'Hồi sinh nhiệm màu' của người đẹp buôn cá nhiễm HIV

'Hồi sinh nhiệm màu' của người đẹp buôn cá nhiễm HIV
TP - Chồng trút bệnh sang vợ, con, rồi chết. Suốt mấy năm trời chị gồng mình chống chọi bệnh tật, và ôm con chạy chữa khắp nơi. Lúc tưởng đã kiệt sức, buông xuôi, đường đời lại mở ra trước mặt.

> Làm sao để lo cho mẹ, cho em…

Tình yêu và nghị lực đã giúp chị, một người nhiễm HIV chiến thắng số mệnh
Tình yêu và nghị lực đã giúp chị, một người nhiễm HIV chiến thắng số mệnh.

Vợ kiếm tiền, chồng nghiện

Tôi gặp Thủy ở Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Nhi Nghệ An, lúc chị đang cấp thuốc cho hai mẹ con bệnh nhân HIV đến từ huyện Đô Lương.

“Cô ấy là tình nguyện viên tích cực nhất đấy” - BS Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, nói Thủy đồng ý kể về đời mình, với điều kiện “phải thay tên, đổi họ”.

Trắng trẻo, mập mạp, Thủy khác xa với hình dung của tôi. “Nếu gặp ngoài đường, chắc anh không nghĩ rằng em nhiễm HIV, đúng không?”, Thủy vào chuyện.

Chồng Thủy lái xe công nông loại đầu dọc. Họ sinh được một cháu gái, Thủy làm nghề buôn bán cá. Mua sỉ bán lẻ, ở một xã ven thành Vinh, Thủy cần mẫn kiếm tiền nuôi chồng con.

Chồng Thủy ngập sâu vào con đường chích hút, khiến bao nhiêu tài sản trong nhà “đội nón ra đi”. Ngày đánh xe ra ga tàu, bãi sông chở vật liệu xây dựng, tối vật vờ về nhà, say túy lúy. Có hôm lên cơn nghiện, túng quá, anh ta tháo thùng xe, bán.

Kéo dài như thế mấy năm, thuyết phục không xong, Thủy bắt đầu chán cảnh vợ làm, chồng phá. Cá ngày càng khó bán, nhiều khi không đủ tiền mua sữa cho con. Gửi bé cho bà ngoại, cô làm hồ sơ, ra Hà Nội chuẩn bị đi XKLĐ tại Đài Loan.

“Lúc xét nghiệm máu, nhận kết quả HIV dương tính, em hồn vía lên mây”, Thủy kể. Cả tuần giữa đất Hà Thành, cô chán chường tuyệt vọng, bỏ đi lang thang. Sợ cô quẫn trí quyên sinh, đám bạn theo riết Thủy.

Phải sống

Chuyến tàu tốc hành rời sân ga Hà Nội về Vinh trong đêm mưa gió, mang theo một thân phận tủi buồn. Ly, con gái chị cùng bà ngoại ra đón. Sân ga lạnh lẽo. Nhìn thấy con, Thủy lao đến, ôm riết con vào lòng. Hai mẹ con cứ thế ôm nhau, đứng khóc giữa những cái nhìn lạ lùng, thương cảm.

“Kể từ lúc em về, mẹ em không đêm nào ngủ được. Có lúc quá căng thẳng, bà vùng chạy ra đường”, Thủy kể. Triền miên lo lắng, bà kiệt sức, phải đi cấp cứu nhiều lần.

Khoảng 10 ngày sau, chồng cô bị bắt, đưa đi cải tạo ở Trại 6 (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Thủy không dám đưa con gái đi xét nghiệm vì “lúc đó, nếu cầm trên tay tờ giấy xét nghiệm máu của con, chắc em không sống nổi”.

Đưa con về nhà mình, hàng tuần chị xuống bệnh viện lấy thuốc, mỗi lần ra khỏi nhà phải bịt khẩu trang kín mặt. “Em ngại tiếp xúc!”.

Thủy (bên phải) làm thủ tục cấp thuốc cho bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: Quang Long
Thủy (bên phải) làm thủ tục cấp thuốc cho bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: Quang Long.

Căn nhà chỉ còn hai mẹ con. “Buồn nhất là những đêm mưa. Nhìn con gái thiêm thiếp ngủ, lại nghĩ đến chồng, lòng em tan ra từng mảnh”, Thủy khóc.

Căn nhà lợp pro ximăng ngày hè thêm oi bức, ngột ngạt. Tối, hàng xóm đỏ đèn, quây quần bên mâm cơm. Riêng mẹ con Thủy thui thủi bên nhau. Bữa cơm ngày càng hao đi, vì phải dành tiền mua thuốc chữa bệnh, ngoài số thuốc được bệnh viện cấp miễn phí.

Năm 2006, chồng chị qua đời. Hai năm sau, bé Ly xuất hiện triệu chứng bất thường. Dù đã định liệu từ trước, nhưng hôm cầm trên tay kết quả xét nghiệm HIV dương tính của con gái, chị không khỏi bàng hoàng.

Bệnh lao, nấm máu, nhiễm trùng cơ hội tấn công, khiến cô bé 11 tuổi sụt cân còn 17kg. Đuối sức, bé không đứng vững, không tự đi lại được. Thủy đưa con xuống Bệnh viện Nhi Nghệ An, cầm cự bằng đồng lương của bà ngoại. Một suất lương hưu, chia cho 3 người: Một người khỏe, hai người bệnh.

Ở đáy sâu tuyệt vọng, phép nhiệm màu lại đến: Ly dần dần bình phục. Bé Ly gượng dậy, đòi ăn. Cơn bạo bệnh qua đi. Con khỏe, Thủy cũng trở nên tươi tắn, yêu đời hơn. Chị hăng hái lao vào công việc: tham gia CLB Tự lực Sông Lam Xanh, nơi hội tụ những người nhiễm HIV/AIDS, giúp đỡ lẫn nhau và tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng; Tình nguyện viên Dự án Life-Gape tại Bệnh viện Nhi Nghệ An.

“Hết ra Hà Nội lại về Vinh, bệnh tình của con gái vẫn không thuyên giảm, em cũng suy sụp. Nhưng em không thể chết. Em phải sống để cứu con”, Thủy nói. Bác sỹ Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, khả năng cứu con gái chị là rất thấp. Còn nước còn tát, chị đưa con về Nghệ An.

Tết Nguyên đán 2009, ở Bệnh viện Nhi Nghệ An, bệnh nhân hối hả về quê, riêng hai mẹ con Thủy vẫn phải ở lại. Bé Ly không còn hấp thu thuốc kháng sinh, phải truyền dịch liên tục.

Ở đáy sâu tuyệt vọng, phép nhiệm màu lại đến: Ly dần dần bình phục. Bé Ly gượng dậy, đòi ăn. Cơn bạo bệnh qua đi. Con khỏe, Thủy cũng trở nên tươi tắn, yêu đời hơn.

Chị hăng hái lao vào công việc: tham gia CLB Tự lực Sông Lam Xanh, nơi hội tụ những người nhiễm HIV/AIDS, giúp đỡ lẫn nhau và tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng; Tình nguyện viên Dự án Life-Gape tại Bệnh viện Nhi Nghệ An.

Hạnh phúc lại về

Nam, lái xe quê Hải Phòng, đã qua “một lần đò”. Tình cờ quen nhau trong lần Thủy đi nhận quà của người bạn gái gửi từ đất cảng, Nam có cảm tình với cô gái xứ Nghệ.

Thấy chàng tài xế thích mình, Thủy cảnh báo: “Em bị nhiễm HIV đấy!”. Nam không tin, bảo: “Nếu em bị H, sao lại đầy đặn thế? Tóc thì dài. Da thì trắng”. Thủy nghiêm túc: “Em nói thật”, rồi lẳng lặng bỏ đi.

Thủy càng chạy, Nam càng đuổi theo. Chàng tài xế tìm về nhà Thủy, chỉ khi thấy thuốc ARV (một loại kháng sinh điều trị HIV/AIDS), anh mới tin.

Nhưng ái tình như mũi tên đã bắn đi, khó thu về. “Anh không thể sống thiếu em được. Anh sẵn sàng chấp nhận tất cả, miễn là có em!”, Nam nói.

Thủy do dự, rồi gật đầu. Năm 2010, họ tổ chức hôn lễ. Thủy nói: “Bọn em là rổ rá cạp lại, nên mần đơn giản. Đám cưới, thực chất là liên hoan, khách mời toàn những người cùng cảnh ngộ như em”.

Hàng ngày chị đi tư vấn, cấp thuốc cho những người nhiễm HIV/AIDS, còn chồng chị tiếp tục lái xe tuyến Vinh- Hải Phòng. “Thỉnh thoảng, em lại đau yếu. Anh ấy muốn được lái xe tại Vinh, để gần gũi chăm sóc vợ, nhưng chưa nơi nào nhận”, Thủy nói.

Bé Ly đã học THCS. Nhờ biết tuân thủ chế độ điều trị và sinh hoạt điều độ, sức khỏe của mẹ con chị chuyển biến khả quan. Thủy khoe: “Hai mẹ con em vừa đi xét nghiệm tải lượng virus, kết quả là không phát hiện thấy HIV trong máu”.

___

(Tên nhân vật trong bài viết đã thay đổi)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.