Người Cơ tu qua sông thiêng

Người Cơ tu qua sông thiêng
TP - Trong cuốn “Những kẻ săn máu” viết về các tập tục của người Cơ tu, tác giả người Pháp Le Pichon kể rằng khi đi lại thường xuyên ở phía trên đồn An Điềm, ông thường gặp những người làng Yều (Le Pichon viết là làng Yêu) đeo dây chuyền làm bằng một cái nút chai thủy tinh để trừ tà ma, bệnh tật.

Ba lần chạy loạn, 3 lần bước qua dòng sông thiêng, giờ đây người dân làng Yều (làng Cơ tu duy nhất ở huyện Đại Lộc - Quảng Nam) trụ lại bên dòng sông Kôn...

Alăng Thanh, Alăng Vương - những người sót lại của làng Yều xưa
Alăng Thanh, Alăng Vương - những người sót lại của làng Yều xưa.

3 ngày 36 người chết

Già làng Alăng Thanh (80 tuổi) đến hôm nay vẫn chưa nguôi nhớ về trận đại dịch kinh hoàng của làng Yều (cũ, ở trên đỉnh núi An Điềm) vào năm 1954.

Thời cuộc biến thiên, giờ đây chỉ còn đúng 4 già làng là người chính gốc làng Yều cũ, còn lại 42 hộ khác, tất cả đều du mục từ Hiên, Giằng (Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang ngày nay).

Ngoài Alăng Thanh, 3 già làng Alăng Nứi, Alăng Bứ và Alăng Vương cũng là những người cuối cùng còn sót lại của làng Yều, đi qua 2 cuộc chiến, 2 lần tao loạn của ngôi làng kỳ bí.

Alăng Thanh mắt đã mờ, răng rụng hết, bùi ngùi: “Không nhớ là mùa nào, chỉ biết đó là những ngày không thể nào quên. Làng hồi đó đông lắm, trên dưới 300 người, ai cũng mắc bệnh, người chết, người đau liệt. Kinh khủng nhất là trong vòng 3 ngày, có tới 36 người chết, cả làng đại tang. Sau này cán bộ giải thích mới hay đó là bệnh đậu mùa. Đó là những năm làng Yều vẫn nằm tít trên núi cao và trong rừng thẳm, giữa vùng giáp ranh giữa Đại Lộc và Hiên, Giằng”.

Già làng Alăng Vương nhớ lại: “Tui nhớ chính xác năm đó mới 12 tuổi, cả làng ai cũng mắc bệnh, con ma nó làm nổi đỏ khắp người. Ban đầu thì người chết rải rác, đa phần trẻ em, sau đó thì đến 3 ngày cao điểm. Dân làng hoảng sợ con ma, lũ lượt bỏ làng ra đi. Người bỏ lên cao, người men theo sông xuống vùng thấp. Số còn lại vào rừng, trốn trong hang đá, độ vài chục người. Đêm đêm, chỉ biết trốn, nằm bẹp trong hang, không dám kêu, thở nhè nhẹ vì sợ con ma đến bắt mình”.

“Phải lội qua dòng sông thiêng”- già làng Alăng Thanh kể. Bệnh dịch khiến ngôi làng tan tác, mấy ngày đêm nằm trong hang đá, đói lả mà không dám ra ngoài. Rồi vài người can đảm bước ra kiếm cái ăn, họ lội qua sông, không hiểu sao sau mấy ngày bệnh khỏi. Cả làng rú lên vui mừng vì ngỡ rằng con ma nó sợ nước. Thế là lũ lượt kéo nhau lội qua sông, ai ngờ sau lần đó dịch bệnh thuyên giảm rồi dần khỏi hẳn.

Phụ nữ làng Yều dệt thổ cẩm
Phụ nữ làng Yều dệt thổ cẩm.

Bà Zơrâm Dế - vợ ông Alăng Vương với một con mắt bị mù hoàn toàn bởi di chứng cơn đại dịch, kể: “Kinh khủng lắm, lúc đầu là sốt, rồi nổi mụn khắp người, nhất là trên mặt. Hồi đó còn trẻ, không nhớ gì nhiều, chỉ thấy người thi nhau chết, cả làng thê thảm. Hồi đó Zơrâm Dế mới 10 tuổi, theo cha mẹ cùng mấy chục người trốn trong hang đá, bị bệnh rất nặng, mù một mắt. Thần chết không điểm danh, nhưng sau mấy tháng, tự nhiên lòng đen mắt phải biến mất, con mắt trắng dã từ đó đến nay”.

“Vì sao vượt sông lại hết bệnh?”, cả già làng Vương và Thanh đều lắc đầu không trả lời câu hỏi của tôi. “Ngày đó, chiến tranh loạn lạc, ở xứ này, vùng ta giữ, vùng quân địch chiếm, đến chuyện có khoai sắn ăn cũng khó chứ nói gì thuốc men. Đến giờ vẫn không ai hiểu vì sao” - Alăng Vương nói.

Già làng Alăng Thanh nói, ngày dịch bệnh tràn vào làng, chắp tay cầu khẩn thần linh nhưng con ma vẫn lần lượt bắt người, chỉ có ai đeo bùa chú trên mình mới không chết(?).

Sau này, trong cuốn “Những kẻ săn máu” viết về các tập tục của người Cơ tu, Le Pichon (Pháp) kể rằng khi đi lại thường xuyên ở phía trên đồn An Điềm, ông thường gặp những người làng Yều đeo dây chuyền làm bằng một cái nút chai thủy tinh. Khi hỏi, người làng Yều giải thích, đeo dây để trừ tà ma, bệnh tật.

Ông Vương buồn bã kể, người chết đông quá, chôn không kịp, rồi kẻ chạy lên Hiên, Giằng, người dạt qua làng khác, còn lại trốn trong núi cao, vượt sông, từ đó bỏ luôn làng Yều, dắt díu nhau lên Kà dăng (Đông Giang).

Nhưng ở làng mới cũng không yên. Lý do: Không phải ai cũng chấp nhận cho người lạ, dù cùng là Cơ tu mặc nhiên lập làng sống chung.

Thêm một số người tiếp tục bỏ làng, tứ tán lên núi cao, những người còn lại quyết định về làng cũ, trên con nước sông Kôn ở An Điềm..., gạt bóng ma thảm kịch năm nào ra khỏi tâm trí.

Nắng mới làng Yều

Lần thứ 3 người làng Yều phải bỏ rừng thẳm, dời xuống vùng đồng bằng là vào năm 2006. Trưởng thôn Alăng Sang kể: Đây lại là cuộc di dời mà bụng dân làng sướng rơn. Xa rừng nhưng không phải đoạn tuyệt với rừng mà vẫn sống đầu nguồn nước, cạnh dòng sông, có rẫy trỉa bắp trồng lúa. Ai cũng ưng.

Làng Yều hôm nay. Ảnh: Nam Cường
Làng Yều hôm nay. Ảnh: Nam Cường.

Già Alăng Thanh, cười móm mém: Qua sông thiêng lần này là sướng nhất, được ăn no, mặc ấm, có nhà mới, có điện sáng choang, chẳng lo gì bệnh tật.

Làng Yều- ngôi làng có số phận kỳ lạ bậc nhất của tộc người Cơ tu ở Quảng Nam có lẽ sẽ không còn bước qua dòng sông thiêng lần nào nữa. Họ đã được yên bình tuy vẫn còn những nỗi lo.

Năm 2006, sau khi thống nhất giữa 4 già làng, người dân lại một lần nữa dời làng cũ trong cơn quẫn bách về cái ăn, cái mặc.

Cả làng 40 hộ chuyển xuống lập làng trên một bãi đất phẳng, bên dòng sông Kôn, ngay dưới chân núi An Điềm. Làng mới chỉ yên bình chừng 1 tháng, trước khi cơn bão số 6 khiến làng Yều tan nát.

40 hộ dân lâm cảnh không nhà cửa, thiếu ăn thiếu mặc. Sau đó, được các nhà hảo tâm tài trợ xây 40 nóc nhà liền kề, lát gạch bông, lợp tôn lạnh, cửa ngõ đàng hoàng, phòng ngủ, nhà ăn, nhà bếp đủ cả. Người làng Yều ập nhanh chóng vào cuộc sống mới.

“Cái khó nhất bây giờ là đất không còn để sản xuất, không phải dân lười mà thực sự hết đất canh tác rồi” - anh Alăng Dũng bộc bạch.

Đất ít, nông nhàn, đàn bà nhàn rỗi quay trở lại với nghề dệt thổ cẩm. Còn đàn ông? Trong buổi chiều chúng tôi đến làng, có tới 3 sòng nhậu rôm rả, toàn thanh niên trai tráng.

Alăng Đáng cười: “Chẳng có gì làm, nhậu thôi anh”. Trường mẫu giáo làng bây giờ nhường chỗ cho mấy chị em phụ nữ học dệt thổ cẩm.

Chị Đinh Thị Khá là người duy nhất của làng lưu giữ được nghề dệt, đích thân chị tận tay truyền nghề cho chị em, cười buồn: Bao đời nay vẫn thế, phụ nữ Cơ tu luôn cực khổ. Hết còng lưng lên rẫy lại tối mặt với việc nhà mà vẫn thiếu ăn.

Đàn ông chỉ việc trông con, ở nhà uống rượu. Nhưng chị em làng Yều bây giờ tìm được niềm vui mới ở lớp học dệt - mới khai trương hơn 1 tháng nay, hút hết chị em trong làng.

Chị Khá đành chia thành 2 buổi, ai lên nương buổi sáng thì học chiều và ngược lại, mỗi buổi 15 người. “Chỉ lo đầu ra, dệt xong chẳng biết bán cho ai” - chị nói.

“Sự kiện” đáng nể nhất của người dân làng Yều chính là việc mới đây, họ kéo lên Sườn Giữa (núi An Điềm) phản đối các chủ bãi than móc ruột rừng tự nhiên, chặt phá rừng phòng hộ.

Cuộc chiến chống khai thác than lậu ở An Điềm dai dẳng mấy năm qua, dân xã Đại Hưng nói nhiều, phản ánh nhiều nhưng lên tận bãi than phản đối giới chủ thì chỉ có dân làng Yều.

Già Alăng Thanh nói: Họ phá nát đường, móc ruột rừng, tàn phá cây cối thì phải nói, phải ngăn họ lại thôi.

Già Alăng Vương chống tay bước lên nhà Gươl, đầy vẻ tự hào: Trăm năm rồi làng Yều mới có nhà gươl. Nhớ thủa xưa, chạy đi đâu cũng đói rét bệnh tật.

Làng Yều- ngôi làng có số phận kỳ lạ bậc nhất của tộc người Cơ tu ở Quảng Nam có lẽ sẽ không còn bước qua dòng sông thiêng lần nào nữa. Họ đã được yên bình tuy vẫn còn những nỗi lo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.