Xuân Ba viết về... Xuân Ba

Xuân Ba viết về... Xuân Ba
TP - Biết NSƯT đàn bầu Đặng Xuân Ba cũng đã lâu. Ông nhạc sĩ chuyên về dòng nhạc dân tộc này hẳn là người của công chúng? Có đến lắm người biết tiếng nhưng chưa tường mặt. Hồi người viết bài này chẳng may bị tai nạn phải điều trị dài ngày, một bữa NSƯT Xuân Ba dẫn theo bà vợ đến nhà. Bày ra những cân đường hộp sữa cùng mấy cái phong bì, ông cười: Nhầm. Nhầm tai hại ông ạ. Người ta tưởng Xuân Ba đàn bầu bị tai nạn...

> Bí mật căn hầm dưới trụ sở báo Tiền Phong thời B.52
> Con trai giáo sư Từ Giấy và 'cẩm nang đỏ' (kỳ 3)

Thi thoảng lại một cú điện thoại thình lình. Mở ra là tiếng cười hì hì lành lành quen thuộc của Xuân Ba bắt tôi phải chuyện với vị nào đó mà mình chẳng quen.

Hóa ra đầu dây bên kia vừa diễn ra kiểu, cảnh mà tôi vẫn thường gặp đại loại. Bạn tôi giới thiệu đây là Xuân Ba.

Tức thì người mới gặp vồn vã xin chào nghệ sĩ! Nghe tiếng đàn bầu mãi bây giờ mới biết mặt làm tôi phải mất công cải chính này khác... Cũng na ná như hoàn cảnh nào đó khi người mới quen của NSƯT xởi lởi Xin chào nhà báo vậy!

Có mấy bận nhung nhăng đâu đó ở chốn ăn nhậu thì đụng NSƯT Xuân Ba. Ở tuổi 72 nhưng ông ngó còn phong độ nom chỉ nhỉnh hơn ngũ tuần chút chút. Về hưu đã lâu, chả ai khiến và bắt ông cả nhưng ông quen lệ xách đàn bầu đàn nguyệt theo lũ đàn em. Vừa khuây khỏa lại cũng vừa có thu nhập.

Có lẽ ít thực khách biết rằng cái ông chơi đàn nguyệt, đàn bầu trong góc kia thời Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng tiếp khách ngoại quốc kiểu gì cũng cho mời ông tới.

Những luyến láy cùng tiết tấu nao lòng của ngón đàn bầu, đàn nguyệt đã gây ấn tượng và tình cờ anh nhạc công Xuân Ba được bắt tay chụp ảnh với những quan khách ngoại quốc như Vorosilov (Liên Xô), Suharto (Indonesia), Kim Nhật Thành, Xuphanuvong vv... Và có những thính giả không phải là quan khách.

Đêm 18-12-1972, Thành phố Hà Nội có cuộc gặp thân mật với ca sĩ người Mỹ Joan Baez khi đó đang lưu trú tại khách sạn Metropol. Ca sĩ Joan Baez được mệnh danh “bà hoàng của nhạc dân gian truyền thống”.

Hai người đẹp Jane Fonda (trái) và Joan Baez đã từng nghe Xuân Ba đánh đàn
Hai người đẹp Jane Fonda (trái) và Joan Baez đã từng nghe Xuân Ba đánh đàn.

Bằng giọng hát, chiếc guitar và nhiều bản nhạc huyền thoại như With God on your side của Bob Dylan, Joan khiến thế giới điên đảo. Nổi tiếng vào năm 18 tuổi, ba năm sau Joan sánh vai với mục sư Martin Luther King trên bìa báo Time. Joan Chandos Baez cũng là một nhà hoạt động nhân quyền, hoạt động xã hội vì công lý và hòa bình.

Có thể ngôn ngữ bất đồng nhưng giới ca sĩ nhạc sĩ dường như có lộ trình rất ngắn để tìm được tiếng nói chung. Sau các tiết mục sở trường đàn bầu đàn nguyệt của Xuân Ba, ca sĩ Joan tò mò muốn thử âm thanh guitar của mình để hòa với tiếng đàn bầu Xuân Ba thì đột nhiên chói gắt âm thanh còi báo động.

Thời khắc đó không ai nghĩ rằng Nixon đang khởi đầu những giai điệu đầu tiên của bản trường ca chết chóc Linebecker II úp chụp xuống Hà Nội bằng Pháo đài bay B52.

Tất cả nhanh chóng xuống hầm. (Cái hầm trú ẩn trong khách sạn đã bẵng đi gần 40 năm, vừa qua tình cờ phát lộ khiến hậu thế ngạc nhiên lắm lắm?). Căn hầm này nhang nhác như căn hầm trong Phủ Chủ tịch mà Xuân Ba có dịp trú trong lúc báo động khi biểu diễn cho khách nước ngoài nghe.

Mấy năm trước, tại căn hầm ở Khách sạn Metropol này buổi biểu diễn cho ngôi sao điện ảnh Hollywood Jane Fonda giữa chừng thì báo động. Xuân Ba cũng xuống căn hầm này cùng ngôi sao điện ảnh thế giới lừng danh.

Sau này dẫu có lúc nào đấy đôi hồi cấn cá điều gì đó, ngôi sao Hollywood từng 2 lần giành giải Oscar này cũng phải đậm trong tâm trí những đêm mất ngủ vì báo động và liên tục những đợt bom Mỹ xé toang không gian Hà Nội.

Liệu một trong 100 ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất mọi thời đại, Jane Fonda có còn nhớ bản nhạc Sông Hồng và Ru con mà người nhạc công đàn bầu Việt Nam chơi cho Jane Fonda nghe mùa hè năm 1967?

... Đèn điện bỗng tắt phụt. Căn hầm rung rinh chao đảo. Có tiếng thút thít của phụ nữ. Hình như Ioan? Mặc dù ca sĩ Joan Baez có mấy phụ nữ Việt phục vụ, chăm sóc động viên nhưng Xuân Ba vẫn hướng về cô ca sĩ và nói với người phiên dịch đại ý Joan đừng sợ.

Có tiếng cảm ơn khe khẽ. Trong bóng đêm, Xuân Ba có cảm giác người phiên dịch đang nói về mình? Người phiên dịch vắn tắt, ở Hà Nội có 2 anh em ruột đều thạo món nhạc cụ dân tộc đàn bầu và đàn tranh.

Người anh là nhạc sĩ Xuân Khải và người em đang ở căn hầm này. Không chỉ là nhạc công mà cả hai cùng là nhạc sĩ là tác giả của nhiều bản nhạc... Một thoáng Xuân Ba nhớ lại bản nhạc viết cho đàn bầu Tình quân dân năm 1962 của mình.

Người Hà Nội đã quá quen thuộc với bản này do chính tác giả trình bày. Năm 1968, một đoàn ca múa nhạc gần 40 người được cử sang Paris biểu diễn. Có chương trình phục vụ Đoàn đàm phán hòa bình của ông Xuân Thủy.

Tất nhiên không thể thiếu vắng tiết mục đàn bầu trong đó có Tình quân dân. Nhưng Xuân Ba không ở trong danh sách đoàn đi. Có người rỉ tai anh, tại cái thành phần của cậu. Xuân Ba thoáng sững buồn. Cụ thân anh là lý trưởng.

Nhưng nói như thế nào nhỉ? Bây giờ đích thị người ta gọi là nhà văn hóa. Cụ thạo cả nho, y, lý, số. Lại là người mê chầu văn. Nhất các ngón đàn nguyệt, cụ thạo lắm.

Dường như những ngón đàn của ông thân đã lây ngấm sang hai cậu con trai Xuân Khải, Xuân Ba? Trở lại với lần lưu diễn ở Paris, âm thanh Tình quân dân vẫn luyến láy rộn ràng ở kinh thành ánh sáng nhưng may mà qua một tay đàn cự phách khác, nghệ sĩ đàn bầu Bá Phổ!

