ngày mỗi tươi đẹp. Thế giới động vật trên đảo tuy không nhiều về chủng loại nhưng cũng khá độc đáo. Trên trời có cu cườm, chim én. Dưới đất có loài rắn lục xanh nhỏ, rất độc nhưng làm thuốc rất tuyệt. Nổi tiếng nhất vẫn là loài cua đá to gần bằng bàn tay, là nguồn thực phẩm dồi dào và quan trọng trên đảo. Ngoài biển thì có giống rắn biển, còn gọi là đẻn, dài chừng sải tay, độc không kém rắn lục, rượu ngâm đẻn làm thuốc chữa đau lưng mỏi cốt thì miễn chê. Cảnh quan trên đảo luôn được cải tạo. Từ một hòn đảo nhỏ bị bom đạn cày xới không thương tiếc, đến nay đã có rất nhiều ngôi nhà khang trang, có sân chơi thể thao, có đường cấp phối. Từ đảo có thể liên lạc dễ dàng với đất liền bằng điện thoại. Ông Nam bảo, tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng biển Cồn Cỏ ước đạt 40.000 tấn. Ðề án để Cồn Cỏ thành huyện đảo du lịch, chủ yếu du lịch lặn biển sẽ đầu tư từ nay đến năm 2020 gần cả ngàn tỷ đồng.

Lộc non giữa trùng dương

Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ Lê Quang Lanh dáng đậm, đen. Cánh báo chí thường đùa là ông chúa đảo.

Từ Bí thư Tỉnh Đoàn rồi Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Trị, xuống bến xa vợ con xa đất liền ra Cồn Cỏ từ ngày huyện đảo khai sinh 18/4/2005. Bí thư Lanh nhớ lại, năm 2002 có 46 đoàn viên thanh niên ra Cồn Cỏ lập nghiệp.

Huyện đã làm việc với T.Ư Đoàn lập dự án Làng Thanh niên phía Tây đảo cho 51 hộ theo quy hoạch huyện và của chương trình Đảo Thanh niên toàn quốc, trước mắt là 20 hộ, và T.Ư Đoàn đã phê duyệt dự án xây dựng hạ tầng cơ sở cùng 20 căn hộ ngót nghét chục tỷ đồng.

 Cháu Ngọc Ánh, công dân đầu tiên chào đời trên đảo
Cháu Ngọc Ánh, công dân đầu tiên chào đời trên đảo.

Cồn Cỏ giờ đã có 19 cháu, là 19 hoa hướng dương của 13 đôi vợ chồng trẻ trên đảo. Rồi Bí thư Lanh ví von, hình ảnh đáng yêu từ những trẻ thơ trong ngôi nhà mẫu giáo cứ đông dần lên như tiếp sức cho đảo nhỏ mỗi ngày.

Hôm ra Cồn Cỏ, ngẫu nhiên tôi gặp cuộc trùng phùng ấn tượng. Ấy là chuyện người cảm tử quân vận chuyển vũ khí ra bảo vệ thời đánh Mỹ nay đã ngoài 80, Nguyễn Văn Tống.

Bác Tống, người làng địa đạo Vịnh Mốc, ra đảo thăm con trai Nguyễn Quang Thánh. Thánh là một trong những trai trẻ đầu tiên tình nguyện ra Cồn Cỏ trong đoàn quân Tổng đội TNXP Quảng Trị với vai trò Trưởng làng thanh niên lập nghiệp. Cháu Dũng, con trai anh Thánh, chị Duyên sinh ra và lớn lên ở đảo. Chuyến ra Cồn Cỏ bữa đó của bác Tống làm cho hòn đảo nhỏ kiên trung giữa trùng khơi thêm đượm nồng ấm áp của ba thế hệ giữ gìn dựng xây đảo.

Thánh kể, sau mỗi ngày ra khơi, tàu thuyền đều ghé lại âu thuyền trên đảo. Hàng trăm ngư dân đủ giọng Bắc-Trung-Nam làm Cồn Cỏ ấm dậy. Bà con lắm lúc ghé đảo chả phải bởi gió bão mà để được ghé chân lên đảo cho đỡ nhớ đất liền.

Thánh kể, cháu Nguyễn Thị Ngọc Ánh, con của đôi vợ chồng trẻ Ái, Hiền là công dân đầu tiên chào đời trên đảo, năm 2003. Cả làng thanh niên lập nghiệp nước mắt sung sướng trước cảnh bé Ngọc Ánh oa oa tiếng khóc vào sáng nọ. Cháu trồng một cây xoài trong lon sữa nhỏ treo trước hiên nhà, suốt ngày lon ton chăm bẵm, tưới tắm. Cháu ước một ngày xoài lớn lên, cháu sẽ đem ra trồng trên ngọn đồi cao nhất ở đảo nhỏ mến thương này…

Vẹn nguyên mắt thần canh biển

Cồn Cỏ hầu như vẫn còn tinh nguyên hệ thống giao thông hào với những hơn hai chục cây số dựng bằng đá ong từ thời đánh Mỹ. Ngọn hải đăng sừng sững ở độ cao 63 m, từ đây bao quát toàn cảnh đảo kiên trung, chợt dậy về áng thơ Bác Hồ tặng đảo nhỏ anh hùng 44 năm trước, 5/6/1968, Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ . Trên đồi Hỏa Lực ở độ cao 37 m hiên ngang bất khuất dựng Đài liệt sĩ Cồn Cỏ cao hơn chục mét, tưởng niệm 94 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ Cồn Cỏ, từ liệt sĩ đầu tiên hy sinh ngày 14/3/1965, anh Nguyễn Minh Châu ở Quảng Xương, Thanh Hóa, đến liệt sĩ Nguyễn Văn Sang quê Vĩnh Thái, Vĩnh Linh, Quảng Trị tham gia trận đánh Mỹ cuối cùng, 20/5/1972. Máu xương của các anh đã góp phần rạng danh Quả đào tiên Cồn Cỏ, nơi từng được mệnh danh là Chiến hạm không bao giờ đắm trên Biển Đông, Con mắt thần của biển, nơi vinh dự hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG