'Vượt biên' vào Palestine

'Vượt biên' vào Palestine
TP - Tôi vừa có chuyến vượt biên vào vùng đất được cho là nguy hiểm, huyền bí nhất thế giới là Palestine. Tôi không cần visa, không bị kiểm tra an ninh gắt gao cả lúc vào và ra nhờ đi theo cách của dân địa phương.

Du lịch kiểu... Úc

Thành phố Nblus nhìn từ trên cao Ảnh: H.C
Thành phố Nblus nhìn từ trên cao Ảnh: H.C.

Khi còn ở Nepal, tôi có quen Jehad, chàng trai người Palestine du học ở thủ đô Kathmandu. Jehad về quê lúc tôi đang ở Israel. Máu liều nổi lên, tôi tìm đường sang Palestine thăm cậu. Quyết định sang Palestine với tôi thật khó vì những người tôi quen chưa ai từng dám vào Palestine, còn thông tin trên internet không có. Ngay cả Jehad cũng mù tịt về thủ tục vào lãnh thổ Palestine.

Hỏi bất cứ người bạn Israel nào, họ cũng khuyên tôi không nên đi vì bạo lực dường như đang gia tăng. Ngay cả cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Israel cũng cho biết tự đi rất nguy hiểm. Một trở ngại khác với tôi là visa Israel của tôi là visa một lần vào, nếu từ Israel vào lãnh thổ Palestine là đã xuất cảnh khỏi Israel nên không thể quay lại.

Vào Palestine thực ra dễ hơn mọi người nghĩ. Đường đi không khó, cái khó nằm ở chỗ làm sao tìm đường để đi.

Thông tin về Palestine trên Internet toàn về xung đột, không giúp ích gì cho tôi. Thông thường, người ta sang Palestine từ Jerusalem, nhưng tôi xuất phát từ Tel Aviv. Theo chỉ dẫn của Jehad, tôi đến trạm kiểm soát Tappuah, từ đó bắt xe buýt sang Palestine. Khi tôi đến trạm xe buýt trung tâm Tel Aviv, hỏi Cty xe buýt có xe đến Nablus (thành phố của Palestine), họ đều lắc đầu ái ngại.

Tôi gọi điện cho Jehad. Anh chàng mắng tôi trên điện thoại: “Đừng có nói với người Israel là bạn sang Palestine, phải hỏi xe buýt đi Ariel (thị trấn của Israel) rồi mới đi tiếp”.

Hỏi xe buýt đi Ariel thật đơn giản. Sau 30 phút trên xe, tôi xuống xe ở cái bùng binh như chỉ dẫn và thấy ngay biển chỉ đường đi Tappuah Junction to tướng. Chờ chưa đầy 10 phút, tôi đã thấy một xe buýt màu vàng tiến đến và chỉ mất nửa tiếng để đến thành phố Nablus.

Tôi vào Palestine mà không có bất kỳ một trở ngại nào, thậm chí còn không bị chặn lại kiểm tra hộ chiếu ở trạm kiểm soát. Jehad cho biết vào Palestine hiện dễ hơn nhiều. Cách đây 2 năm, mọi chuyện khó hơn, chỉ những ai làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, cứu trợ mới được vào.

Tuy nhiên, từ Palestine để vào lại Israel lại là chuyện khác. Jehad trấn an rằng tôi là người nước ngoài sẽ đơn giản hơn. Trong khi đó, Jehad và những người Palestine khác không được phép vào Israel, ngay cả thăm gia đình là những người theo đạo Hồi có quốc tịch Israel. Cách đây mấy tuần, để đến thăm chú mình ở Israel, cậu phải nhảy qua bức tường an ninh ngăn cách lãnh thổ Palestine và Israel ở Jerusalem. Nhưng như thế luôn nguy hiểm và nhiều thanh niên thiệt mạng vì việc này.

Nụ cười ngây thơ của trẻ em Palestine Ảnh: HC
Nụ cười ngây thơ của trẻ em Palestine Ảnh: HC.

Giá rẻ bất ngờ

Vì không bị kiểm tra hộ chiếu, tôi chỉ biết mình đang ở đất Palestine khi các banner quảng cáo bắt đầu được viết bằng tiếng Ả-rập thay vì tiếng Hebrew. Cảnh vật xung quanh cũng thay đổi dần. Nếu Israel là một quốc gia phát triển và ngăn nắp, Palestine có vẻ hoang tàn hơn nhiều với những đống đổ nát chỗ này chỗ kia do xung đột triền miên.

Đường phố Palestine tràn ngập đồ ăn vỉa hè với đủ món của người Ả rập, khung cảnh trái ngược với Israel. Những chiếc taxi màu trắng đặc trưng của Israel được thay thế bằng những chiếc taxi màu vàng với lá cờ Palestine tung bay.

Sự khác biệt gây sốc nhất chính là giá hàng hoá. Dù Palestine dùng chung đồng Shekel (viết tắt là NIS) với Israel, và chỉ cách Israel một bức tường, nhưng mọi thứ ở đây đều rẻ hơn gấp 4-5 lần. Một chai nước lọc ở Israel lên tới 7-8 NIS, ở Palestine chỉ khoảng 1,5 NIS.

Nếu một falafel (bánh mỳ nhân đậu xay rán, món ăn đặc trưng của Israel, Palestine cũng như khu vực Trung Đông) ở Israel có giá không dưới 10 NIS thì ở Palestine chỉ 1-2 NIS. Một shawarma (bánh mỳ nhân thịt) ở Israel rẻ cũng phải 25 NIS, ở Palestine chỉ trên dưới 10 NIS...