Nhưng cái đêm ở hầm trú ẩn KS Metropol, dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho cô ca sĩ phản chiến. Qua đài báo, Xuân Ba được biết, giữa Hà Nội đạn bom Joan Baez đĩnh đạc tuyên bố đứng về phía Hà Nội bằng tiếng hát.

Những ngày B52 ấy, Joan từng hát cho cán bộ phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt có chương trình Joan hát cho tù binh phi công Mỹ đang bị giam giữ tại Hỏa Lò trong Noel và năm mới.

Những ngày đêm B52 cũng là thời gian Đoàn ca múa Hà Nội của Xuân Ba đóng quân tại Văn Miếu. Tinh thần có lệnh là đi, sẵn sàng phục vụ các lực lượng bảo vệ bầu trời Hà Nội.

Rồi kế đó, Hiệp định Paris. Văn Miếu chiều ấy bỗng nghiêm cẩn bởi có lính gác. Đoàn ca múa Hà Nội được lệnh sẵn sàng biểu diễn. Nhắc thêm, tiết mục của Xuân Ba phải chuẩn bị kỹ... Một đoàn người com lê màu sẫm, sơ mi trắng, cà vạt màu ấm xuất hiện trước Miếu Văn. Liên Xô! Liên Xô...

Trong Đoàn ai đó nói nhỏ. Nhưng diễn cho khách nước ngoài nhiều lần trong đó có người Nga Xô Viết, ông nhạc sĩ đàn bầu thấy đoàn người này, tất thảy dáng thẳng người thon.

Xuân Ba ngờ ngợ hình như đã gặp ở đâu? Phải rồi có khi là phi công Mỹ? Mà đúng thật. Sau này cả đoàn ca múa mới biết, đám phi công Mỹ này sắp được về nước qua đợt trao trả đầu tiên. Họ được phép tham quan Miếu Văn và nghe nhạc dân tộc.

Chao ôi có một thời lạ, vui đáo để! Tại Hà Thành, ông Kisinger, đối thủ mấy năm đằng đẵng cam go quanh bàn tròn Paris nhậu rượu nếp cái hoa vàng nước Nam do đối thủ Lê Đức Thọ đãi. Còn ở Miếu Văn, phi công thả bom xuống Hà Nội thì được nghe đàn bầu đàn tranh quốc hồn Việt!

Buổi ấy, ngoài những bài tủ, ngón tủ, Xuân Ba mạnh dạn thực hiện một ngẫu hứng. Có một ca khúc nước ngoài rất thịnh hành mà trẻ con Hà Nội nhại là Tube Sông Hồng có những câu ngộ nghĩnh từ Washington tôi lái chiếc F4H rơi xuống sông/ Hồng nữ dân quân tay vắt thừng tay trói tôi/ Trên chiếc xe trâu tôi về khách sạn Hilton...

Giai điệu cùng âm hưởng bài hát dào dạt rộn ràng Văn Miếu chiều xuân lạnh. Thôi thì khách lẫn chủ vỗ tay hưởng ứng cứ ràn rạt!

... Chuyện về những năm tháng gian khó, ông nghệ sĩ đàn bầu phải đi buôn chó để mưu sinh. Chả ai nhận ra ông. Cũng chẳng ai gọi ông đàn bầu Xuân Ba mà cứ thọn lỏn này chó ơi... Rồi dạo Ban nhạc có cái tên rõ kêu Trăng Tây Hồ do ông sáng lập ế khách.

Nhiều buổi cả bọn nằm khan ở Chòi ngắm sóng của nhà thơ Phùng Quán nghe thi sĩ Phùng Quán và Hoàng Cầm đọc thơ, nghe ông bạn già Nguyễn Hữu Đang của Phùng Quán kể chuyện. Bù lại các đấng ấy cũng được nhóm Trăng Tây Hồ đàn hát cho nghe.

... Quán xá Hà Thành mà có cuộc vui, thực khách khi hững hờ lúc chăm chú về phía một người đàn ông rất khó đoán tuổi thường ăn vận tươm tất, khuôn người vậm vạp, trắng trẻo, hơi hoi hói, người đó đích là NSƯT đàn bầu Xuân Ba.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG