Không cứu nguy được khung thành

Không cứu nguy được khung thành
TP - Từ 19h40 ngày 18 – 12 - 1972, thực hiện chiến dịch Linebacker II- Người bảo vệ khung thành, Mỹ đã huy động 90 lượt B52 và 135 lượt máy bay chiến thuật đánh liên tiếp ba đợt vào các mục tiêu ở Hà Nội và phụ cận. Họ muốn thua trong thế ngẩng cao đầu, nhưng không thể. 12 ngày đêm, mà gắn với tên tuổi của bao người. Đó là chiến thắng của tầm nhìn, trí tuệ và khoa học quân sự Việt Nam.

> Tọa đàm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
> ‘Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không - Tầm cao bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam’

Kỳ 1: Chuyện với tướng quân Phùng Thế Tài

Tôi rẽ vào ngôi nhà bụi phủ ven đường Trường Chinh trước đây có tên Đường chiến thắng B52 tư gia của lão tướng Phùng Thế Tài. Tuổi cửu thập đã khiến những sải bước của lão tướng chậm chạp đi nhiều lắm…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Phó Tổng tham mưu trưởng quân chủng PK-KQ Phùng Thế Tài và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân trình bày kế hoạch bảo vệ Hà Nội, chống địch tập kích đường không bằng B52 năm 1972 (ảnh lớn). Tướng quân Phùng Thế Tài và phu nhân (ảnh nhỏ). Ảnh: Xuân Ba
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Phó Tổng tham mưu trưởng quân chủng PK-KQ Phùng Thế Tài và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân trình bày kế hoạch bảo vệ Hà Nội, chống địch tập kích đường không bằng B52 năm 1972 (ảnh lớn). Tướng quân Phùng Thế Tài và phu nhân (ảnh nhỏ). Ảnh: Xuân Ba.

“Ông Cụ nhà mình lạ lắm”

Nhớ các lần gặp trước, tôi được lão tướng cho tường thêm sự thực quanh những huyền thoại là người lính cận vệ của Bác Hồ trong những năm đầu bốn mươi rồi về sau này nữa… Rèn kỹ năng trí nhớ và ứng đối cho người cận vệ, Bác ra vế đối “Trồng môn trước cửa”. Phùng Thế Tài trả lời: “Bắt ốc sau nhà”. Bác cười bảo “nghe cũng tàm tạm”.

Rồi tôi cũng thỏa cái băn khoăn lẫn tò mò về tấm ảnh hôm tuyên dương công trạng lần đầu đánh thắng cuộc chiến tranh ra miền Bắc của không quân Mỹ (5-8-1964), Bác chụp với hai tư lệnh Phòng Không –Hải quân (Nguyễn Đức Phát và Phùng Thế Tài), mà tại sao Bác mặc áo không cài cúc? Đơn giản bữa đó trời nóng, Bác cháu đứng ở hành lang. Đương chuyện thì phóng viên ảnh chộp được.

Chuyện gần chuyện xa, nhấn nhá lâu hơn chuyện Điện Biên Phủ trên không. Bữa ấy giọng lão tướng bất ngờ vống gắt lên khi tôi rụt rè rằng hình như ta bị bất ngờ? “Bất ngờ thì không nhưng cam go lắm!”.

Chất giọng lão tướng bỗng chùng xuống như thảng thốt “mà ông Cụ nhà mình lạ lắm”… sau một hồi lặng phắc. Ông Cụ mà lão tướng vừa thốt lên ấy là Bác Hồ. Lão tướng đưa người nghe ngược về buổi đêm ngày 29-12-1967.

Một cuộc họp của Bộ Chính trị với lãnh đạo Quân chủng PKKQ. Bàn nhiều việc hệ trọng để bảo vệ bầu trời Hà Nội trong đó giữ tuyết đối an toàn cho không phận đặc khu Ba Đình.

Cuối buổi, Bác chậm rãi nhấn đi nhấn lại đại ý: Sớm muộn gì Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này càng sớm càng tốt để có thời gian suy nghĩ và chuẩn bị. Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội… các chú phải nhớ điều ấy!

Nhiều, rất nhiều việc để phòng bị để triển khai cái ý ấy của Ông Cụ. Ngạc nhiên thấy lão tướng nhắc nhiều đến một cuộc họp mà ông bảo là trọng, là quyết định khoảng giữa năm 1972.

Cuộc ấy chỉ có 10 người. Ngoài Phùng Thế Tài khi ấy là Tổng tham mưu phó Quân chủng PK-KQ, có đồng chí Lê Văn Tri Tư lệnh, Nguyễn Văn Ninh - Cục phó Cục tác chiến, Mạc Lâm - cán bộ Cục 2... Đặc biệt có anh hùng Trần Đại Nghĩa - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước.

