Vợ Đông chồng Tây

Vợ Đông chồng Tây
TP - Đọc bản thảo Vợ Đông chồng Tây của Kiều Bích Hương, nhà văn Hồ Anh Thái đánh giá: “Đây như một thứ phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây đời mới, nhưng nó không chỉ cung cấp cho người đọc một thứ kỹ nghệ… Từ chuyến đi thực tế bằng cuộc đời mình, chị đã sống với cộng đồng những người lấy Tây, chắt ra từ đó những điều rất thật. Những câu chuyện sống động, viết bằng ngôn ngữ sáng rõ và thành thật”. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Tôi lấy chồng Tây. Và vô hình trung tôi lĩnh “án treo” từ cả hai phía. Người phía Việt Nam phàn nàn sao lấy chồng Tây mà chẳng gửi được đồng nào cho gia đình xây nhà, tậu đất, mua xe... Ở Bỉ, một số bạn thân của chồng tôi giận dữ, cảnh báo anh: Ngay khi được nhập quốc tịch, bọn nó (những cô vợ thuộc các nước nghèo hoặc nước đang phát triển) sẽ đổi thái độ.

Quả khó xoay xở để sống giữa những đường biên này...

Một góc thành phố Antwerpen nơi có nhiều người Việt sinh sống
Một góc thành phố Antwerpen nơi có nhiều người Việt sinh sống.

Hai kẻ cô độc

Giữa trưa hè Sài thành, những chiếc xe tay ga bấm còi luồn lách giữa dòng đường ứ đầy, lớp bụi dần lắng xuống để lộ ra một người đàn ông ngoại quốc cắm cúi dắt tay bé gái lai Việt- Bỉ tìm đường về thăm quê ngoại.

Trái tim bạn liệu có như tôi, gần như ngừng đập vài giây. Lời nói của anh thật đơn giản, sáng rõ: “Anh cần một phụ nữ chịu về ở với bố con anh. Vợ anh đòi li hôn, anh không còn gì ngoài đứa con gái và một ngôi nhà giữa rừng lạnh lẽo”.

Đó gần như điều kiện kết hôn, và có thể coi là lời cầu hôn anh dành cho tôi. Tôi có lẽ bỏ qua lời cầu hôn đó, như bao tờ rơi tìm người giúp việc nhà dán trên cột điện, bờ tường.

Nhưng tôi, khi ấy, đã hư hao niềm tin vào đàn ông sau vài cuộc tình không đầu không cuối, và chán cảnh ngụp lặn trong sự cô độc, dừng lại nhìn ngắm bố con anh thật lâu. Tôi bắt đầu có cảm giác người đàn ông này nên là người đi cùng mình.

Anh giữ đúng lời hứa: Gần hai năm tìm hiểu trong xa cách địa lý, hằng ngày, đều đặn, anh gửi từ 1 đến 2 tin nhắn cho tôi, lúc nào nhớ quá mới dám gọi điện (để khỏi tốn tiền).

Tại sao anh tha thiết có gia đình đến thế trong khi vết thương từ cuộc hôn nhân đổ vỡ còn chưa khô ráo? “Trong một khoảng thời gian ngắn phải mất đi quá nhiều người thân, em khao khát điều gì nhất? Em sẽ sợ sự cô độc. Anh không thể sống một mình”.

Nếu kiên nhẫn đọc tiếp những phần sau, bạn đọc cũng như tôi, dần hiểu thêm hoàn cảnh đặc biệt của anh: Mất mát và đổ vỡ liên tiếp kéo đến chỉ trong vòng hơn 2 năm định mệnh.

Theo sau nỗi đau mất mát, sự cô độc gõ cửa.

Tôi chính thức thấm sự cô độc, trống hoang trong tâm hồn từ khi bố tôi qua đời. Mỗi buổi chiều đi làm về, tôi mở cửa đưa mắt tìm bố, ông vẫn thường ngồi ở chiếc ghế ấy đợi tôi về ăn cơm. Bây giờ là khoảng trống. Tôi cầm lên chiếc mũ của bố còn để lại. Những sợi tóc rụng vì hóa chất còn vương vấn giữa những sợi len, tôi đưa lên mũi hít hà.

Tóc của bố còn đây, mùi mồ hôi của bố còn đây, máu thịt của bố đang chảy trong người tôi, chị gái tôi, em gái tôi đây, vậy mà bố lại phải nằm dưới lớp đất sâu lạnh lẽo kia.… Tôi trách mình, tại sao trong bữa ăn tôi chỉ biết ca thán về công việc, tình cờ ngước lên nhìn bố xỉa răng, cả hàm răng dưới xiêu vẹo đi dưới chiếc tăm tre, tôi mới nhận ra xương cốt bố đã nhão, bệnh tật đang ăn mòn ông.

Tôi không biết gào khóc, tôi không biết kể lể trong đám tang, bao nhiêu đấy tôi giữ trong lòng, vì thế tôi càng đau, vì thế tôi càng cô độc.

Sự cô độc vây hãm và hành hạ tôi. Nhưng tôi ương bướng lắm. Muốn tìm đến đáy cùng của cô độc, tôi rời xa mẹ và chị em gái để vào thành phố Hồ Chí Minh thuê nhà, sống một mình.

Ban biên tập báo Tiền Phong cũng đồng ý cho tôi chuyển công tác vào văn phòng đại diện của báo ở đây một cách êm đẹp. Lúc chia tay ở sân bay, chị tôi rút cái nhẫn vàng đang đeo đưa cho tôi, mẹ tôi nhìn hun hút vào phía trong.

Vừa mất bố, chắc họ cũng trống huơ trống hoác trong lòng, giờ tôi lại không muốn ở cùng họ nữa. Sao tôi tệ hại thế này. Tôi cứ cắm cúi đi.

Nhưng chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh không phải lựa chọn sai lầm, trái lại, nó giúp tôi nhận ra rằng, tôi không phải tuýp người có thể sống cô độc.

Sự cô đơn đang là vấn đề lớn của xã hội hiện đại cơ mà, và tôi chỉ mới phát hiện ra rằng từ hơn 40 năm trước Robert Weiss- giáo sư đại học Massachusetts ở Boston (Mỹ) đã sáng lập hẳn bộ môn có tên gọi “Nghiên cứu sự cô đơn”. Tôi hóa ra không có gì khác biệt.

Tôi và anh, hai người không thể sống cô độc gặp nhau.

Vẫn còn chút vướng bận ở đây. Tôi là phụ nữ châu Á nhưng không phải kiểu gọi dạ bảo vâng như cách đàn ông châu Âu thường hình dung.

Vì sao anh không chọn người phụ nữ cùng chủng tộc mà tìm về châu Á, và biết rõ tôi có quá khứ là phóng viên, anh vẫn dấn bước: “Phần lớn các cô gái châu Âu bây giờ quá vật chất, tâm tính bất ổn và đòi hỏi cao về tài chính. Họ thường đổ đồng hôn nhân với nhà to, xe hơi sang trọng. Anh không đáp ứng được nhu cầu đó và anh cũng không muốn hôn nhân xây dựng từ nền tảng đó. Những nỗi khốn khó, vất vả, nghèo đói dường như bị tẩy rửa hoàn toàn trong tâm hồn họ rồi. Thời kỳ khó khăn vật chất trôi quá xa ở châu Âu rồi. Anh hi vọng châu Á mới thoát khỏi đói nghèo lạc hậu và mất mát của chiến tranh, còn nhiều người biết trân trọng những giá trị đích thực, biết nâng niu những gì họ đang có. Về mặt lý trí, anh tìm về nơi có xác suất thành công cao hơn. Về mặt tình cảm, anh chỉ yêu người Việt”.

Sau này, vợ chồng tôi có những lúc cãi nhau ra trò, uất ức, tôi gào lên: “Anh làm gì đời tôi thế này?”. Anh ngẩn mặt ra, phân bua: “Em thấy không, chỉ hai năm sống một mình nuôi con anh trở nên khó tính đến nhường này. Hãy giúp anh với, cho anh thêm thời gian”.

Bản tường trình về tình yêu

Thông qua mối quen biết là một cộng tác viên dịch thuật của Phòng Công chứng, tôi xin được tập tài liệu ghi lại các cuộc phỏng vấn kết hôn có yếu tố nước ngoài. Các bản này đã dịch ra tiếng Anh.

 Một quầy bán nem rán và thức ăn nhanh di động của người Việt ở chợ ngoài trời tại thành phố Antwerpen
Một quầy bán nem rán và thức ăn nhanh di động của người Việt ở chợ ngoài trời tại thành phố Antwerpen.

Tôi đặc biệt chú ý bản khai cá nhân về cuộc gặp gỡ định mệnh và quan hệ của một cô gái tên Dư- sinh năm 1983 với chàng trai Việt kiều Úc tên Quý, sinh năm 1974.

Dư khai chi tiết: “Vào ngày 16 tháng 6 năm 2005, tôi lái xe máy ra khỏi bãi đỗ xe ở chợ Bến Thành. Khi cố tránh một người bán hàng rong trên phố, tôi va phải một xe máy chở hai người đàn ông. Khi ngã, chân tôi chạm vào bô xe máy nên bị bỏng, tôi quá sợ hãi và không thể đứng dậy nổi. Lúc đó, tôi chỉ nhớ có bàn tay ấm áp của một người đàn ông nâng tôi dậy và còn giúp dựng lại xe máy cho tôi. Anh còn ân cần hỏi tôi có muốn đi bệnh viện không, liệu có thể tự lái xe về nhà được không. Sau đó, anh hỏi xin số điện thoại của tôi rồi đưa tôi về nhà chú tôi. Chỉ vài tiếng sau, anh đã gọi hỏi thăm sức khỏe. Anh tự giới thiệu tên là Quý và hỏi tên tôi. Anh nói rằng anh không hỏi tên tôi lúc bị tai nạn vì biết rằng tôi đã rất hoảng sợ khi đó. Thoạt đầu, tôi cũng ngại ngần, nhưng trước sự tử tế, ân cần và ấm áp của anh, tôi dần cảm thấy thoải mái hơn khi trò chuyện. Sau tai nạn, thỉnh thoảng anh gọi cho tôi, và chúng tôi phải lòng nhau lúc nào không hay. Vào ngày 4 tháng 4 năm 2007, sau gần hai năm yêu nhau, chúng tôi quyết định tổ chức đính hôn với sự chứng kiến của hai gia đình và bạn bè. Tôi tin rằng tôi sẽ hạnh phúc mãi mãi”. Cuối bản khai này, cô cam đoan những lời kể trên là sự thật và ký tên.

Còn đây là bản tường trình của Quý- Việt kiều Úc sinh năm 1974: “Tôi viết bản tường trình về mối quan hệ của tôi với vợ là Dư. Vào ngày 16 tháng 6 năm 2005, anh trai tôi chở tôi đi cắt tóc. Khi lái xe đến chợ Bến Thành, bỗng nhiên xe máy của chúng tôi bị đâm. Tôi nhìn thấy một chiếc xe máy đổ xuống, cô gái đang lái chiếc xe đó cũng ngã ra đường. Theo phản xạ tự nhiên, tôi giúp cô đứng dậy và dựng lại xe máy cho cô. Tôi an ủi cô và cùng anh trai đưa cô về nhà cô vì lúc đó chân cô ấy bị bỏng. Vài giờ sau, tôi gọi điện để hỏi thăm vết thương của cô. Sau đó, tôi thường xuyên gọi cho cô, tôi cũng không biết tại sao tôi cảm thấy đã biết cô rất lâu rồi. Rồi chúng tôi hẹn hò. Khoảng thời gian của chúng tôi ở Việt Nam qua nhanh, khi trở lại Úc, tôi nhớ Dư khủng khiếp. Sau gần hai năm yêu nhau, chúng tôi quyết định đính hôn vào ngày 4 tháng 4 năm 2007 với sự chứng kiến của gia đình và bạn bè. Chúng tôi rất hạnh phúc và tin tưởng rằng hôn nhân của chúng tôi sẽ là mãi mãi”. Cuối bản tường trình này anh cũng cam kết thông tin trên là sự thật và ký tên.

Thông tin hai người khai riêng rẽ, trùng khớp tuyệt vời. Một người có kinh nghiệm khuyên tôi phải giữ lại bản sao cước phí những cuộc gọi điện thoại cho nhau, nội dung chat hàng đêm, có thư từ qua lại hoặc ảnh chụp chung càng tốt... làm bằng chứng trình ra trong buổi phỏng vấn cho thêm phần thuyết phục.

Tôi muốn kết hôn, nhưng nếu phải viết một bản tường trình như vậy cho người khác xét duyệt cuộc tình của mình, trăm ngàn lần tôi không muốn. Mẹ tôi cũng không hỏi những câu như vậy!

Kỳ 2: Hợp đồng hôn nhân:

Kiêu hãnh và định kiến

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG