> Kỳ 2: Từ nơi này, Vũ Xuân Thiều đã vút lên
> Kỳ 1: Chuyện với tướng quân Phùng Thế Tài
“Thằng Đễ vừa đánh bom Tân Sơn Nhất”
Sinh thời, tôi may mắn được hầu chuyện vị GS từng được thế giới vinh danh một trong 20 người là huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới. Gần GS có cảm giác như sự hằng sống nhọc nhằn dưới trần thế này dường như là vưu vật là quà tặng của tạo hóa vậy! Uyên bác nhưng nhẹ nhàng thâm thúy, hài hước...
Tóm lại GS rất có duyên khi chuyển hóa các chuyện lớn thành nhỏ và nhỏ coi như chả có gì! Chả trách ngày trước GS là Tổng biên tập tờ Vui Sống của Vệ quốc quân nhà ta suốt từ năm 1947 đến năm 1953, rất được bộ đội ta gắn kết.
Rồi thương hiệu phong lương khô N1, N2 mà GS là tác giả để lại cho một thế hệ Việt trận mạc bao mến nhớ, gẫm suy... Rồi thời gian khó và ngay đến cả bây giờ, mô hình VAC (Vườn Ao Chuồng) người ta vẫn không quên ông là tác giả!
Có nhiều ông con cả đời hì hụi nhưng khó vượt thoát những bóng rợp danh tiếng của các thân phụ vô tình giăng ra. Nhưng mạo muội nghĩ, lịch sử chiến đấu của không quân Việt Nam chả thể thiếu tên tuổi của Từ Đễ.
Đêm 18-12-1972, sân bay Kép bị máy bay F111 ném bom tơi tả hòng chặn Mig 21 của ta cất cánh, đánh B52. Lệnh trên bằng mọi giá, Mig phải cất cánh bằng đường băng phụ của sân bay. Đường băng phụ được chắp vá sữa chữa khẩn trương.
Từ Đễ, trong đội hình Tiêm kích 923, trực tiếp chỉ huy cất cánh hạ cánh đã hướng dẫn anh Duy (sau này là Đại tá, Trưởng phòng Quân huấn Quân chủng PK- KQ) nhận lệnh xuất kích bằng Mig 21 và cất cánh từ đường băng phụ với 2 tên lửa và 1 thùng dầu phụ 490 lít.
Đây là kỳ tích trong không quân, đến nay chưa ai thực hiện được trong điều kiện đường băng phụ chỉ rộng 16m và dài 1.500m…
Đây là kỳ tích trong không quân, đến nay chưa ai thực hiện được trong điều kiện đường băng phụ chỉ rộng 16m và dài 1.500m… Khi chiếc Mig hạ cánh an toàn, tất cả chuyên gia kỹ thuật, kể cả chuyên gia Liên Xô chỉ biết lắc đầu, không hiểu nổi vì sao lại có thể thực hiện những lần cất cánh kì lạ như vậy! |
Khi chiếc Mig hạ cánh an toàn, tất cả chuyên gia kỹ thuật, kể cả chuyên gia Liên Xô chỉ biết lắc đầu, không hiểu nổi vì sao lại có thể thực hiện những lần cất cánh kì lạ như vậy!
Ba năm sau, chiều 28-4-1975, trong đội hình 5 chiếc máy bay A37 vừa thu được của địch, Từ Đễ bay số 2, Nguyễn Thành Trung bay số 1, người lính ngụy hàng binh Nguyễn Văn On bay số 5 đeo nặng bom lặc lè từ sân bay Thành Sơn Phan Rang bổ nhào xuống Tân Sơn Nhất.
Những tiếng nổ kinh thiên động địa chiều ấy do 5 chiếc A37 tạo nên đã góp phần đắc lực cho cuộc cáo chung một chế độ.
Thời điểm đó, GS Từ Giấy đang công tác ở Tổng cục Hậu cần phụ trách một đoàn cán bộ lo việc quân nhu, quân y, xăng dầu, vận tải... chi viện cho chiến trường.
Tại sở chỉ huy tiền phương, ông Đinh Đức Thiện nghe được tin báo mừng quá không giấu được đã reo toáng lên với sĩ quan Từ Giấy này thằng Đễ vừa đánh bom xuống Tân Sơn Nhất chiều nay đấy! Cũng chiều 28-4-1975, GS Từ Giấy ký bức điện chuyển gấp ra Hà Nội với nội dung may gấp quân trang để phục vụ cho Lễ duyệt binh ở Sài Gòn!
Cẩm nang đỏ vào phim
Ngồi chuyện với phi công Từ Đễ là một cái thú. Rủ rỉ đấy nhưng thẳng băng. Ông bảo, trong lịch sử ta có 3 trận đánh nhau vỗ mặt, dàn quân đánh kiểu hiện đại, không du kích, không phục kích, không lừa nhau.
Đó là Quang Trung đại phá quân Thanh, Võ Đại tướng đánh nhau với quân Pháp tại Điện Biên Phủ và Quân chủng PK- KQ đánh nhau trực diện với Không quân chiến lược Mĩ.
Cả ba trận trên đều là bước ngoặt: quân Thanh cút, quân Pháp phải bỏ một nửa VN. Và quân Mĩ phải tếch.
Cuốn tài liệu Cẩm nang đỏ. |
Không quân Mĩ chưa bao giờ thua ai trong lịch sử của mình và không ai dám đụng chạm tới họ. Nhưng tới Chiến tranh VN thì Mĩ phải thốt lên “lần đầu tiên Không quân Mĩ gặp 1 đối thủ thực sự”.
Nước Mĩ luôn có 2 người được coi là phi công số Một. Một phi công của không quân, 1 phi công của Hải quân (gọi là Ace).
Hễ cử phi công số 1 sang VN để nghiên cứu và chỉ huy các chiến dịch tiêu diệt Không quân nhỏ bé của VN thì đều bị phi công rất trẻ của ta bắn rơi và bắt sống!
Năm 1967 chiến tranh Trung Đông, Israel chiếm được nguyên vẹn vài bộ tên lửa phòng không SAM-2 và máy bay Mig 21 của Liên Xô.
Trên cơ sở này, Mĩ đã thiết kế hệ thống nhiễu để làm mù mắt tên lửa và máy bay đối phương. Phi công chiến lược B52 đi ném bom Hà Nội được tạo tâm lý chủ quan như đi dạo Noel!
Trong chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội, lực lượng PK-KQ Việt Nam đã bắn rơi tổng số 34 máy bay ném bom chiến lược B52 hiện đại nhất của Không quân Hoa Kỳ, chiếm tỉ lệ 16,2% trên tổng số B52 có mặt trên chiến trường.
Theo quy định cứng đối với nhóm máy bay ném bom chiến lược như B52, nếu bị rơi 12% tổng số máy bay đang tham chiến thì phải tự động chấm dứt chiến đấu.
Tại Việt Nam, vượt quy định tới 4% số lượng B52 “gẫy cánh” Tổng thống Richard Nixon mới ra lệnh thu quân để trở lại bàn đàm phán.
Những ký ức về thời trận mạc hào hùng mà mình trực tiếp can dự cùng đồng đội đã khiến ông Từ Đễ ngược về cuốn Cẩm nang bìa đỏ.
Gọi là sách cũng chưa hẳn chính xác mà là một tập tài liệu đánh máy dày 30 trang, in roneo và được bọc ngoài một tờ bìa màu đỏ.