Nội dung cuộc họp đã nói lên tầm vóc của nó. Phải trả lời được câu hỏi, Mỹ có đưa B52 ném bom Hà Nội và vùng lân cận không? Nếu đưa thì thời điểm nào? Ta có đánh được B52 không? Cách đánh ra sao? Rồi công tác chuẩn bị, cụ thể thế nào?”v.v...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước Trần Đại Nghĩa nêu ý kiến: Muốn khắc phục các loại nhiễu điện từ, ngoài các biện pháp kỹ thuật, cần nhất là có các trắc thủ giỏi.

“Tôi khi đó với chức vụ Tổng tham mưu phó chủ trì Hội nghị đã kết luận và chỉ thị cần phải đẩy mạnh nghiên cứu cách đánh B52 bằng lực lượng và vũ khí hiện có của Quân chủng PK-KQ. Bắn rơi B52 là nhiệm vụ cấp bách, là yêu cầu cao về quân sự, chính trị, ngoại giao; Quân chủng PK-KQ phải được chuẩn bị chi tiết cả con người và vũ khí” – ông Phùng Thế Tài kể.

Ngay sau Hội nghị, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Quân chủng PK- KQ thực hiện gấp việc nghiên cứu tiếp và triển khai kế hoạch đánh B52, biên soạn tài liệu huấn luyện và tiến hành tập huấn đánh B52 trong các tình huống phức tạp.

Tiếp đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm việc với Quân chủng, Tư lệnh các binh chủng radar, tên lửa, không quân, Sư trưởng các Sư đoàn Phòng không Hà Nội xác định phương hướng tác chiến chiến dịch phòng không đánh B52 bảo vệ Hà Nội.

Tháng 9 - 1972, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân chủng bổ sung và hoàn thiện phương án mới đánh B52, được gọi là “Phương án tháng 9”; xác định những vấn đề cơ bản phán đoán âm mưu, thủ đoạn, hướng và mục tiêu tiến công của địch, quyết định sử dụng lực lượng và cách đánh của ta.

Ngày 24 – 11 - 1972, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng các Tổng tham mưu phó Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh trực tiếp nghe Tư lệnh Lê Văn Tri, Chính ủy Hoàng Phương, Phó Tư lệnh Nguyễn Quang Bích, Phó Chính ủy Quân chủng PK -KQ Nguyễn Xuân Mậu báo cáo lần cuối kế hoạch tác chiến phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Tổng tham mưu trưởng phê chuẩn kế hoạch và lệnh cho quân chủng tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị chiến đấu trước ngày 3 – 12 - 1972.

Diễn biến của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm gần giống những gì mà Hội nghị đã bàn soạn cũng như dự báo. “Chúng ta đánh B52 trong tư thế, hoàn toàn, tôi nhắc lại là hoàn toàn trong thế chủ động”- lão tướng nói.

Vạch nhiễu tìm thù

Thấy tướng quân ngó đồng hồ, tôi nèo thêm bí quyết đánh B52 trong đó có việc ta cải tiến SAM-2 có tính năng như SAM-3? Ông cười, lắc đầu rằng chuyện dài lắm..., rồi nói vắn tắt: SAM-3 khi ấy chưa có.

Theo các thông số kỹ thuật, tổ hợp tên lửa SAM-2 có tầm vươn cao 27km và tầm bắn tới 35km. Với thông số này, SAM-2 thừa sức bắn được B-52 mà không cần cải tiến gì thêm. Tuy nhiên, bắn B-52 không hề đơn giản.

“Đó là nhiễu. Nhiễu” - tướng quân dằn giọng – “Nhiễu chủ động và thụ động do B52 và phi đội hộ tống phát ra. Ngoài ra, ta còn phải đối phó với tên lửa chống radar Sơ-rai áp chế hệ thống phòng không”.

Sở dĩ có huyền thoại cải tiến SAM-2 thành SAM-3 là vì những thay đổi được ghi nhận trên tổ hợp SAM-2.

Đó là việc các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với chuyên gia Xô Viết thay đổi tần số điều khiển rãnh đạn giúp đạn tên lửa khó bị gây nhiễu (trong giai đoạn 1965-1972, chuyên gia ta phối hợp với kỹ sư Liên Xô đã 5 lần thay đổi tần số rãnh đạn).

Rồi nhiều cách đánh độc đáo sáng tạo như Phương pháp bắn ba điểm – sử dụng vượt tính năng khí tài của ta.

Chất giọng tướng quân trở nên sôi nổi khi ông nói thêm về bí quyết, ta không bất ngờ và thộp cổ được B52. Đó là bộ khí tài KX vạch nhiễu tìm thù.

Đó là thời điểm cuối năm 1971, một tổ cán bộ nghiên cứu thuộc Phòng Nghiên cứu kỹ thuật Quân chủng PK-KQ đề xuất một công trình nghiên cứu cải tiến kỹ thuật: Dùng loại radar không bị máy bay B52 gây nhiễu ghép nối với đài điều khiển phục vụ bộ đội tên lửa đánh B52.

Từ kết quả bước đầu, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ cho chế tạo thêm những bộ khí tài mới trang bị cho các đơn vị tên lửa tác chiến bảo vệ Hà Nội.

Tháng 6-1972, Cục Kỹ thuật cung cấp toàn bộ bản vẽ và một số mẫu cho nhà máy Z119 thuộc Cục Quân giới để lắp ráp các bộ khí tài mới.

Hàng trăm kỹ sư và công nhân kỹ thuật nhà máy không kể ngày đêm làm việc khẩn trương, nhanh chóng hoàn thành gia công và lắp ráp hoàn chỉnh các bộ khí tài đúng thời gian quy định, bảo đảm hệ số kỹ thuật. Các bộ khí tài mới mang ký hiệu KX.

Sáng Noel, 25-12- 1972, ngay giữa đợt đánh phá ác liệt, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ triệu tập hội nghị tổng kết đợt một chiến đấu đánh trả máy bay B52.

Hội nghị phát hiện thêm một ưu điểm nữa của bộ khí tài KX là khả năng phân biệt được máy bay B52 thật và B52 giả, giúp người chỉ huy chỉ thị hướng tốp máy bay B52 đang tiếp cận để bộ đội tên lửa đánh trúng mục tiêu.

Sau hội nghị, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ chỉ thị cho các đơn vị tên lửa được trang bị khí tài KX bố trí ở Hà Nội, Hải Phòng phải thông báo về sở chỉ huy quân chủng hướng vào tốp B52 mà bộ khí tài KX bắt được.

Phát huy thắng lợi, trong đợt 2 (từ 26 đến 29-12), các đơn vị tên lửa sử dụng bộ khí tài KX tiếp tục phát hiện, chỉ dẫn đánh B52 càng hiệu quả.

Tướng quân thân đưa tôi xuống nhà. Tôi cố nèo thêm, thời điểm cam go ác liệt ấy, tên lửa SAM-2 của ta đã cạn kiệt? Ông lại cười và khuyên tôi nên tìm gặp những người cần gặp bên Quân chủng để tìm hiểu... Rồi cũng nên chịu khó tham khảo thêm tài liệu của bên kia nữa. Ông nói có cuốn sách của Kisinger về thời điểm ấy coi cũng tàm tạm...

Tướng quân chia tay với cái cười, cậu nghe đâu ra chuyện SAM 2 thành SAM 3? Rồi ông nói luôn: Thời điểm đó 2 tiểu đoàn ta sang Nga học SAM-3. Đi tầu từ Bằng Tường – Trung Quốc sang. Trong đó lính Bách khoa chiếm đa số. 2 tiểu đoàn này về nước thì đã xong trận Điện Biên Phủ trên không. Mà SAM-3 khi ấy đang còn trên biển...

Sau này, theo lời khuyên của tướng quân, tôi may mắn được gặp một vài yếu nhân của Quân chủng. Được biết thêm, tên lửa SAM-2 thời điểm đó vẫn đủ xài do một sáng kiến độc đáo tăng thêm tuổi thọ đạn SAM-2.

Tôi cũng may mắn được tiếp cận với bản dịch cuốn sách Kissinger a Biography, biết thêm lắm chuyện về thầy trò nhà ấy.

Tỷ như Negroponte, phụ tá Kissinger, nói: “Chúng ta oanh tạc Bắc Việt để họ chấp nhận sự nhượng bộ của ta”. Nhiều học giả Mỹ cho rằng B52 là lá bài chót của Nixon. Ông Lê Đức Thọ bỏ hội nghị không thèm đàm phán là sự sỉ nhục đối với Kissinger, Nixon .

Sau trận oanh tạc bằng B52 cuối năm 1972, Kissinger trả lời phỏng vấn cho biết quyết định oanh tạc do Tổng thống, chứ ông không có trách nhiệm! Tuy nhiên, ông ủng hộ chiến dịch này.

Từ đó quan hệ Nixon và Kissinger đi tới chỗ căng thẳng, Nixon đã có ý định loại bỏ Kissinger. Có lần Nixon nói chuyện với Đô đốc Elmo Zumwalt: “Tôi sắp đuổi cổ thằng chó đẻ ấy” (I’m going to fire the son of a bitch).

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG