Đã tìm thấy mộ thân mẫu vua Đinh Tiên Hoàng?

Đã tìm thấy mộ thân mẫu vua Đinh Tiên Hoàng?
TP - Trong một lần điền dã về quê hương nhà bác học Lê Quý Đôn (xã Độc Lập – huyện Hưng Hà, Thái Bình), nhà nghiên cứu Đặng Hùng tình cờ vào thăm một ngôi miếu cổ ở thôn Lộc Thọ
Miếu thờ “Quốc Mẫu Thiềm Nương Hoàng Thái Hậu” ở thôn Thọ Lộc. Ảnh: Đặng Hùng
Miếu thờ “Quốc Mẫu Thiềm Nương Hoàng Thái Hậu” ở thôn Thọ Lộc. Ảnh: Đặng Hùng.

Các cụ già làng nơi đây cho biết đó chính là thờ thân mẫu vua Đinh và ở Đình làng còn thờ bốn thuộc tướng của Ngài là Đinh Điền, Phạm Thành, Lưu Công, Sát Công.

Trên báo TPCN đã nêu giả thiết của Đại đức Thích Minh Phúc trụ trì chùa Kỳ Lân (Ninh Bình) về mộ phần của thân phụ vua Đinh Tiên Hoàng, được đặt ở Lăng Phát Tích – núi Kỳ Lân.

Về mộ phần của Thứ sử Hoan Châu Đinh Công Trứ - thân phụ vua Đinh Tiên Hoàng, tuy rằng trong chính sử không nhắc đến, nhưng ít nhất cũng để lại một truyền thuyết đã được dân gian hóa bằng câu thành ngữ “Mả táng Hàm Rồng” (với nghĩa đen là di hài được táng trong miệng của con Rồng bằng đá dưới lòng sông).

Riêng về mộ phần của thân mẫu vua Đinh Tiên Hoàng thì chưa thấy có trong bất kỳ sử, sách cũng như truyền thuyết nào.

Ngôi miếu cổ bị lãng quên

Mới đây trong bài viết “Đi tìm mộ thân mẫu vua Đinh Tiên Hoàng” đăng trên trang web họ Đinh, tác giả Đặng Hùng cho hay, trong một lần điền dã về quê hương nhà bác học Lê Quý Đôn (xã Độc Lập – huyện Hưng Hà, Thái Bình), ông tình cờ vào thăm một ngôi miếu cổ ở thôn Lộc Thọ và hết sức ngạc nhiên bởi các cụ già làng nơi đây cho biết đó chính là thờ thân mẫu vua Đinh và ở Đình làng còn thờ bốn thuộc tướng của Ngài là Đinh Điền, Phạm Thành, Lưu Công, Sát Công.

Làng Lộc Thọ, theo thần phả, từ thời nhà Đinh vốn là trang Thụy Thú – làng Thụy Thú mà ngày nay bà con thường gọi tắt là làng Thú hay thôn Thú.

Ngôi miếu cổ thờ thân mẫu vua Đinh được tọa lạc trên một khu đất rộng rãi, nhìn về hướng Tây Nam (vọng về đất Hoa Lư – Ninh Bình chăng? – PV). Phía trước là hồ nước rộng. Sân miếu vừa đủ để rước kiệu trong những ngày tế lễ, hội làng.

Miếu được xây dựng với cấu trúc hình chữ Đinh, mái lợp ngói mũi, đầu hồi đắp đấu vuông bắt chỉ, nóc góc vuông có nghê chầu mặt nguyệt. Tiếp tiền sảnh là hậu cung. Tường hai bên được xây đắp hai cửa chớp vuông nhỏ.

Gạch xây miếu là gạch cổ, bản rộng; tường mặt ngoài bắt hèm cong lòng máng, không trát. Trong miếu, vật liệu làm khung, mái toàn bằng gỗ lim, cột quân, cột cái tròn, xà, bẩy, cân đầu mình má trai, soi chỉ và chạm hoa lá.

Tác giả Đặng Hùng còn ghi lại lời kể của các cụ Nguyễn Duy Gấm, Nguyễn Xuân Trà rằng: Trước đây, cánh đồng trước miếu có ngôi mộ giả, tương truyền là mả thân mẫu vua Đinh. Cây cối rậm rạp um tùm, dân vẫn quen gọi là Miễu. Bao đời nay, cha ông truyền lại rằng ngôi mộ thật hiện nằm ở hậu cung của miếu.

Tương truyền sau khi thân mẫu vua Đinh mất, Triều đình đã cho chở đá phiến về lát trên mộ. Sau này dân làng lập miếu thờ; khi xây hậu cung, đã dựng tường lên trên mặt đá của mộ. Hằng năm vào ngày sinh, ngày mất của thân mẫu vua Đinh, dân làng đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ những người có công với nước, với làng.

Hiện nay, trong lễ hội tế ở làng Lộc Thọ còn lưu truyền tục lễ Thần Nông. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 10-5 âm lịch hằng năm để kỷ niệm ngày mất của hai vị tướng đã từng theo thân mẫu và vua Đinh đi dẹp loạn 12 sứ quân. Đó là tướng Lưu Công và Sát Công.

Tục lệ này được dân làng gọi là tục té nước Thần Nông: sau khi làm lễ ở Đình, vị Thủ nhang mặc quần lương, khăn xếp, cầm cành nêu bằng tre dài khoảng 5m và một bó mạ rồi mang ra cánh đồng đầu làng, cắm cành nêu giữa ruộng, vị Thủ nhang mang mạ xuống ruộng cấy (trước đó, ruộng đã được cày bừa, tát nước).

Quan viên hàng huyện, hàng tổng, hàng xã cùng xuống ruộng và té nước vào vị Thủ nhang, coi như đó là Thần Nông. Càng té được nhiều nước vào “Thần Nông” thì càng tốt, mọi người chỉ dừng sau khi “Thần Nông” đã cấy hết bó mạ.

Theo lệ định, phải sau ngày lễ Thần Nông, thì người dân trong làng mới chính thức được cấy lúa vụ mùa. Sau lễ, dân làng trở về Đình làm lễ tế Thần Hoàng. Trong lễ hội, thường tổ chức hội rối, hội chèo và có tục đấu gậy.

Cuốn “Thần phả” quan trọng

Ngay sau khi bài viết của tác giả Đặng Hùng xuất hiện, một đoàn cán bộ của sở VH-TTDL Ninh Bình đã về tận nơi để khảo sát.

Sau khi nghiên cứu những tư liệu Hán – Nôm còn lưu giữ tại địa phương, trong đó có các sắc phong, thần phả, câu đối, đại tự, hai cán bộ trong Đoàn là Nguyễn Cao Tấn và Nguyễn Thị Vân đã có nhiều thông tin về nơi được coi là phần mộ của thân mẫu vua Đinh Tiên Hoàng như sau: Trong miếu cổ và Đình Lộc Thọ còn lưu giữ được cuốn “Thần phả” do Hàn lâm viện Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn ngày mùng một tháng giêng năm 1572, đến Triều vua Lê Vĩnh Hựu năm 1736 (năm thứ 2), Tiến sĩ Nguyễn Hiền phục sao để ban cấp cho dân làng Thụy Thú thờ tự, nêu rõ rằng: Miếu thờ “Quốc mẫu Thiềm Nương Hoàng Thái Hậu. Vốn dấy cờ khởi nghĩa ở Hoa Lư, thấy đã đủ mạnh, Đinh Bộ Lĩnh rời đi dẹp loạn Sứ quân, khi xuất quân có đem theo thân mẫu Đàm Thị. Thần phả ghi, bà Thiềm Nương – tức Đàm Thị - có tài cung kiếm…

Sau khi về với Sứ quân Trần Lãm ở Kỳ Bố Hải Khẩu (thuộc đất Thái Bình ngày nay – PV), Đinh Bộ Lĩnh đã cùng các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Công, Sát Công, Phạm Thành về đóng đồn ở Doanh Đầu (trang Thú Thụy) nhằm ngăn Sứ quân của Phạm Bạch Hổ đang chiếm giữ đất Đằng Châu (nay thuộc Kim Động - Hưng Yên).

Bức tượng thân mẫu vua Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Đặng Hùng
Bức tượng thân mẫu vua Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Đặng Hùng.

Ông lưu thân mẫu tại trang Thúy Thú rồi dẫn quân đánh dẹp. Khi sắp xưng vương, ông cho người về trang Thụy Thú rước mẹ nhưng do ốm nặng, bà không về Hoa Lư được và mất tại đó. Vua Đinh cho táng mẹ ở doanh đồn Thụy Thú.

Tương truyền, huyệt đào sâu 1 trượng 2 thước (khoảng 4,8 mét). Mặt huyệt dùng đá lấp lên, sau dân làng xây miếu ở trên để thờ. Vua lệnh miễn giảm tô thuế cho dân Thụy Thú, ngoài ra cấp 51 mẫu ruộng và 4 hốt bạc để dân làng canh gác, coi giữ miếu đường.

Cũng theo Thần phả, bốn tướng Đinh Điền, Phạm Thành, Lưu Cộng, Sát Công trở về Thụy Thú chiêu dụ dân chúng bảo vệ Hoàng Lăng, mộ địa.

Hiện Đình làng còn thờ 4 vị. Trong Đình còn lưu giữ được 10 đạo sắc phong của 3 đời vua Nguyễn: Thành Thái, Duy Tân và Khải Định. Các Triều vua đã ban cấp Thần hiệu: Trong cuốn Thần phả này còn nêu Quốc mẫu Thiềm Nương (Đàm Thị) sinh ngày 15-8 và hóa ngày 10-10.

Trong miếu thờ Thái Hậu có ghi “Thánh Hậu Đinh miếu” “Mẫu nghi thiên hạ” cùng nhiều câu đối, trong đó có câu

“Bát trâm tường Thiểm nam thiên hạ

Kỵ mã tâm hùng nữ trượng phu”

Từ nội dung trong cuốn Thần phả nói trên, cho thấy phần mộ của thân mẫu vua Đinh Tiên Hoàng ở thôn Thụy Thú nay là thôn Lộc Thọ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình ngày nay.

Vấn đề tồn nghi là tính xác thực của cuốn “Thần phả” được ghi chép từ thế kỷ 16 đến đâu? Và, trên thực tế, bà Đàm Thị có về đây không và nếu có về thì vào thời điểm nào?

Trả lời câu hỏi này, hai tác giả đã trích nêu nội dung trong cuốn “Việt sử lược” của tác giả khuyết danh đời Trần thế kỷ XIV đã được cố Giáo sư Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải như sau: “Tiên Vương húy là Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, mồ côi cha từ bé, cùng với mẹ, năm người ở cạnh đền Sơn Thần. Ngoài cửa có đám sen núi, trên lá có dấu sò ốc thành chữ “thiên tử”.

Từ nội dung trong cuốn Thần phả nói trên, cho thấy phần mộ của thân mẫu vua Đinh Tiên Hoàng ở thôn Thụy Thú nay là thôn Lộc Thọ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình ngày nay. Vấn đề tồn nghi là tính xác thực của cuốn “Thần phả” được ghi chép từ thế kỷ 16 đến đâu? Và, trên thực tế, bà Đàm Thị có về đây không và nếu có về thì vào thời điểm nào?

Khi vương còn bé, cùng bọn trẻ con chăn trâu ở thung lũng (sơn dã), được chúng tôn lên đứng đầu đám trẻ con, lấy lễ vua tôi mà thờ. Vương cùng bầy trẻ vui chơi, lại lấy hoa lau làm cờ đi tiền đạo, có hai bên tả hữu đưa rước, giống như nghi vệ Thiên tử.

Những ngày nhàn rỗi, đám trẻ con đều đi hái củi nạp cho Vương, chiều về đưa cho mẹ. Mẹ thấy thế vui mừng giết lợn để khao thưởng bọn chúng. Các phụ lão trong hương bảo với nhau rằng: “Thằng bé này khí độ khác thường, tất có thể cứu đời, yên dân. Lũ ta nếu không theo sớm, ngày khác tất hối đã muộn!”, bèn cho con em đến theo Vương, đóng ở trong sách Tế Áo.

Chú của Vương giữ sách không theo, Vương đem quân đến đánh, không thắng được bèn chạy đến vụng Đàm Gia. Cầu gẫy Vương bị hãm ở trong bùn lầy, chú toan đâm chết, nhưng thấy hai con rồng vàng che chở ở trên, bèn lui về và theo hàng Vương.

Bấy giờ trong nước vô chủ, Vương nghe tin Trần Minh Công là người hiền mà không có người kế tự, bèn cho con sang nương nhờ. Minh Công trông thấy quý trọng lắm, nuôi làm con mình, sai đi đánh 12 Sứ quân đều bình được.

Năm Mậu Thìn (968), Minh Công mất. Lại dân ở Kinh Phủ phần nhiều theo Vương. Năm đầu Khai Bảo, hiệu Thái Tổ nhà Triệu Tống (968), Vương xưng Hoàng đế ở động Hoa Lư”.

Nhiều cơ quan chưa vào cuộc

Chúng ta cũng đã biết rằng, trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, cũng nêu rõ chi tiết việc Đinh Bộ Lĩnh cùng với con trai là Đinh Liễn có thời gian sang nương tựa cánh quân của Trần Lãm tại Bố Hải Khẩu (Thái Bình), đối chiếu với đoạn sử trên, cho phép nhận định rằng, có thể trong khoảng thời gian này, khi cùng con trai là Đinh Liễn đóng quân tại Bố Hải Khẩu, Đinh Bộ Lĩnh đã đưa mẹ đi theo và để mẹ sống ở trang Thụy Thú cách Bố Hải Khẩu 18km.

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với các tác giả Đặng Hùng, Nguyễn Cao Tuấn, Nguyễn Thị Vân rằng, mặc dù vẫn còn dưới dạng “tồn nghi”, nhưng cho đến nay, cuốn “Thần phả” được lập từ năm 1572 còn lưu giữ được ở miếu Thọ Lộc là nguồn tư liệu duy nhất viết về phần mộ của thân mẫu vua Đinh Tiên Hoàng.

Chính bởi vậy, cũng như nhiều người, chúng tôi rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao đối với một nguồn tài liệu quý giá như thế, mà mới chỉ có một cá nhân (tác giả Đặng Hùng – Hội văn nghệ Thái Bình) và sở VH-TTDL Ninh Bình quan tâm, khảo sát; còn các Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử, cùng các cơ quan chức năng khác chưa thấy có ý kiến gì?!

Ngoài giá trị lịch sử, việc tìm ra đích xác mộ phần của “Quốc mẫu Thiềm Nương Hoàng Thái Hậu” giúp cho con dân nước Việt có dịp truy ân tới người mẹ đã sinh thành ra vị Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam, đã có công thống nhất đất nước, dựng nền độc lập, tự chủ cho dân tộc sau một ngàn năm Bắc thuộc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.