Đời phu vàng

Đời phu vàng
TP - Hơn 20 năm sau vụ án Hiền "đầu bạc", những người đào vàng vẫn kéo về hang Kịt ở bản Kịt, xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nhưng hang Kịt là nỗi ghê sợ của dân bản địa và khách tham quan.

> Bất lực với vàng tặc

Vụ án Hiền "đầu bạc"

Năm 1988, hang Kịt được bắt đầu biết đến là nơi có nhiều vàng. Bấy giờ, từ trung tâm huyện Bá Thước vào trong hang Kịt phải mất cả tuần đi bộ. Bản Kịt được hình thành từ 3 làng, trong đó, Kịt 1, Kịt 2 ở bên ngoài, Kịt 3 ở gần hang khai thác vàng hơn.

Kịt 3 cũng được coi là Bãi Chợ, là trung tâm mua bán, trao đổi hàng hóa, lương thực của dân làm vàng. Từ Bãi Chợ qua Hang Ma, hết vài cánh rừng già thì tới hệ thống các hang khai thác vàng.

Dân bản, phu vàng khắp nơi kéo về. Đào đãi thoải mái cho đến khi xuất hiện tên trùm Hiền "đầu bạc".

Theo tư liệu của Công an Thanh Hóa, tướng cướp Nguyễn Mạnh Hiền (biệt danh là Hiền "đầu bạc") xuất thân từ một gia đình nghèo ở xã Cẩm Sơn, huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Y được đánh giá là ham học, đỗ vào Đại học kinh tế Quốc dân Hà Nội.

Năm 1986, đang là sinh viên năm thứ ba, do cầm đầu một vụ đánh lộn, Hiền bị đuổi học. Về quê, Hiền tham gia một vụ cướp, chịu án 8 năm tù. Năm 1988, Hiền trốn khỏi trại giam. Bị truy nã, Hiền bỏ lên bản Kịt thành lập băng cướp, cai quản cả vùng khai thác vàng một cách…có tổ chức.

Hiền cướp vàng của các bưởng, xây dựng đội quân có vũ trang, lên phương án tác chiến với lực lượng chức năng, xây dựng kho vũ khí, kho lương thực; tuyển và quản lý người dân vào đào đãi vàng; thu phục các chủ bưởng vàng khác...

Tháng 3-1990, trong chuyên án V89 của Công an tỉnh Thanh Hóa, em trai Hiền là Nguyễn Mạnh Hoạt (tức Hòa "đớ") bị bắt. Nhưng chưa kịp đưa Hòa "đớ" ra khỏi bãi vàng thì lực lượng công an bị quân của Hiền phục kích.

Từ trên núi, Hiền vọng loa xuống tuyên bố, nếu không thả Hòa ra thì tất cả đều phải chết. Công an buộc phải thả Hòa. Trong một trận đột kích bất ngờ kéo dài hai ngày đêm với gần 100 chiến sĩ công an, ngày 14- 9- 1990, Hiền bị bắt sau khi bỏ chạy khỏi hang.

Sau đó, Hiền bị tuyên án tử hình, rồi bị xử bắn trên núi Hàm Rồng. Nhiều đồng bọn của Hiền cũng bị bắt và nhận án từ 6 đến 8 năm tù giam.

Làng Kịt
Làng Kịt .

Vẫn mù mịt hang Kịt

Sau hơn 20 năm, đường vào hang Kịt dễ đi hơn, Bãi Chợ không còn dân sinh sống. Hệ thống hang vàng được khai thác trước đây vẫn tồn tại. Nhiều đối tượng (có cả mới và cùng thời Hiền "đầu bạc") chui lủi khoét hang cũ, tìm hang mới, tiếp tục tìm vàng.

Gọi chung là hang Kịt, nhưng ở khu vực này có nhiều hệ thống hang để các đối tượng đào, đãi vàng. Có những hang thông nhau, có những hang cách nhau tới 3 giờ đi bộ đường rừng.

Có những cửa, lối đi vào hàng phải trườn, bò tới vài trăm mét mới có thể cào đất, vận chuyển ra ngoài để đãi. Nhiều đối tượng phải sử dụng máy trợ thở khi vào hang. Theo các phu vàng hiện nay ở hang Kịt, việc đào, đãi vàng khó hơn trước, được ít hơn trước.

Có ngày, một người được vài trăm nghìn đồng. Có ngày một vẩy vàng cũng không thấy. “Khó ai kiếm được nhiều vàng từ đây mà yên ổn. Như ông D. ở thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, có thời mang cả 12 kg vàng đi gửi ngân hàng. Về sau cũng tiêu sạch.

Vàng hết, gia đình tan nát, bản thân nghiện nặng, ông D. vẫn ra vào hang Kịt để xin tiền chích hút”- Lê Văn V.- phu vàng đang khai thác ở hang Công Cộng cho biết.

H. quê huyện Cẩm Thủy, từng sống trong hang Kịt cùng thời với Hiền "đầu bạc", nói: “Từ khi Hiền bị bắt, tôi chưa một lần trở lại. Cảnh người người ôm đầu, la hét chạy loạn dưới những làn đạn nhức tai trong đợt truy quét và hình ảnh những viên đạn xuyên vào người Hiền đầu bạc hôm xử bắn khiến tôi ám ảnh đến tận giờ”.

Một số người dân ở bản Nủa, bản Trình, bản Kịt... vẫn ra vào bãi vàng làm thuê hoặc bán lương thực. Khách tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông chẳng ai dám vào.

Ông Lê Thế Sự- Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cho hay: Khu vực làng Kịt nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Đêm ở hang vàng

Đi cùng chúng tôi vào bãi vàng Kịt theo lối mòn xuyên rừng là công an viên trẻ Hà Văn Sơn (SN 1990) ở bản Kịt, xã Lũng Cao. Hà Văn Sơn kể, dùng biện pháp mạnh như bắt giữ đối tượng, đốt lán trại, đốt phương tiện khai thác... rồi đến tuyên truyền, động viên các đối tượng về địa phương, nhưng cứ sau vài ngày truy quét, bãi vàng lại được hoạt động trở lại.

Đường vào hang khai thác vàng ở bản Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước
Đường vào hang khai thác vàng ở bản Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước.

Sau gần 2 giờ đồng hồ xuyên qua nhiều cánh rừng, “chiến đấu” với lũ ruồi trâu, chúng tôi vào đến khu vực hang Công Cộng. Trời nhá nhem tối. Sau một hồi dè chừng, các phu vàng bắt đầu trò chuyện.

“Tôi có mặt ở bãi vàng này từ năm 1988, trước khi Hiền "đầu bạc" xuất hiện. Sau khi lực lượng chức năng dẹp, tôi đi khắp nơi làm nghề này, sau rồi cũng quay lại đây cho đến tận bây giờ.

Nghe lực lượng chức năng chuẩn bị truy quét, chúng tôi lại khiêng các thiết bị giấu đi, ôm quần áo lên núi, lên hang chờ họ rút rồi chúng tôi lại xuống làm”- Lê Văn Thuật (hơn 40 tuổi) ở Đồng Tâm, huyện Bá Thước nói.

Ở đây, mỗi tên hang đều do những người khai thác vàng bấy giờ đặt nên như hang Công Cộng (vì ai cũng có thể vào khai thác được), hang Đỏ (vì có nhiều vàng), hang Nước (có nhiều nước), hang Bương (có nhiều cây bương)...

Thuật kể về thu nhập, về cuộc sống chui lủi ở giữa cánh rừng này có thể sẽ là công việc mà Thuật chọn lựa duy nhất cho đến cuối đời.

Khó truy quét

Bản Kịt có 30 hộ (136 nhân khẩu), tỷ lệ hộ nghèo 100% nhân khẩu. Giao thông khó khăn, không điện lưới, không sóng điện thoại. Người dân sống theo lối tự cung, tự cấp lương thực thực phẩm.

Ngày 6-5, ông Cao Văn Cường- Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cho biết: Đợt truy quét ngày 5-5 đã đưa hơn 10 đối tượng ra khỏi rừng Pù Luông, đồng thời, đốt lán và nhiều phương tiện khai thác vàng ở đây. Đơn vị đang xây dựng phương án nổ mìn lấp hang.

Từ trung tâm xã Lũng Cao vào làng Kịt có chiều dài 14 km đường rừng. Từ bản Kịt đến hang khai thác vàng khoảng 4 km. Mất gần 4 giờ đi bộ. Để vào được bãi vàng, ngoài lối đi từ trung tâm xã vào còn có lối từ huyện Mai Châu, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) sang.

Mùa mưa, Thung Lụt, Hang Ma, Bãi Chợ chìm trong nước, từ trung tâm bản Kịt vào phải đi bè hoặc men theo lối đi bộ trên những ngọn núi cao. Mùa khô, nước cạn kiệt, phải đào hộc, dùng can vét nước đổ vào hố có lót bạt để vừa đãi vàng, vừa làm nước sinh hoạt.

Trong các hang vàng có gần 10 lán với hàng chục người ở. Mỗi người một cảnh, song phần lớn đều đã nghiện ma túy. Nhiều lán có cả ba thế hệ đào vàng cùng ở.

Ông Bảy gần 60 tuổi, ở lán gần hang Đỏ cho hay: “Sắn, ngô và chăn nuôi không đủ để trang trải mọi thứ, tôi đành lên trên này xin lo cơm lo nước cho phu vàng để kiếm tiền”.

Ông Nguyễn Văn Quy- Chủ tịch UBND huyện Bá Thước nói: “Trong nhiều năm qua, huyện đã nhiều lần truy quét, đốt lán, phá thiết bị hỗ trợ nhưng vẫn chưa chấm dứt được tình trạng khai thác vàng.

Đối tượng khai thác chủ yếu là nghiện ngập nên rất khó bắt giữ, tuyên truyền, vận động. Trong đợt truy quét tới, nếu không làm dứt điểm được, chúng tôi sẽ báo cáo với cấp trên để được hỗ trợ”.

Chín giờ đêm, chúng tôi rời lán Lê Văn Thuật khi ánh trăng rọi xuống tán rừng như những cánh hoa đêm. Những phu vàng đã chuẩn bị di dời vì nắm được thông tin lực lượng chức năng chuẩn bị vào truy quét.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.