> Những người cứu rỗi các sinh linh bất hạnh
Nghĩa trang Đồng Nhi, anh Phụng (trái) và anh Lễ thắp nhang cho các cháu. |
Những người chăm sóc hài nhi xấu số
Nghĩa trang TP Pleiku nhìn từ xa như thành phố của người chết với khoảng năm chục ngàn ngôi mộ, hầu hết được xây dựng khang trang, có nhiều mộ phần đến vài trăm triệu đồng.
Trong nghĩa trang TP Pleiku, có nghĩa trang Đồng Nhi-tên mà những người thu gom thai nhi đem về đây chôn cất đặt cho khu vực riêng biệt này, như xóm nhà lá bên thành phố ma. Những tấm lòng từ tâm gom góp để đủ dăm ba trăm ngàn xây nên một nấm mộ hài nhi cho khỏi nhầm lẫn ụ đất tháng năm mưa nắng bào mòn.
Tôi bước vào khu Trang thờ ở nghĩa trang Đồng Nhi, trang thờ chung duy nhất ở nghĩa trang TP Pleiku vừa để thắp hương, vừa tìm anh Phụng, anh Lễ những người chăm lo mộ phần ở nghĩa địa này.
Trang thờ rộng vài chục mét vuông, thoáng đãng và sơ sài, vừa làm nơi cho khách đến nhang khói nghỉ chân, vừa là địa điểm để những người hảo tâm chia sẻ gánh nặng dựng mộ phần hài đồng. Trang thờ có cụ bà tình nguyện đến lau chùi, dọn dẹp từ sáng sớm đến tối mịt mới về.
Trang thờ đơn sơ do những người hảo tâm tạo dựng. |
Anh Nguyễn Phước Phụng và Nguyễn Văn Lễ, hai người đàn ông hoàn toàn xa lạ, không họ hàng thân thích, không cùng máu mủ với hàng vạn hài nhi ở đây. Gần 10 năm nay các anh đã đi lượm xác các cháu về, tạo dựng chốn yên nghỉ cho các cháu, chịu trách nhiệm chăm sóc phần mộ các cháu.
Công việc xuất phát từ lương tâm, không tiền bạc, ép buộc. Tuy nhiên, họ không phải là những người đầu tiên tạo dựng nên nghĩa địa Đồng Nhi mà xuất phát từ 800 ngôi mộ vô danh do ông Đông, ông Phước lập từ năm 1992.
Ông Đông, ông Phước đều bận công việc không có thời gian phục vụ ở nghĩa địa như anh Lễ, anh Phụng, chỉ giúp tiền của. Bây giờ vợ chồng ông Phước chuyển hẳn vào TP Hồ Chí Minh nấu cơm, nấu cháo từ thiện cho người nghèo ở bệnh viện Ung Bướu.
Tôi làm sáng ăn chiều, chẳng dư dả gì, song giúp đỡ được các phần mộ vô danh ở đây, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa . Anh |
Anh Lễ, anh Phụng vừa làm thợ hồ thi công mộ phần cho người có nhu cầu ở nghĩa trang này, lấy phần dôi dư bù đắp cho các mộ phần không ai chăm sóc.
Anh Phụng bảo: “Tôi làm sáng ăn chiều, chẳng dư dả gì, song giúp đỡ được các phần mộ vô danh ở đây, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa lắm. Bà con đến thăm quyên góp cho được đồng nào, chúng tôi ghi chép cẩn thận, lấy tiền ấy xây mộ cho các cháu, đề rõ phần mộ do ai hiến tặng”.
Những ngày đầu làm việc thật khó khăn. Tiền mua tiểu sành để chôn bào thai cũng không có, các anh phải đi lượm từng cái lư hương người ta bỏ về để dùng. Dần dần, việc làm, sự hy sinh của anh được nhiều người biết đến và chung tay giúp đỡ phần nào.
Tại Trang thờ nghĩa địa Đồng Nhi có dòng chữ trang nghiêm: “Chúng con tha thứ cho cha mẹ”. |
Anh Phụng cho biết, gần 10 năm, anh tự tay an táng cho hơn 7 nghìn bào thai và chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Đôi bàn tay thô ráp của anh đã nâng niu, chăm chút, lau rửa cho biết bao bào thai một vài tháng hoặc đã, đầy đủ hình hài nặng 3-4kg mới qua đời còn nóng hổi.
Trước đây, nhiều cơ sở khám chữa bệnh phụ sản vứt bỏ thai nhi lung tung, có thai khi các anh nhặt được đã bốc mùi... Bây giờ số điện thoại của các anh có khắp nơi, hễ người lượm rác, anh xe ôm phát hiện, gọi, là nửa đêm gà gáy, anh cũng chạy đến mang đi chôn cất.
Mỗi ngày 12 giờ anh dành cho công việc thợ hồ tại nghĩa trang và cả việc thu lượm thai nhi. Chỉ khi mặt trời khuất núi, thành phố lên đèn, anh mới về với mái ấm của riêng mình, quây quần với vợ con trong bữa cơm tối. Thế nhưng, không phải bữa cơm nào cũng trọn vẹn, đôi khi nó bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại.
“Ngày nào cũng có trường hợp chôn cất hài nhi xấu số, bắt đầu từ mùng 2 Tết là có người gọi rồi!”-anh Phụng nói - “ Ẵm những đứa trẻ thứ nhất, thứ hai, thân còn nóng hổi, tôi nguyền rủa bố mẹ nó dữ lắm. Dần dần rồi thôi, thành chuyện bình thường. Chôn cất các em xong tôi thấy lương tâm mình thanh thản. Bởi việc mình làm hoàn toàn tự nguyện, không ai bắt làm”. Tại Trang thờ nghĩa địa Đồng Nhi này có dòng chữ trang nghiêm: “Chúng con tha thứ cho cha mẹ”.
Khóc cười những phận đời
Anh Nguyễn Phước Phụng cho biết: Hạnh phúc lớn nhất của anh khi làm công việc này không phải chỉ là chôn cất hàng ngàn hài nhi mà là cưu mang được 9 cảnh đời. Nào là trẻ vừa mới sinh đã bị mẹ bỏ, nào là trường hợp có bầu muốn phá nhưng thai nhi quá lớn, nhờ sự khuyên nhủ của các anh người mẹ đã giữ lại, sau khi sinh nở tìm cách cho đứa bé càng sớm càng tốt. Đa số các trường hợp mang thai ngoài ý muốn do thiếu hiểu biết, sinh hoạt tình dục thiếu an toàn.
Đứa bé đầu tiên anh nhận làm con nuôi vào ngày 27/11 âm lịch năm 2005. Đang làm phụ hồ xây mộ trên nghĩa địa, anh nhận được điện thoại của người lạ: “Anh có phải chuyên xin em bé không, xuống bệnh viện tỉnh có người cần cho”. Nghe thế, anh gọi cho mạnh thường quân là ông Phước, người có nhiều kinh nghiệm trong việc nhận em bé từ những người mẹ muốn bỏ con.
Hai người đàn ông đến bệnh viện gặp cô gái nói tiếng miền Nam song lại khai sống ngoài Bắc. Cô vừa sinh xong, một thân một mình ở bệnh viện. Cô bảo muốn giao đứa bé cho 2 chú.
Rồi cô xin: Chú cho con một triệu đồng trả tiền viện phí, một triệu đồng mua thuốc men, một triệu đi xe về, một triệu bồi dưỡng sau khi sinh… Ông Phước cắt ngang: Thôi được, tôi cho cô 5 triệu đồng nhé, cô không nuôi thì giao cho chúng tôi.
Cháu bé ẵm về, anh Phụng nhận làm cha nuôi của cháu, đặt tên là bé Triệu, gởi vào chùa Bửu Sơn (TP Pleiku) nhờ các sư cô nuôi, năm nay bé Triệu đã học lớp 2.
Chị nọ từ quê lên Pleiku bán vé số. Không biết lời lỗ dành dụm được bao nhiêu tiền song cứ vài năm bụng lại lùm lùm. Nghe có người giới thiệu anh Phụng hay giúp người lầm lỡ, chị gọi điện thoại bảo: “Em sắp đẻ, hoàn cảnh em khó khăn quá, không có tiền thuê nhà, nhờ anh giúp”. Hỏi khi nào sinh, chị bảo 1 tháng nữa.
Nghĩ rằng sau khi sinh chị ta cho con, rồi phần mình lo liệu được, anh thuê nhà trọ cho chị ở, một tháng, hai tháng , ba tháng trôi qua cũng không thấy sinh, hỏi vì sao lâu vậy, chị trả lời không biết nữa! Phải gần 4 tháng sau chị mới sinh hạ.
Ra bệnh viện, bác sĩ bảo đây là lần sinh thứ 3, phải sinh mổ lần 2 khuyên nên“đoạn sản”. Nhìn quanh quẩn chỉ mình anh đưa chị ra phòng sinh, vậy là anh đặt bút ký cam kết cho đoạn sản. Đứa bé sinh xong, cũng như những đứa trước, chị ta lại “cho” con, lấy ít tiền bồi dưỡng và trả viện phí.
Có trường hợp khác, lúc đầu người mẹ muốn sinh xong rồi cho con về một mình, song khi sinh bé ra thấy con tội nghiệp, người mẹ quyết giữ lại, anh Phụng lại nhờ vợ ra nuôi giùm...
Có cô sinh viên một trường cao đẳng ở Pleiku biết mình dính bầu, lúc đó đã là tháng thứ 2, bạn trai cũng sinh viên liền “tẩu vi thượng sách”. Đi khám, bác sĩ bảo cần 1,2 triệu đồng chi phí phá thai.
Cô mượn bạn bè đủ tiền, ra phòng khám thì cái bầu đã sang tháng thứ 4 muốn phá phải tốn hơn 4 triệu. Không có tiền, cô sinh viên đành chấp nhận chờ đẻ rồi bỏ đứa bé lại.
Gặp anh Phụng, cô than: “Chú cứu cháu với, cha mẹ cháu cho cháu xuống đây ăn học chứ không cho tiền xuống đây ăn đẻ. Nhà cháu mà biết được chắc cháu chết”. Anh cưu mang cô, sau khi mẹ tròn con vuông, nhận cháu về cho người khác làm con nuôi, anh mới hết trách nhiệm.
Cho đến nay anh có tất cả 9 đứa con nuôi, có 5 đứa đang nhờ các sư cô chùa Bửu Sơn chăm sóc, 4 đứa có người hiếm muộn tới nhận làm con.
Anh Lễ, anh Phụng cho biết ở TP Pleiku bình quân mỗi ngày có 3-5 thai nhi bị phá bỏ, chuyển cho các anh mai táng. Đa số đối tượng dính bầu ngoài ý muốn còn rất trẻ, thường là học sinh, sinh viên, hoặc những người có thu nhập rất thấp, làm gái bao, bán vé số, phụ hồ… Có cô bé 13 tuổi đầm đìa nước mắt lấy từ cặp sách đi học ra một túi ni lông trong đó chứa “sản phẩm” vừa mới giải quyết xong: “Nhờ các chú chôn hộ”. Một đôi bạn khác vừa đưa cho các anh bịch “sản phẩm” của mình, 3 ngày sau lại chở tới đưa thêm một bịch thai nhi của cô bạn vừa phá bỏ.
Đã trưa, tôi chuẩn bị rời nghĩa trang Đồng Nhi thì một đôi nam một nữ bước vào, thắp nhang thành kính, cả hai đều mặc đồng phục học trò. Đã đưa nhau đến đây, ra về chắc rằng các em sẽ biết sống có trách nhiệm hơn với
cuộc đời?
Thanh Minh Quý Tỵ 2013