Tập tài liệu mỏng mảnh ấy là kết quả của cả một quá trình xây dựng hết sức gian khổ, công phu gắn với tài trí và công lao của hàng loạt sĩ quan có trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, dày dạn trong chiến đấu của Quân chủng PK-KQ: Nguyễn Sinh Huy, Chu Thái, Vũ Lai Trường, Trần Ngọc Lân, Quách Hải Lượng… Tài liệu này đã được đưa ra bàn bạc kỹ tại hội nghị ngày 31-10-1972 (sau này gọi là Hội nghị tháng 10).
Trong cuốn “cẩm nang bìa đỏ” ấy, các chuyên viên kỹ thuật, đặc biệt là Tiểu đoàn nhiễu, đã đóng góp cách phân biệt “Bê” thật, “Bê” giả trước màn hiện sóng để bộ đội tên lửa có thể ngắm trúng mục tiêu.
Nói và viết thành tài liệu như vậy, nhưng để thực hành được như sách lại rất khó bởi kẻ địch thường xuyên thay đổi thủ đoạn gây nhiễu.
Vì vậy, Bộ Tham mưu Quân chủng PK- KQ và Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội đã thành lập các đội huấn luyện lưu động mà thành phần chủ yếu là các sĩ quan từng tham gia biên soạn cuốn “cẩm nang bìa đỏ”.
Họ đã tới các tiểu đoàn tên lửa trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn cách đánh B-52 cho các kíp chiến đấu.
Trước khi diễn ra chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội, tháng 10 - 1972, Quân chủng PK - KQ đã phát hành cuốn Cẩm nang đỏ để phân tích và hướng dẫn toàn quân chủng bí quyết hạ gục B52 (điều mà trước đó và đến tận hôm nay không quân Mỹ chưa gặp lại ở bất cứ cuộc chiến tranh nào).
Đây là kinh nghiệm trí tuệ, xương máu của bộ đội PK-KQ được chắt lọc, tổng hợp lại, nhất là sau khi bắn hạ B52 trên bầu trời Vinh (Nghệ An) tháng 10 - 1972.
Ở thời điểm đó, lãnh đạo Quân chủng đã khẳng định: Ta có cơ sở chiến thắng không quân Mỹ nếu chúng dám đưa B52 tàn phá Thủ đô Hà Nội! Toàn bộ Quân chủng sẵn sàng đón chờ B52!
Cẩm nang đỏ có lẽ chỉ là cái cớ để dòng hồi ức bện quện thăng hoa thành một kịch bản phim truyện dài 12 tập do chính Từ Đễ viết kịch bản. Cẩm nang đỏ đã được đạo diễn Phi Tiến Sơn chăm chút thêm.
Bộ phim đã được bấm máy và nghe đâu mọi sự cũng đã hoàn tất! Các cựu binh Quân chủng đã tự bỏ tiền ra làm phim Cẩm nang đỏ.
Phim khá hoành tráng, nhưng chưa phải là sự tham góp hình ảnh của nhiều quân binh chủng không quân, tên lửa, cao xạ, dân quân tự vệ.
Càng chưa phải bản tổng kết 347 trận không chiến với không quân Mĩ và cả tiếng nói của bên đối phương nữa... Ông Từ Đễ cho hay, có lẽ đã đến thời điểm thích hợp phát lộ và phơi phóng những góc khuất làm nên sức mạnh của người lính quân chủng trong chiến tranh vệ quốc! Cẩm nang đỏ sẽ làm điều đó.
Biết thêm, một số hãng phim đã nằn nèo ông Từ Đễ bán đứt kịch bản để họ mần phim. Nhưng ông không đồng ý!
Có lẽ sự hơi bị hoành tráng như thế nên Cẩm nang đỏ nghe đâu đã có sự bổ sung cơ cấu thêm. Như đã nói, những góc khuất ấy bây giờ phát lộ có góc nào nhạy cảm đến mức... phản cảm không thì tôi không được rõ. Phim không kịp hoàn thành năm nay cho dịp 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Nghe đâu Cẩm nang đỏ sẽ được trình chiếu năm 2014.