Chuyên gia World Bank về Vân Đình làm tộc phả

Ông Dương Nghiệp Bảo tại khách sạn phố cổ Lò Sũ Ảnh: Mai Xuân Tùng
Ông Dương Nghiệp Bảo tại khách sạn phố cổ Lò Sũ Ảnh: Mai Xuân Tùng
TP - Hội trường lớn nhà họp Quốc gia Mỹ Đình, vóc dáng nhỏ thó của ông như lọt thỏm như lẫn vào hàng ngàn đại biểu của hơn 60 quốc gia về dự cuộc họp thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nhưng ít ai biết đó là một nhân vật VIP của cả ADB lẫn Ngân hàng Thế giới (WB)...
Ông Dương Nghiệp Bảo tại khách sạn phố cổ Lò Sũ Ảnh: Mai Xuân Tùng
Ông Dương Nghiệp Bảo tại khách sạn phố cổ Lò Sũ. Ảnh: Mai Xuân Tùng.

Để gặp được ông, tôi phải cậy nhờ tiến sĩ ca trù Nguyễn Xuân Diện... Tại sao lại ca trù ở đây? Vân Đình Ứng Hòa, Hà Đông là quê hương của những đào Hồng đào Tuyết trong thế giới ca trù tao nhã mà tên tuổi gắn liền với các tác gia dòng họ Dương như Dương Khuê, Dương Lâm, Dương Tự Nhu.

Cụ Dương Khuê còn nằm trong nhóm tứ chi văn danh giá. Chả là có 4 văn nhân nổi tiếng, sống cùng thời. Tỷ như Dương Khuê được gọi là Thần tiên chi văn (văn chương của bậc thần tiên), thứ nữa là Nguyễn Thượng Hiền với danh xưng Kinh bang tế thế chi văn (Văn chương của bậc kinh bang tế thế), rồi Vũ Phạm Hàm với cái tên Cử tử chi văn (Văn chương mẫu mực của người đi thi), sau nữa là Chu Mạnh Trinh người đời gọi là Tài tử chi văn (Văn chương của khách tài tử).

Hai anh em Dương Khuê, Dương Lâm từng để lại cho hậu thế những trực hệ tiếng tăm. Những cụ Nghè Dương Thiệu Tường, đỗ tiến sĩ năm 1919, giáo sư - tiến sĩ - nhà nghiên cứu giáo dục Dương Thiệu Tống, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước... Còn ông là cháu nội cụ nghè Dương Thiệu Tường. Tôi cũng chưa kịp hỏi cơn cớ nào ông không theo tiền nhân lấy lại tên lót cũ mà có tên là Dương Nghiệp Bảo và tên Tây là Bernard Donge?

Có thể là hồi tao loạn những năm đã ngái xa ấy ông rời đất Bắc vào Nam rồi được lựa đi học tại Học viện Ngân hàng Anh quốc rồi sang Hoa Kỳ học tiếp ngành ngân hàng nên lấy tên ấy để tiện giao dịch? Hoặc sau đó được chọn sang Phi Luật Tân làm việc tại trụ sở ADB Dương Nghiệp Bảo mới có tên ấy? Hiện ông mang quốc tịch Pháp, định cư ở Hoa Kỳ, là nhân viên của WB.

...Giờ giải lao cuộc họp tại Mỹ Đình, có một thoáng tôi thấy ngài Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda trao đổi với một nhóm khách kiêm cộng sự, trong đó có ông. Tôi không được tường lắm duyên do lẫn cơn cớ thời điểm hơn mười năm trước, đại diện của 64 quốc gia trong ADB nhất trí bầu Dương Nghiệp Bảo- Bernard Donge làm Tổng Thanh tra của ADB.

Một chuyên viên cao cấp ngành ngân hàng đã định nghĩa cho tôi, cái quyền lẫn trách nhiệm của vị trí Tổng thanh tra là có thể đàn hặc cả ông Chủ tịch ADB! Đàn hặc thì rậm nghĩa. Nhưng đại loại là có thể bắt bẻ kiểm soát chi phối này khác!

Ông Bảo cùng tác giả
Ông Bảo cùng tác giả.

Tôi cứ đinh ninh việc làm phiền ông vào lối tối muộn như thế này (từ TT Hội nghị QG Mỹ Đình theo ông về tận khách sạn tư nhân ở phố Lò Sũ) mình sẽ tường được phần nào những bắt bẻ kiểm sát trong thời gian 3 năm ông giữ cương vị Tổng thanh tra ADB. Nhưng con người mảnh dẻ này với chất giọng rủ rỉ lại quá kiệm lời khi nói về mình. Hoặc giả đây không phải đối tượng để ông chia sẻ trong lãnh vực chuyên môn.

Ngay cả khi tôi tò mò việc ông từng tham dự chương trình cải tổ tài chánh công tại Việt Nam năm 2000 và 2005 (được chọn là Dự án có nhiều ảnh hưởng nhất trong các dự án của World Bank trên toàn thế giới năm 2008 như người ta từng giới thiệu) ông cũng chỉ giới thiệu vắn tắt đó là những đường hướng cải tổ ngân sách và phương cách quản trị tài chính mà ông tham gia không phải với tư cách nhà kinh tế!

Nhưng có lúc tôi đã bừng tỉnh... Ông như một nhà xã hội học dắt dẫn người nghe đến những đồng cảm không thể sốt ruột và nóng vội khi trao đổi lại những vấn đề thời sự đại loại Việt Nam đang ở đâu trong quá trình lẫn thang trật lạm phát? Rồi các nước nghèo và đang phát triển ở châu Á rất dễ bị tổn thương bởi lạm phát vv...

Ông nói đến tính cách dân tộc, đến những quan liêu quốc gia ngáng trở, làm giảm hiệu ứng của những thông lệ quốc tế. Tính cách lẫn sự quan liêu ấy cần phải khắc phục và điều chỉnh!

Tò mò về những thành công của ông trong gần 10 năm làm việc cho nhiều nước Phi Châu với tư cách tham vấn của WB tại Madagascar, Benin, Morocco, Côte d’Ivoire, Senegal, Togo, Ghana, Burkina Faso. Rồi việc ông từng nhận được những giải thưởng danh giá của WB...

Vị chuyên gia tham vấn tài năng của WB khiêm tốn lại thoắt thành nhà xã hội học khi phân tích cho tôi tường thêm rằng tại sao các cơ quan tài trợ lại chọn chuyên viên Việt Nam làm cho các dự án phát triển của họ ở Phi Châu? Tại sao các nước Phi Châu thích chuyên viên Việt Nam hơn? Rồi lý do chuyên viên Việt Nam làm việc nhiều ở Phi Châu? vv... Phân tích cùng nhận xét ấy khá là thú vị.

Đêm mồng một tháng 4 Tư âm lịch nhưng gió mùa đông bắc lại trái khoáy ràn rạt về. Trên quán cà phê tầng thượng khách sạn cổ phố Lò Sũ, ông hướng cái nhìn về phía dòng sông Cái như đang bừng thức trong ánh đèn khuya Hà thành. Hình như cái người từng tá túc hầu hết những khách sạn hạng sang trên hành tinh (hiện tại ông đang tham gia coi sóc 145 dự án với nhiều trăm tỷ USD của WB trên khắp thế giới) lại có vẻ thích căn gác Hà thành khiêm tốn.

Ông đang nói về kỷ niệm thuở ấu thơ với nhà văn Tào Mạt... Cậu bé Nguyễn Đăng Thục (tên khai sinh nhà văn, Đại tá, NSND Tào Mạt) con ông Ngao, từ bé ở với cha có nhiệm vụ coi sóc ngôi nhà thờ họ Dương tại Vân Đình. Sắc màu của những bức đại tự câu đối cùng những đêm ca trù hồng hồng tuyết tuyết đã ám vào tuổi thơ Nguyễn Đăng Thục để sau này Nguyễn Đăng Thục trở thành nhà thư pháp nổi tiếng và nhuần nhuyễn khi vận những âm điệu ca trù vào Đường về trận địa, Bài ca giữ nước lưu danh hậu thế!

Mỗi lần theo cha mẹ về thắp hương và dự hát ở nhà thờ họ là cậu Bảo giáp mặt với cậu con trai của người lão bộc tận tụy... Nếu còn sống, tác giả bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước chỉ hơn tuổi ông một chút. Năm 2008, nhà thờ họ Dương được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia!

... Ông đang nói về cuốn tộc phả mà ông tranh thủ hoàn thành trong chuyến về Vân Đình lần này, và dự định hoàn thành một cuốn khác đại loại Dương gia thi cùng giai thoại (thơ và giai thoại họ Dương). Ông nói họ Dương Vân Đình có gốc trong Nghệ ra, nhiều người sở hữu thơ ca lẫn giai thoại.

Rất nên sưu tầm làm gia bảo cho con cháu dòng họ. Ông nói bà vợ ông sẽ giúp việc này. Tuy sống ở nước ngoài lâu nhưng bà rất rành tiếng Việt lại thạo rành thi ca. Ông gặp bà ở Đà Lạt những năm xa quê gốc của bà ở Bần Yên Nhân... Làm được những việc ấy cũng thỏa tâm nguyện của người cha già 99 tuổi của ông hiện đang định cư trên đất Pháp!

Càng ngồi thêm mỗi lúc càng ngạc nhiên... Cái con người vóc dáng mảnh mai nhỏ thó này không ngờ lại là một võ sư? Ông cười, bây giờ thấy mình khỏe hơn hồi trẻ. Hồi trẻ, tật bệnh cùng mình... Mà cái nghề phải đi khắp thế giới. Nội vài ngày thay đổi mấy múi giờ đã khốn. Ông tìm đến thái cực quyền, đến thiền. Sang tận Bắc Kinh trực tiếp thụ giáo một thời gian dài. Bệnh tật dần dà lui hết và ông bây giờ có một lớp dạy võ bên Hoa Kỳ!

Có thể ông là dung lượng của một cuốn sách tày tặn của những đối tượng khác, của nhiều đêm khác? Nhưng tôi không dám ngó đồng hồ, bởi biết phần đêm quấy quả ông hình như đã hết?

Việt Nam là quốc gia thành viên của ADB từ năm 1966. Đến nay, ADB đã cung cấp cho Việt Nam 114 khoản vay chính phủ với tổng trị giá 9,09 tỷ USD, một khoản bảo lãnh trái quyền trị giá 325 triệu USD...

ADB có trụ sở chính tại Manila, Philippines có mục tiêu hoạt động là giảm đói nghèo ở châu Á-Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế toàn diện, tăng trưởng bền vững về môi trường và hội nhập khu vực.

Hội nghị thường niên ADB là cuộc họp theo quy định nơi các Thống đốc có thể đưa ra định hướng về những ưu tiên hoạt động, ưu tiên tài trợ cũng như ưu tiên về quản lý hành chính của ADB.

 

Dương Nghiệp Bảo (Bernard Donge)

Nguyên Tổng Thanh tra của ADB (Ngân hàng Phát Triển Á Châu, Asian Development Bank), đã làm việc cho nhiều nước Phi Châu với tư cách tham vấn của Ngân hàng Thế giới (2000-2010).

Đã nhận 3 giải thưởng của World Bank: 2 giải thưởng cá nhân (về công tác tại Phi Châu 2000 và 2006 ), một giải thưởng đồng đội, vì đã tham dự chương trình cải tổ tài chánh công tại Việt Nam năm 2000 và 2005. Chương trình này được chọn là Dự án có nhiều ảnh hưởng nhất trong các dự án của World Bank trên toàn thế giới năm 2008. 

Tiết khai hạ năm Mão

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lý do Thanh Thủy mặc áo dài khi trở về Việt Nam
Lý do Thanh Thủy mặc áo dài khi trở về Việt Nam
TPO - Hoa hậu Thanh Thủy trở về nước nhà với tà áo dài đầy thướt tha. Hoa hậu chọn cho mình mẫu áo dài hồng nhạt đồng nhất với màu ngọc trai trên vương miện. Đây cũng là dịp để Hoa hậu Quốc tế 2024 quảng bá vẻ đẹp của người con gái Việt trong tà áo dài với khán giả trong nước và quốc tế.