Mọi thứ rẻ hơn đồng nghĩa với việc tiền lương thấp hơn nhiều. Nếu ở Israel, mức lương tối thiểu là 22 NIS/giờ, ở Palestine chỉ khoảng 1.000 NIS/tháng đã được cho là cao. Vì thế, không ít người Palestine vượt bức tường an ninh sang Israel tìm việc làm. Jehad là một trong số đó.

Tuy nhiên, tìm việc ở Israel không dễ với một người Ả-rập không có giấy tờ. Sau một tuần tìm việc không được, tiêu hết tiền, Jehad đành quay lại Palestine. Khi tôi sang, Jehad làm việc cho một nhà hàng ở Ramallah, được cho là thủ đô của Palestine. Jehad cho hay, khi mới vào làm, cậu được hứa trả 100 NIS/ngày, nhưng thực tế chỉ được nhận 30 NIS/ngày. Cậu không dám nghỉ việc, bởi có việc làm là may rồi.

Hai bạn gái Palestine (trái) và tác giả Ảnh: Jehad
Hai bạn gái Palestine (trái) và tác giả Ảnh: Jehad.

Đẻ vô tư

Đến ở cùng Jehad tại Nablus, tôi có cảm giác cả nhà không ai phải đi làm. Tôi ở đó 3 ngày, lúc nào cũng thấy mọi người ở nhà, chiều chiều cả gia đình lại quây quần uống trà. Gia đình Jehad được coi là thuộc tầng lớp trung lưu bởi có nhà, đất riêng, không phải sống trong trại tị nạn. Bố Jehad là trinh thám, một mình ông làm việc nuôi cả gia đình.

Tại Palestine không có kế hoạch hóa gia đình. Một cặp vợ chồng có trên 10 người con không phải chuyện lạ. Nhà Jehad có 7 anh chị em. Ông bà nội cậu có 13 người con. Ông bà ngoại có 11 người con. Cậu có nhiều anh chị em họ đến nỗi không đếm nổi có bao nhiêu người. Góc phố, ngõ hẻm nào ở Nablus cũng tràn trẻ em chơi đùa.

Thật khó để hình dung một Palestine mà không có sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ. Có lẽ không ở đâu mà các tổ chức phi chính phủ lại có sự hiện diện nhiều như ở Palestine. Họ hoạt động tại trường học, bệnh viện, đường phố trên mọi lĩnh vực như giáo dục, y tế, kinh tế, nhân quyền... Vì vậy, ở đây có nhiều cơ hội để làm tình nguyện.

Người nước ngoài đến đây vì muốn giúp đỡ Palestine hơn là để tham quan; ngoại trừ tại những điểm du lịch nổi tiếng như Bethlehem, nơi ra đời của Chúa Jesus theo Kinh Thánh và Juricho, được cho là thành phố cổ nhất thế giới với 10.000 năm tuổi.

Những người nước ngoài tôi gặp ở Palestine hầu hết là tình nguyện viên. Công việc phổ biến nhất của họ là dạy tiếng Anh cho trẻ em tại các trại tị nạn. Thời gian ở Bờ Tây, tôi được bạn trẻ mách đủ cơ hội tình nguyện, nhưng vì thời gian không cho phép nên đành bỏ lỡ.

Nhành ô liu nhuốm máu

Một tuần ở Palestine, bạo lực xảy ra không ít, nhưng tôi may mắn không gặp phải. Người ta thường dùng hình ảnh nhành ô liu nhuốm máu để nói về Palestine. Cây ô liu xuất hiện ở khắp nơi và là nguồn thu chính của những gia đình Palestine tôi quen, nó còn là biểu tượng của tình yêu, hoà bình, thịnh vượng.

Thăm những khu phố cổ ở phía Bờ Tây, Ramallah, Nablus hay Bethlehem cho tôi cảm giác yên bình đến lạ.

Với tôi, Palestine là một mảnh đất lịch sử, văn hóa xinh đẹp với những con người thân thiện. Tôi yêu vô cùng những em bé tại quê hương của Jehad nhất định không muốn để tôi đi, bởi tôi là người đầu tiên dạy các bé tập thể dục nhịp điệu.

Tôi có ấn tượng nhiều với Ali Dar Dores, cậu bạn sinh viên khoa nhiếp ảnh trường nghệ thuật quốc tế (thành lập và hoạt động với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ) dành thời gian cả ngày đưa tôi đi thăm những ngõ hẻm của Ramallah. Ở một đất nước của bất ổn, xung đột, nghệ thuật có lẽ là điều xa xỉ, nhưng cậu vẫn nhất quyết theo đuổi đam mê với hy vọng có thể giúp thế giới hiểu thêm về Palestine qua ảnh.

Hành trình vào lại Israel đơn giản hơn tôi nghĩ. Tôi mua vé xe buýt (khoảng 60 ngàn đồng quy ra tiền Việt) từ Bethlehem về Đông Jerusalem (nơi nhiều người Palestine sinh sống). Trên xe toàn là người Palestine đứng tuổi.

Thật lạ, xe chạy một mạch không có ai kiểm tra và chỉ mất 30 phút đã đến nơi. Tài xế cho biết, không hiểu sao hôm đó không có ai kiểm tra, nhưng thông thường an ninh Israel hay dừng xe để ngó nghiêng, hoặc kiểm tra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.