A lô! 115 xin nghe!

A lô! 115 xin nghe!
TP - Tai nạn giao thông, đột quỵ, mổ ruột thừa, đau đầu hay thậm chí con lười ăn, chó đẻ,… người ta đều có thể gọi 115 để cấp cứu hay chỉ đơn giản là... thích. Phóng viên Tiền Phong đã đi cùng với y, bác sỹ Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội suốt nhiều ngày.

Nghe đủ chuyện trên đời

Chuông điện thoại đổ, “Alo, 115 xin nghe”, “Chị ơi, con chó nhà em đang đẻ, nhưng chưa ra, 115 cho xe cấp cứu đến gấp”, chị Nguyễn Thị Loan, nhân viên trực điện thoại của Trung tâm cấp cứu 115, lắc đầu dập máy.

Những cuộc điện thoại như thế gọi đến đã trở nên quá quen thuộc. Mỗi ngày đường dây 115 nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, nhân viên túc trực 24 /24h để lắng nghe thông tin cần cấp cứu. Mỗi cuộc điện thoại đến là một câu chuyện.

Người rỗi hơi, không có việc gì làm thì gọi cho 115 để “tâm sự”, kẻ ác ý gọi xe cấp cứu chỉ để trêu đùa cho vui, rồi ai đó muốn xả stress cũng gọi 115 để... chửi. Có kẻ chửi khoẻ đến mức nói từ 8h sáng đến 8h tối. Có những phụ huynh vì con lười ăn đã gọi 115 để dỗ. Một lần chị Loan vừa nhấc máy thì đã nghe đầu giây bên kia: “Nào, con ăn đi nào, để mẹ gọi cấp cứu cho con nhé”.

Gần chục năm gắn bó với đường dây nóng 115, hễ nhấc máy lên là cất tiếng: “Alo 115 xin nghe”, nên không biết bao nhiêu lần bạn bè, người thân gọi vào điện thoại di động của Liên phải bật cười vì câu nói: “Alo 115 xin nghe”. Liên bảo nó như là thói quen, phản xạ đã ăn sâu trong đầu.

Nguyễn Thị Liên là y tá kiêm trực tổng đài đã có 8 năm gắn bó với Trung tâm, quá nửa số thâm niên đó Liên đón giao thừa cùng đồng nghiệp và bệnh nhân. Gọi là đón giao thừa nhưng chẳng ai khi đó nhớ được đang là thời khắc thiêng liêng của đất trời bởi họ còn mải giành giật sự sống cho người bệnh.

Ngày mới vào làm, Liên uất nghẹn bởi những cuộc gọi điện đến 115 chỉ để nói rất tục. Hay những lần cứ nửa đêm lại có giọng nam thanh niên gọi đến cười cợt, trêu chọc, nói lảm nhảm.

Sau này, một phụ nữ đứng tuổi gọi lại xin lỗi và cho biết cậu con trai bà vốn mắc bệnh tâm thần, chỉ nhớ được số điện thoại 115 nên hay làm phiền. Liên cũng không hiểu nổi vì sao mỗi ngày có tới hàng trăm cuộc gọi đến chỉ chờ người trực tổng đài 115 nghe là đầu dây đằng kia bỏ máy.

Trong những chuyến xe đi theo cuộc gọi của người nhà bệnh nhân không ít chuyến lại trở về vì không có bệnh nhân nào chờ họ. Đến giờ Liên và đồng nghiệp cùng trực đã quá quen những chuyện đó, nhưng những cô gái trẻ ấy vẫn ao ước giá như trong hơn 1.000 cuộc điện thoại gọi đến mỗi ngày bớt những trò đùa ác ý ấy thì công việc của những người như Liên sẽ bớt đi căng thẳng và mệt mỏi.

Đưa người bệnh lên xe. ảnh: minh đức
Đưa người bệnh lên xe. ảnh: minh đức.

Bác sỹ Nguyễn Trí Đức, người có thâm niên nhất ở Trung tâm cấp cứu 115 bức xúc: “Họ cứ gọi như thế, chiếm mất đường dây của người dân có nhu cầu cấp cứu thực sự, như thế khác nào giết người không dao, nhưng không có chế tài gì để xử lý. Muốn hạn chế tình trạng này, tôi đề nghị thu phí điện thoại 115”.

Sàng lọc lại, mỗi ngày 115 nhận được khoảng 70 -80 cuộc điện thoại cấp cứu người thật việc thật. Gần như sau khi nhận được tin từ những cuộc điện thoại đó, những chiếc xe cấp cứu lập tức rú còi lên đường.

Khi bệnh nhân khiến bác sỹ phải... cấp cứu

Tôi theo bác sỹ Nguyễn Đức Hoàng cùng lên xe cấp cứu sau khi nhận được điện thoại báo tin trên phố Đặng Thái Thân có người đang bị hôn mê. Xe lao đi và chỉ sau 5 phút đã đến đúng địa chỉ, người nhà bệnh nhân đợi sẵn, bác sỹ Nguyễn Đức Hoàng cùng y tá xách vali đồ nghề bước vội vào ngõ.

Trong căn hộ chung cư tầng 1, một ông cụ nằm bất động trên nền nhà, bên cạnh cô bé giúp việc ngồi khóc. Ông cụ lăn ra bất tỉnh khiến cô bé ở quê mới lên này hoảng hốt không biết xử trí ra sao. Sau khi xác định ông cụ bị tai biến mạch máu não, bác sỹ Hoàng và cô y tá để ông cụ nằm nguyên tư thế, làm các thao tác sơ cứu rồi đưa lên cáng chuyển ra xe.

Từ trong ngõ ra tới xe cấp cứu cũng khoảng nửa cây số. Khi ông cụ đã được chuyển lên xe, cô y tá mặt mũi tái nhợt, trán đẫm mồ hôi. Nếu phải cáng đi vài cây số có cảm giác cô y tá cũng cần được... cấp cứu. Nhưng đối với kíp trực này, đây là một ca cấp cứu khá “dễ thở”, nhờ họ đến kịp, ông cụ đã được cứu sống.

Hơn 6h sáng, nhận cuộc điện một phụ nữ 62 tuổi cần cấp cứu, kíp trực bỏ bữa sáng lao vội ra xe. 10 phút sau có mặt tại địa điểm được thông báo. Bệnh nhân đang lên cơn cao huyết áp, đau nhức vật vã, không tự ngồi dậy được. Những thao tác rất nhanh, một mũi tiêm phòng tai biến mạch máu não được tiêm cho bệnh nhân. Kíp trực hôm đó gồm y tá và bác sĩ đều là nữ nên việc vận chuyển bệnh nhân từ tầng 2 ra xe cứu thương vô cùng vất vả. Không thấy ai trong số họ than mệt một lời, dường như tất cả tập trung cao độ để cấp cứu cho bệnh nhân và trấn an người nhà bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Đức Hoàng cấp cứu bệnh nhân. ảnh: Th
Bác sĩ Nguyễn Đức Hoàng cấp cứu bệnh nhân. ảnh: Th.

Có những ca cấp cứu mà bác sỹ vừa cứu chữa cho bệnh nhân lại vừa nghe… chửi. Bác sỹ Nguyễn Văn Chánh, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 tâm sự: “Bị người nhà bệnh nhân chửi mắng là chuyện bình thường. Tâm lý của họ bao giờ cũng muốn xe cấp cứu đến ngay. Nhưng đường phố Hà Nội mà đi vào giờ tan tầm thì làm sao có mặt ngay được. Vừa thấy mặt bác sỹ, có người mắng: “Gọi nửa tiếng rồi sao bây giờ mới vác mặt tới”. Hay khi đang cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông, cho dù họ bị gãy xương sườn, xương đùi... thì vẫn phải phải theo nguyên tắc đo huyết áp, tiêm thuốc giảm đau, chống sốc, nẹp cố định rồi mới đưa lên xe cấp cứu. Người nhà cứ tưởng bác sỹ vô cảm hay cố ý vòi vĩnh mới “câu giờ” như thế. Chúng tôi cũng thông cảm cho tâm lý của họ nên lúc đó chỉ tập trung vào chuyên môn thôi”.

 Có những ca cấp cứu mà bác sỹ vừa cứu chữa cho bệnh nhân lại vừa nghe… chửi.

Bác sỹ Nguyễn Trí Đức vẫn nhớ lần cấp cứu cho một lái xe bị bệnh tâm thần. Anh lái xe bị trói lại để bác sỹ đưa đi bệnh viện. Nhưng anh này giỏi võ đã bung người đá mạnh vào bác sỹ Nguyễn Trí Đức khiến bác sỹ bị gãy xương sườn.

Tình huống thật tréo ngoe: Bác sỹ đi cấp cứu cho bệnh nhân, nhưng bệnh nhân lại làm cho bác sỹ phải đi cấp cứu. Chuyện xảy ra đã lâu mà bác sỹ Nguyễn Trí Đức không quên được.

Có những lần đi cấp cứu, bác sỹ cũng rơi nước mắt. Nhận được điện thoại báo tin có ca cấp cứu ở cầu Thăng Long, bác sỹ Nguyễn Đức Hoàng lên đường. Tới địa chỉ, chỉ thấy một chiếc túi treo trên thành cầu, chơi vơi giữa sông Hồng, trong gió lạnh mùa đông. Bác sỹ Hoàng mở ra và gai người khi thấy một hài nhi đỏ hỏn đang thoi thóp thở, kiến đã bâu đầy mặt. Hài nhi tím tái được đưa ngay lên xe cấp cứu. Làm nghề y lâu năm, vốn đã quen với những cảnh tượng đau lòng nhưng bác sĩ Hoàng vẫn không cầm được nước mắt khi bắt những con kiến đang bò vào tai, vào mũi hài nhi. Hài nhi bị bỏ rơi được đưa tới Bệnh viện Nhi T.Ư và ở đó em sẽ có một chốn nương thân.

Nhưng vài lần, khi bác sỹ 115 đến nơi thì đứa trẻ bị bỏ rơi đã chết. Vì đói, vì lạnh, vì đủ thứ lý do khác mà một hài nhi mới ra đời không thể nào nhìn ánh mặt trời khi bị bỏ ra đường, bỏ vào thùng rác hay gầm cầu thang chung cư.

Bác sỹ Nguyễn Đức Hoàng vẫn nhớ trường hợp một cô giúp việc cho tới lúc đau đẻ thì chủ nhà mới biết là có bầu. Xe cấp cứu đến nơi, đỡ đẻ cho cô ngay tại nhà chủ. Đẻ xong khi bác sỹ đang ẵm con thì mẹ đã biến mất, cả chủ nhà và bác sỹ đều ngơ ngác...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG