Ở nơi hổ đẻ sòn sòn

Con hổ tên “Bi” Ảnh: T.N.A
Con hổ tên “Bi” Ảnh: T.N.A
TP - Khi những nhóm người hành hạ, làm thịt vọoc quý và xẻ thịt hổ đi bán đang gây xôn xao dư luận, thì Vườn Thú Đại Nam lại đang tất bật với chú vọoc rất hiếm hoi vừa sinh được một tháng và những chú hổ Đông Dương thế hệ thứ hai. Ở Việt Nam chỉ còn 50 con hổ như vậy.

> 49 triệu USD để bảo tồn hổ: Bài toán khó

Hậu duệ bất ngờ

Một hôm, ngành kiểm lâm bắt được vụ buôn bán động vật hoang dã và tìm thấy 6 con voọc bạc. Số lượng cá thể ít ỏi ấy được chuyển cho Khu du lịch Đại Nam ở tỉnh Bình Dương và những con linh trưởng đã thoát chết vô cùng may mắn.

Gia đình nhà Vọoc. Ảnh: T.N.A
Gia đình nhà Vọoc. Ảnh: T.N.A .

Chúng tôi đến Vườn thú Đại Nam và thấy những con vọoc ấy đang…sống trong ngôi nhà nhỏ trên ngọn cây. Hằng ngày, chúng kiếm ăn trên hòn đảo nhỏ cô lập với xung quanh, tối đến thì chui vào nhà để ở.

“Quê hương của chúng ở vùng núi đá vôi tỉnh Kiên Giang, nơi ấy núi non đang bị khai thác làm xi măng…” - Kỹ sư Mai Xuân Tình, Phó giám đốc vườn thú nói. “Cách đây một tháng, Che đã ra đời. Nó là thành viên thứ bảy của đàn linh trưởng quý hiếm”.

Đức, nhân viên trông coi hòn đảo nhỏ ấy thường đứng từ xa, bên kia con kênh đào, lặng lẽ quan sát những con vọoc.

Anh nói: “Ban đầu chúng bị sốc, lo sợ sau những biến cố tù đày thảm khốc. Nhưng rồi chúng cũng dần lấy lại được tinh thần, nô đùa với nhau trên các ngọn cây, kéo nhau đi tìm thức ăn, nước uống. Chúng dần lấy lại được bản năng hoang dã”.

Mẹ Che có bộ lông màu sẫm, chân lông màu trắng, trông giống như tóc bạc của người. Một hôm Đức trông thấy bụng nó to hơn bình thường, ngực cũng nở ra.

Tin vui loan khắp vườn thú. Người ta trông chờ ngày nó ở cữ. “Dường như nó cũng biết bí mật bảo tồn nòi giống - Đức kể - Con vọoc sinh trong đêm. Sáng ra tôi đã thấy nó ôm con ngồi tít xa trên ngọn dừa”.

Chú vọoc con đầu tiên được sinh ra trong vườn thú được đặt tên là Che. Toàn thân Che ánh lên màu vàng rực.

Bởi vậy, nó luôn được mẹ ôm chặt trong lòng, che giấu đứa con đẹp đẽ của mình trước sự đe dọa từ bên ngoài. Bố của Che chạy nhảy quanh đấy để trông chừng hậu duệ bé bỏng.

Hổ F2

Một thống kê của ngành công an cho biết, chỉ còn khoảng 50 cá thể hổ trong tự nhiên. Hổ có tập tính sống đơn lẻ, không bầy đàn. Khi bị cách ly bởi các vùng rừng núi chia cắt, sinh hoạt giống loài của hổ rất trắc trở.

Nhiều ý kiến lo ngại hổ Việt Nam trong tự nhiên sẽ tuyệt chủng trong 10 năm tới.

Kỹ sư Mai Xuân Tình nói: “Tại vườn thú chúng tôi, hổ đã sinh sản được hai thế hệ. Những con hổ đầu tiên được sinh vào năm 2008, đến lượt chúng cũng đã lại sinh sản ra thế hệ F2. Điều đó cho thấy một sự phát triển đàn chủ động và bền vững”.

Vườn thú Đại Nam là nơi duy nhất cho đến nay ở Việt Nam nuôi sinh sản hổ được tới thế hệ F2.

Khoảng 3 tuổi, hổ hoàn thiện về đời sống sinh dục, nếu chúng được tạo điều kiện tốt để sinh sản hổ có thể phát triển đàn với tốc độ rất nhanh.

Một nhân viên vườn thú chở chú hổ con vài tháng tuổi bằng xe đạp đến cho tôi xem. “Nó tên là Bi” - anh nói với tôi. Chú Bi ngoan ngoãn ngồi trên giỏ xe đạp. Anh công nhân nói: “Chúng tôi có 4 con hổ thuộc thế hệ F2 như thế này”.

“Made in Việt Nam”

Ngoài những loài thú hiếm như hổ Đông Dương, loài chim công Việt Nam, rùa, nai, chồn, bạc má… được nuôi sinh sản thành công ở Vườn thú Đại Nam, tôi cũng nhìn thấy nhiều loài thú quý hiếm đến từ các châu lục khác đang sinh sản “sòn sòn” tại nơi này.

Sau 4 năm nuôi dưỡng, 1 giờ 30 tối, ngày 3-7-2012 hà mã châu Phi đã đẻ. “Trong lúc chuyển dạ, nó bò xuống nước, đi lên bờ, quần cả đêm. Từ lúc trở dạ đến lúc sinh là gần 30 tiếng – Một nhân viên vườn thú Đại Nam kể - Lúc đẻ nó rống nhiều lắm. Con đực trong hồ cạnh đấy cũng rống theo”.

Mẹ con hà mã. Ảnh: T.N.A
Mẹ con hà mã.  Ảnh: T.N.A .

“Hà mã thường sinh con dưới nước, riêng hà mã ở Bình Dương lên bờ để sinh, trái với tập tính của loài” – các kỹ sư nói với tôi. Con mẹ đẻ xong, liếm con khô. Sau 4 tiếng nó được mẹ đẩy xuống nước tập bơi. Sau nửa tháng tuổi, tôi thấy hà mã con vẫn lẽo đẽo không rời mẹ nửa bước. Anh Gọi, một du khách đến từ Tây Ninh nhìn hà mã con, hỏi: “Nó là con đực hay con cái vậy?”. Các nhân viên vườn thú nói: “Con cái bác ạ”.

Linh dương đầu bò nhập về từ châu Phi đã đẻ được hai con. Linh dương sừng kiếm cũng đã có kẻ nối dõi. “Chúng thường tìm góc khuất để nó sinh con ngay cả vào ban ngày”- Các nhân viên vườn thú tiết lộ. Tôi nhìn thấy một đàn 4 con sơn dương sừng xoắn bé xíu đang chạy đi gặm cỏ bên dòng nước.

“Cõi tình”

Vườn thú Đại Nam có 100 loài quý hiếm, trong đó chim gồm 25 loài, bò sát 18 loài, thú 42 loài.

 Nhiều con thú không bao giờ thích nghi được với điều kiện nuôi nhốt và không bao giờ sinh sản khiến cho các đàn thú quý cứ mai một dần. Ở đây, nhiều loài sinh sản mạnh là do chúng tôi đang áp dụng mô hình vườn thú hiện đại, mô phỏng điều kiện sống của chúng trong thiên nhiên

Kỹ sư Mai Xuân Tình nói: “Nhiều con thú không bao giờ thích nghi được với điều kiện nuôi nhốt và không bao giờ sinh sản khiến cho các đàn thú quý cứ mai một dần. Ở Vườn thú Đại Nam nhiều loài sinh sản mạnh là do chúng tôi đang áp dụng mô hình vườn thú hiện đại, mô phỏng các điều kiện sống của chúng trong thiên nhiên”.

Tôi từng đi các vườn thú và quen với hình ảnh các con thú gần như bị giam giữ trong những mảnh sân đổ bằng bê tông không một bóng cây. Vườn thú tư nhân Đại Nam như một hình ảnh trái ngược.

Diện tích hiện tại của vườn thú 12ha, trong tương lai sẽ mở rộng lên 50 ha. Các loài thú ở đây sinh sống cách biệt với bên ngoài bằng các hào nước sâu. Chúng tự do đi lại kiếm mồi và thoải mái tìm chỗ trú thân.

“Thế giới” của muông thú rất nhiều cây cỏ, núi giả, ao hồ, khe suối, hoa lá và ít có sự can thiệp thô bạo của con người. Buổi tối chính là lúc các loài muông thú thả mình kiếm ăn, đùa giỡn với nhau dưới ánh trăng cùng cây cối rì rào. Kỹ sư Tình nói chính không gian mở ấy đã giúp chúng tìm lại được bản năng sinh tồn giống loài.

Mấy năm gần đây ở Bình Dương cũng như nhiều tỉnh khác mọc lên không ít trại nuôi động vật hoang dã, nhưng diện tích các trại này dành cho các thú là rất hạn hẹp, mục đích của việc nuôi, nhân giống động vật hoang dã cũng còn là một dấu hỏi lớn.

Tháng 7 - 2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
Cấp chứng chỉ rừng bền vững ở Yên Bái hiện ra sao?
TPO - Yên Bái có diện tích rừng trồng khá lớn tạo nên nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng trồng. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh việc cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC), góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ được môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững về lâm nghiệp.