Những vị khách đặc biệt
"Khu phố của chúng ta là một khu dân cư do lịch sử sau cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại ở thế kỷ 20 hình thành, xây dựng và phát triển đã 20 năm qua" - Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2011 của Ban điều hành khu phố 4 thuộc phường 12, quận Tân Bình mở đầu như thế.
Năm 1991, Bộ Quốc phòng đã quy hoạch xây dựng các khu tập thể cho bộ đội ở phường 12, quận Tân Bình, TPHCM. Mỗi hộ gia đình sĩ quan được cấp 80-100m2.
Hai khu tập trung lớn là khu K300 và khu K200 (quy hoạch cho 500 hộ sĩ quan do Bộ Quốc phòng trực tiếp phân bổ từ toàn quân, nhiều cấp tá và tướng) cùng khu tập thể của các đơn vị trực tiếp đóng trên địa bàn phường như một sư đoàn, một trung đoàn, các đơn vị hậu cần...
Anh An, Phó chủ tịch UBND Phường 12 cho biết, Phường có diện tích 142,5ha, dân số 3 vạn, 7.000 hộ, 9 khu phố. Trong đó 5 khu phố là toàn gia đình bộ đội.
Phường có 1.600 cán bộ sĩ quan về hưu, trong đó có 22 sĩ quan cấp tướng, 160 sĩ quan cấp tá. Mặc dù theo thời gian một số vị đã qua đời nhưng theo sổ lương hưu, còn 21 người lĩnh lương hưu trên 8 triệu đồng/tháng.
Nói chuyện với các bác, chị Sinh cán bộ chính sách phường thường dùng từ "vâng", thay cho từ "dạ", bởi đó là một nét đặc trưng của khu bộ đội.
Phường có gần 1.000 đảng viên, chủ yếu bộ đội. Anh An đúc kết về công dân phường: Đàn ông thích uống trà, phụ nữ thích chơi thể thao. Đàn ông ăn phở bò mỗi ngày. Phụ nữ thích đọc báo, đàn ông đón con, cắt cử nhau dạy kèm con học bài.
Phụ nữ phố bộ đội đẻ ít con. Nét đặc trưng nữa của phố lính là họ rất quan tâm đến bữa ăn gia đình. Người Nam thuận giờ nào ăn giờ đó, gia đình bộ đội chờ nhau, đến bữa cơm chưa đông đủ, ăn sẽ buồn.
Ông Nga, trưởng ban điều hành khu phố 4 nói: "Trước khi ăn cơm phải mời, ăn xong cũng phải mời người khác ăn tiếp". Hàng xóm thì đối đãi bằng tình đồng chí. Ra đường, dù cấp nào, cũng đều chào hỏi nhau.
Ông kể: "Cụ bà vợ Đại tướng Phạm Văn Trà nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thường đi bộ với vợ tôi, rồi ghé vào từng nhà trò chuyện, cho đến lúc bà ấy qua đời".
Sĩ quan về hưu 70 tuổi vẫn xả thân bảo vệ khu phố. Anh Bình, một người chạy xe ôm quê miền Trung đã 20 năm gắn bó với khu K300 nói: "Xe ôm chúng tôi gồm 15 người, được mời vào cùng tham gia sinh hoạt tổ dân phố với các tướng tá. Chúng tôi cùng ngăn chặn các loại tội phạm. Riêng tôi đã tham gia cùng các bác bắt được hai tên cướp giật dây chuyền".
Sữa chua và cây xanh
Nhà văn hóa của khu K300 có nguy cơ bị giải tỏa. |
Đại tá Nga trước dạy ở Học viện quân sự tại Đà Lạt. Con cái học tại TPHCM, đại tá Nga nguyện vọng muốn được chuyển về khu K300.
Ông kể: "Nhà chia theo điểm. Mỗi cấp bậc chỉ tính 1 điểm, mỗi năm ở quân ngũ cũng tính 1 điểm. Tôi đại tá chỉ huy, nhưng nhập ngũ năm 1959 nên xếp vị trí nhà số 5. Đồng chí Đào cấp bậc trung tá, là quân nhân chuyên nghiệp chuyên sửa xe ô tô, nhưng nhập ngũ năm 1947, nên được xếp vị trí nhà số 3". Được phân nhà ở K300, bà Nghiện vợ ông không muốn đi. Với mức lương của chồng 15.000 đồng mỗi tháng khi đó, anh em trên Đà Lạt bảo với bà: "Về Sài Gòn, lương đại tá chưa đủ mua củi!".
Câu chuyện làm nhà của bộ đội rất gian truân, nhiều người không đủ tiền xây nên "bán đất non" cho anh em đồng chí, rồi đi ngoại thành mua nhà. Ban đầu ông Nga chỉ làm được một ngôi nhà tạm, lấy ván làm cửa.
Tính đến nay, trải qua 5 lần xây dựng sửa chữa, mới được ngôi nhà khang trang phủ hết diện tích 100m được cấp. Tiền xây nhà chủ yếu dựa vào các con. Ông Nga dẫn tôi lên tầng thượng, nơi có vườn hoa rực rỡ. Trên đó, ông thờ tượng Bác Hồ.
Ông Nga học sĩ quan lục quân vào những năm 1960, cùng lớp với Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tốt nghiệp, ông Nga và một đồng chí tên là Điểu được phân công làm công tác sư phạm quân sự còn ông Thanh trở lại chiến trường.
Sau nhiều năm phiêu dạt, khi về khu K300, ông Nga gặp lại ông Điểu. Đại tá Điểu làm trưởng khoa quân sự của trường Đại học Sư phạm.
Vợ ông làm sữa chua tại nhà. Đại tá Điểu đạp xe đi bỏ sữa cho các cửa hiệu. Ông Điểu nói: "Làm được nhà là nhờ hũ sữa chua".
Ông Nga và ông Điểu được gặp Bác Hồ khi Người về thăm Trường Lục quân. Đại tá Nga tặng tôi bài viết của ông về kỷ niệm ấy, có đoạn:
Câu hỏi đầu tiên của Bác với chúng tôi, giọng ấm áp:
- Trước đây thực dân Pháp sang ta có đông không?
Chúng tôi đồng thanh:
- Thưa bác, đông ạ, đông ạ
- Các chú có đánh được không?
- Thưa Bác, đánh được ạ, đánh được ạ
- Thế mà Bác về trường các chú rất nhiều rồi, sao các chú không đánh được?
Giữ chức trưởng ban điều hành khu phố 4 gần 20 năm, đại tá Nga cho biết khu phố của ông (5 chi bộ trong đó có chi bộ 62 đảng viên) mỗi gia đình đều phải trồng ít nhất một cây xanh loại lớn. Tỷ lệ cây xanh trong dân cư luôn cao nhất quận Tân Bình.
Thấp thỏm bên nhà văn hóa
Tầng thượng nhà ông Nga đặt tượng Bác Hồ. |
Cuộc sống thay đổi nhiều kể từ khi đại tá Nga từ Tây Nguyên xuống Sài Gòn. Nhà cửa đẹp hơn, phố xá không còn lầy lội. Giá đất tăng chóng mặt. Nỗi buồn nữa của ông Nga là hai điểm sinh hoạt cộng đồng của anh em tại lô H, lô B, mỗi điểm rộng 1.000m2, đã biến thành nhà ở.
Nơi sinh hoạt công cộng cuối cùng của khu phố là nhà văn hóa, rộng 1.100m2, từng có lệnh giải tỏa thu hồi đất, nhưng anh em khiếu nại nên đã tiếp tục được sử dụng. Mới đây, dấy lên tin đồn sẽ tiếp tục giải tỏa nhà văn hóa khu K300.
Ông Nga dẫn tôi tới thăm nhà văn hóa do các cựu quân nhân góp sức xây dựng, làm bằng tôn.
Trẻ em chơi thú nhún, người trẻ đánh bóng bàn, chơi cầu lông. Từ mọi chiến trường quần tụ, các binh chủng hợp thành một ván cờ. Các ông đánh cờ với nhau, ôn lại người còn kẻ mất.
"Nguyện vọng của anh em chúng tôi là giữ được nhà văn hóa K300 đã được quy hoạch này, làm nơi sinh hoạt chung, để giáo dục con cháu giữ gìn nề nếp và sự đoàn kết của gia đình quân đội, tránh các tiêu cực xã hội" - các vị sĩ quan cao cấp nói với tôi bên ván cờ chiều.
Đàn ông thích uống trà, đàn bà thích chơi thể thao. Đàn ông ăn phở bò mỗi ngày. Đàn bà thích đọc báo, đàn ông đón con, cắt cử nhau dạy kèm con học bài. Đàn bà phố bộ đội đẻ ít con. |
3-2012