Gà lậu được hợp thức hóa?

Gà lậu được hợp thức hóa?
TP - Bất cứ hành động nào của các trạm và đội tuần tra đều bị chim lợn (trinh sát của dân buôn gà lậu) nắm rõ, khiến số gà lậu bị bắt rất ít. Nhưng câu chuyện sau bắt giữ còn nguy hại hơn: Gà lậu có thể được địa phương phát mại, cấp giấy để thành gà sạch.

> kỳ 1: Trắng đêm săn gà lậu

Bắt giữ gà lậu
Cứ thấy công an là xe gà lậu dừng chạy. Ảnh: Thành Duy.

Gà lậu săn cảnh sát

Quảng Ninh có hơn 118,825 km đường biên giới trên bộ giáp Trung Quốc, 191 km đường biên giới trên biển.

Tại Móng Cái, gà lậu chủ yếu theo Quốc lộ 18 đi qua 7 huyện, thị xã, thành phố với tổng chiều dài hơn 200 km với 7 đội quản lý thị trường, 3 đội tuần tra giao thông của Công an tỉnh Quảng Ninh, cảnh sát Môi trường, các đội cơ động của Hải quan, lực lượng công an kinh tế, giao thông các huyện, thị, thành phố đều có chức năng bắt gà lậu…

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, đang phối hợp với Bộ Công an, tập trung bắt các đầu nậu thu gom gà loại thải từ Trung Quốc ở các tỉnh biên giới, nhất là Quảng Ninh và Lạng Sơn.

Theo ông Tần, việc hàng chục, thậm chí cả trăm tấn gà loại thải từ Trung Quốc sang mỗi ngày là cực kỳ nguy hiểm, trong đó vào Hà Nội khoảng vài chục tấn. Gà loại thải Trung Quốc là loại đẻ hết trứng, thậm chí có cả gà bệnh, giá rẻ chỉ khoảng 15.000 đồng/kg. Gà loại thải Trung Quốc không chỉ giết chết ngành chăn nuôi trong nước, mà còn làm cho khả năng mất kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Việt Nam.

Một đêm, chúng tôi đề nghị Đội CSGT Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt khu vực Miền Đông (Đội 14) - Công an tỉnh Quảng Ninh đóng tại thị trấn Tiên Yên được đi cùng để bắt gà lậu.

Với dân buôn gà lậu, đội tuần tra thức thì họ ngủ. Đội ngủ thì họ chạy. Chim lợn (trinh sát của những đối tượng buôn gà) rải khắp đường từ Hải Hà đến Hạ Long.

Tại đoạn do Đội 14 quản lý từ Đầm Hà đến Tiên Yên, chim lợn cũng vô cùng đông đúc. Họ lượn lờ xung quanh trụ sở. Gần như ai trong đội đi công tác hay nghỉ phép, và vào lúc nào, họ đều nắm rõ.

Xe tuần tra cứ ra đường là hầu như các xe chở gà nằm im. Khi nào đội về họ mới chạy.

Tuy bắt gà không phải là công việc duy nhất, nhưng mỗi năm Đội bắt hàng chục tấn gà lậu, thậm chí cả trăm tấn. Từ đầu năm tới nay, Đội đã bắt khoảng 40 vụ với gần 60 tấn gà.

Một lãnh đạo Đội 14 kể: Chim lợn nhiều tới nỗi có hôm ngủ quên ngoài cổng của đội. Ngủ say mà tay chúng vẫn cầm điện thoại thấy động là a lô. Gà lậu đối phó với chúng tôi bằng rất nhiều cách. Xe phủ kín bạt, đến đoạn tối thì phóng nhanh. Lợi dụng xe ngược chiều lách qua để chạy thoát.

Có những chuyến, chúng dùng cả container để vận chuyển gà… Nhiều vụ, khi bị bắt, chúng lao cả xe gà xuống vực rồi bỏ chạy mặc gà bay tán loạn trên đường. Bị bắt, dân chở gà thường khai là chở thuê, còn chủ gà là ai thì…chịu.

Trạm liên hợp Km 15 cho biết, gà lậu không bao giờ dám qua trạm này, chỉ lợi dụng đường mòn lối mở. Từ đầu năm đến giờ, Trạm mới bắt được khoảng 8 vụ với số lượng vài trăm kg.

Dân gà lậu thường đi ngược lên Bắc Phong Sinh đoạn cách lực lượng biên phòng, Hải quan khoảng 5 km rồi chở tới Hải Hà tập kết. Thậm chí xe máy chở lồng gà được xé lẻ, vượt qua trung tâm huyện mới chất lên ô tô…

Thượng tá Tô Văn Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hải Hòa - Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết, Đồn quản lý gần 10 km đường biên. Dân cư đông, địa hình phức tạp.

“Ngoài việc đảm bảo an ninh biên giới, chúng tôi cũng có nhiệm vụ bắt gà lậu. Đêm tối, dân chở gà vác gà lội hoặc đẩy mảng gà sang. Lên bờ chia nhỏ chở bằng xe máy vòng vèo các ngõ chuyển đi. Từ đầu năm tới giờ mới bắt được hơn 400 kg gà lậu…”- thượng tá Hùng nói.

Xe gà nghênh ngang trên đường phố Hạ Long
Xe gà nghênh ngang trên đường phố Hạ Long.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 127 tỉnh Quảng Ninh, 7 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trong tỉnh xử lý 60 vụ, với gần 86 tấn gia cầm, 38 nghìn quả trứng gia cầm và gần 130 nghìn con gà giống…

Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, gia cầm (đặc biệt là gà thịt) và sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được nhập vào tỉnh Quảng Ninh chủ yếu qua thành phố Móng Cái giáp với Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc.

Các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa hình đường biên giới phức tạp, trong đêm tối tổ chức vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc qua các đường mòn, lối mở vào Thành phố Móng Cái.

Sau đó sử dụng xe máy vận chuyển gia cầm từ các điểm mở dọc biên giới trên sông Ka Long, sông Bắc Luân, từ phường Trà Cổ, Bình Ngọc đi qua hai bên cánh gà Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến, cuối cùng tập kết lên các xe tải vận chuyển theo Quốc lộ 18 vào nội địa tiêu thụ…

Gà lậu được hợp thức hóa?

Trong những ngày đi lần tìm con đường gà lậu vào Việt Nam, chúng tôi đã tìm tới nhiều cơ quan chức năng để lý giải vì sao có tới 70% số lượng gà trong tổng số hàng trăm tấn gà có mặt tại các chợ đầu mối Hà Nội có nguồn gốc từ Quảng Ninh và làm tê liệt thị trường gà chăn nuôi trong nước…Tuy nhiên, thông tin thu được rất ít, gần như chỉ là chuyện khó khăn trong việc bắt giữ tiêu hủy gà, chế tài xử lý không đủ sức răn đe.

Cứ thấy công an là xe gà lậu dừng chạy. Ảnh: Thành Duy
Bắt giữ gà lậu

Thậm chí có vị còn cho rằng lỗi là tại dân mình ham rẻ mà mua gà Trung Quốc. Nếu dân mình không mua thì gà lậu có vào cũng không tồn tại lâu như vậy được…

Đại tá Nguyễn Văn Hiển, Trưởng Phòng Ma túy - Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh thẳng thắn thừa nhận có phần trách nhiệm của lực lượng biên phòng khi để gà lậu vượt biên. Tuy nhiên, lực lượng biên phòng mỏng, đường biên giới dài, phức tạp và còn rất nhiều nhiệm vụ khác cực kỳ quan trọng.

Đại tá Hiển cho biết, trước năm 2010 các cơ quan chức năng bắt hàng trăm, ngàn tấn gà và đều cho tiêu hủy. Có những lúc TP Móng Cái không còn chỗ để chôn lấp gà. Trong khi đó để chôn gà, nhà nước lại phải mất thêm kinh phí tiêu hủy.

Một cán bộ Hải quan cho biết, gà bắt được nhiều tới nỗi không muốn bắt vì bắt thì cả hệ thống chính quyền phải lo tiêu hủy. Tốn xăng, tốn công mà gà vẫn tràn vào.

Chế tài xử phạt không đủ sức răn đe (phạt hành chính vài triệu đồng/xe gà) và gần như rất ít khởi tố được các đối tượng buôn gà (vì theo quy định số gà thành tiền phải trên 100 triệu đồng mới khởi tố được).

Trong khi mỗi xe gà trên hai tấn chỉ có giá vài chục triệu đồng. Điều đặc biệt là giá này do cơ quan chức năng định ra dù số gà trên xe lọt về xuôi thì giá trị đã lên rất cao, thừa sức để khởi tố.

Theo một văn bản mà chúng tôi có được, tháng 10-2010, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định về việc xử lý gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, trong đó có một điều khoản nêu: Nếu kiểm tra thấy gia súc, gia cầm không có dịch bệnh thì cho bán phát mại.

Một dân buôn gà đã giải nghệ cho rằng, thường những chuyến xe gà bị bắt giữ rồi bán phát mại thì chính chủ hàng lại bỏ tiền ra mua lại với giá rẻ kèm giấy thông hành đi về xuôi.

Một cán bộ CSGT cũng cho biết, trong những chuyến xe gà dừng lại kiểm tra, nhiều xe gà có giấy tờ hợp pháp… Nhiều địa phương còn đóng dấu xác nhận gà lậu là do dân nuôi.

Trong buổi làm việc với phóng viên Tiền phong, Đại tá Nguyễn Văn Hiển đưa ra giả thiết: Các lực lượng chức năng tích cực bắt các vụ vận chuyển, buôn lậu gà và chuyển cho địa phương xử lý.

Nhưng cán bộ ở địa phương vẫn làm thủ tục tiêu hủy bằng văn bản, và vẫn bán phát mại số gà bị bắt giữ…Nếu vậy, gà lậu không vào Việt Nam mới là chuyện lạ.

Theo ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Bộ Công an và các tỉnh biên giới phía Bắc để kiểm soát vấn đề nhập lậu gia cầm.

Cục cũng phối hợp với Cục An ninh Nông nghiệp (A86, Bộ Công an) kiểm tra thực tế ở chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) và các tỉnh lân cận. Hiện Cục đang lập kế hoạch tiếp tục kiểm tra các tỉnh khác ở biên giới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG