Đời thợ đụng 'âm phủ'

Tời đất lên khỏi giếng
Tời đất lên khỏi giếng
TP - 'Ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ'. Đó là câu cửa miệng mà dân đào giếng thuê ở Tây Nguyên nói về công việc của họ. Không ngoa chút nào khi cuộc mưu sinh của họ luôn diễn ra dưới lòng đất với những mối nguy hiểm rình rập.
Anh Ma Vin xuống giếng bắt đầu công việc Ảnh: V.T
Anh Ma Vin xuống giếng bắt đầu công việc. Ảnh: V.T.

Dưới cái nắng gay gắt của Tây Nguyên mùa khô, hàng trăm ngàn hécta cà phê cần một lượng nước lớn. Trong khi, nước ở các hồ đập chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu, còn lại phải lấy từ những giếng đào, giếng khoan, sông suối.

Tại Đăk Lăk có 642 công trình thủy lợi, nhưng chỉ mới tưới được hơn 46.160 ha cà phê, chiếm trên 25,3% diện tích cà phê toàn tỉnh. Cứ như vậy, mùa khô về các thợ đào giếng ở đây lại tất bật chạy sô.

Trong một vườn cà phê ở buôn Tul, xã Ea Tul, huyện Cư M'ga, hai cha con Ma Zet còng lưng tời đất dưới giếng lên. Phía dưới, Ma Vin đang hì hục đào đất. Mới năm ngày, tổ thợ đã đào được một chiếc giếng sâu 20 m, đường kính 1m.

Ma Vin cho hay đã gần 10 năm nay anh đi đào giếng thuê cho những hộ dân trong xã, ai gọi đâu đào đó. Đây là cái giếng đầu tiên anh đào trong mùa khô năm nay. Gia đình Ma Zet có 6 người nhưng chỉ có chưa đầy 1ha cà phê nên phải đi làm thêm.

Tời đất lên khỏi giếng
Tời đất lên khỏi giếng.

Từ dưới giếng trèo lên, người Ma Vin lấm lem bùn đất. Anh đã ở dưới đó suốt buổi sáng, dưới độ sâu cả chục mét khó thở lắm, ở đây không có điện để bỏ quạt gió xuống nên phải ráng mà đào. Đôi bàn tay chai sạn của anh rướm máu vì sáng nay gặp phải đoạn đất cứng. "Cực như vậy, nhưng mỗi ngày công tính ra cũng được 150-200 ngàn đồng, cao hơn chẳng đáng là bao so với việc đi làm cỏ, tỉa cành cà phê" - Ma Vin hổn hển nói.

Bữa trưa, ba người ăn tại chỗ để tranh thủ thời gian đào được nhiều đất hơn. Bữa cơm đơn giản chỉ có một món canh rau bí nấu với thịt heo.

Nhóm thợ của Ma Zet được thành lập từ 5 năm nay, mùa khô nào cũng tất bật bởi những đơn đặt hàng đào giếng. Bộ đồ hành nghề của họ vỏn vẹn có một bộ tời thủ công, một chiếc sọt bằng sắt, một chiếc xà beng và cái xẻng.

Trong khi đó, nhiều nhóm thợ đào giếng ở những vùng khác lại tỏ ra chuyên nghiệp hơn khi trang bị công cụ đào giếng hiện đại, có sự phục vụ của máy móc để tăng cường hiệu suất làm việc.

Chúng tôi ghé nhà anh Bùi Trọng Thủy ở thôn 1 (xã Ea Ngai, huyện Krông Buk) người đã từng thắp bóng điện đào giếng sâu đến 40m để được nghe anh kể câu chuyện dài về cái nghề "ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ".

Từ Nghệ An vào Đăk Lăk năm 1995, anh bắt đầu theo những nhóm thợ đào giếng đi khắp nơi. Có kinh nghiệm cộng thêm một ít vốn anh quyết định lập nên tổ thợ do anh đứng đầu chuyên đào và khoan giếng thuê. Anh sắm máy phát điện, tời máy và thuê thêm 4 người để đáp ứng nhu cầu công việc. Ngoài ra đứa em trai và vợ cũng tham gia những lúc rảnh rỗi.

Anh nhớ lại: Năm anh 16 tuổi đã vào Tây Nguyên theo người khác đi đào giếng. Những ngày đầu tiên, đi quay giếng nặng quá về nằm ói ra máu luôn, nghề ni cực lắm. Không có nhiều rẫy, nhiều cà mới phải dấn thân vào.

Anh Thuỷ đang chuẩn bị đồ nghề để đi đào giếng
Anh Thuỷ đang chuẩn bị đồ nghề để đi đào giếng.

Tính mạng: chỉ mành treo chuông

Những người làm nghề này sợ nhất là nhận đào giếng cũ (giếng đã sử dụng trước đó nhưng đào thêm để đủ nước tưới). Phải vừa bơm nước vừa đào. Giếng này ngâm nước lâu nên đất nhão thành bùn, đào không cẩn thận là có thể sập bất cứ lúc nào.

Mùa này, đội của anh nhận hai cái giếng đào lại, đều phải bỏ cuộc vì đào được một tí là lại sập. "Mỗi lần đặt chân xuống đáy giếng cảm nhận lớp đất ướt mềm nhũn là lạnh sống lưng, cứ ngỡ nó có thể chôn vùi mình luôn. Như cách đây mấy hôm, mới xuống đào được vài xô đất thì đất hai bên đổ sập xuống lưng, may mà nó sập có một mảng nhỏ. Cái giếng cũ bọn tui nhận đào lại đã sâu hơn 30m rồi!".

Anh chia sẻ: "Cứ mỗi lần bước xuống giếng là như xuống địa ngục, tối tăm nguy hiểm. Ở độ sâu khoảng 30 m chỉ cần một hòn đất bằng đầu ngón tay cái rơi xuống đã đau điếng người, to bằng cỡ cổ tay là toi chứ chẳng chơi".

Từ một người khỏe mạnh, giờ đây anh Nguyễn Văn Toàn (SN 1973, ở buôn Cư Juốt, xã Cư Pong, huyện Krông Buk) phải gắn chặt cuộc đời mình trên chiếc xe lăn bởi tai nạn thương tâm khi đang đào giếng thuê. Tháng 8-2008, anh nhận đào lại giếng cho một công ty.

Sáng hôm đó, anh lên xem giếng lắp đặt tời và máy bơm nước. Buổi chiều anh và hai người nữa bắt tay vào đào. Anh nhận trách nhiệm xuống giếng, vừa đào được xô đất đầu tiên hô người bên trên kéo lên. Xô đất vừa đến miệng giếng thì rủi thay nó va vào thành giếng được xây bằng gạch.

Một trận mưa gạch rơi từ độ cao khoảng 22m rơi xuống đầu anh, cái mũ cối anh đội trên đầu cũng không bảo vệ nổi. Anh bị gạch chấn vỡ hộp sọ ngất xỉu. Người ta phải buộc anh vào dây cáp kéo lên. Sống thực vật mất một năm mới hồi tỉnh, chân tay bị tê liệt, mắt cũng loà theo.

Tai nạn xảy ra khiến gia đình anh kiệt quệ, được miếng rẫy 7 sào cà phê cũng phải bán rẻ cho người ta để lấy tiền thuốc men. Bây giờ, cả gia đình 4 miệng ăn trông chờ vào đồng tiền công làm thuê ít ỏi của người vợ. Anh cười méo xệch: "Có cho vàng thỏi cũng không làm nữa. Cũng tại cái nghèo mới đi làm nghề này chứ giàu thì chẳng ai dại gì làm cái công việc ba phần sống, bảy phần chết đâu chú ạ!".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.