>> Mỳ tôm
>> Thu lại tiền cứu trợ của dân làm gì?
>> Bạn đọc Tiền Phong ủng hộ hơn 2,2 tỷ đồng
>> Xác xơ khi cơn lũ đi qua
Trẻ em vùng lũ phải ăn mì tôm sống nhiều ngày liền . |
Khi cơn lũ đi qua, điệp khúc mì tôm vẫn vang lên đã đặt ra nhiều câu hỏi cho công tác cứu trợ. Trong khi đó, ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, một số người dân bị lũ cô lập đã rơi nước mắt khi được ăn cơm nắm...
Một cơn lũ mì tôm
Cụ Phan Thị Hà (xã Phúc Đồng, Hương Khê) móm mém nhai miếng mì tôm sống. Cụ nhăn mặt bảo: “Khổ quá, già rồi, răng rụng hết, ăn mì tôm sống đau lắm. Ăn mì liên tục 6 ngày rồi, bị táo bón nhưng cứ phải nhai vì không có chi ngoài mì tôm cả. Sao cứ cho toàn mì tôm thế?”.
Cụ Hà ngồi cạnh 5 thùng mì tôm. 5 đoàn cứu trợ đến đây, đoàn nào cũng biếu một thùng. Cụ thèm cơm trắng quá, nhưng không biết làm thế nào khi mà nhà đang bị ngập, thóc lúa trôi hết. Cụ mong có đoàn cứu trợ nào đó mang theo bánh mì, lương khô hay bất cứ thứ thực phẩm nào khác... trừ mì tôm.
Có tiếng xuồng máy. Một đoàn cứu trợ khác đang vào, trên tay mang theo một thùng mì tôm...
Khi trận lũ đang nhấn chìm nhiều huyện của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, người dân cả nước đã hướng về ba tỉnh Bắc miền Trung với tinh thần nhường cơm sẻ áo. Hàng cứu trợ đồng bào lũ lụt theo cách truyền thống nhất vẫn là mì tôm.
Một cơn lũ mì tôm đã đổ về ba tỉnh này và thực tế đã giúp cho nhiều người dân thoát khỏi những cơn đói giữa biển nước mênh mông. Nhưng sẽ ra sao nếu danh mục hàng cứu trợ gần như chỉ có mì tôm?
Ông Nguyễn Thế Hùng (xã Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh) phân trần: “Quê tôi năm nào cũng lụt, cứ lụt là được cứu trợ mì tôm. Đồng bào chia sẻ với mình thì quý lắm, không dám đòi hỏi gì, nhưng tôi cứ nghĩ giá như thay mì tôm bằng lương khô hay bánh mì thì sẽ phù hợp hơn.
Lũ rút rồi, đồng bào cần quần áo, gạo, chăn màn, thuốc men nhưng người ta vẫn cứ biếu mì tôm. Ở quê tôi nhiều người mang mì tôm ra đại lý bán để mua lại nước mắm, gạo, dầu”.
Ông Hùng vẫn nhớ hình ảnh máy bay trực thăng thả mì tôm xuống nhà dân đang bị ngập. Có thùng mắc trên ngọn tre, có thùng rơi xuống nước. Lúc đói hoa mắt, có được miếng mì tôm sống cũng quý như vàng. Nhưng ăn vào rồi thì khát nước. Ở trên biển nước mênh mông mà không có nước sạch để uống. Hai ngày liền ăn mì tôm sống thì người cũng lả đi, không còn sức mà chống lũ nữa. Một số người ăn mì tôm sống, uống nước bẩn đã bị bệnh đường ruột.
Ông Hùng nói: “Tôi nghĩ đã đến lúc Nhà nước phải nghiên cứu một danh mục hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ, làm sao thực phẩm vừa đủ chất, dễ vận chuyển bảo quản và ăn không bị ngán, tại sao cứ phải “tín nhiệm” mì tôm mãi”?
Ông Trần Ngọc Tăng - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lý giải nguyên nhân mì tôm được “tín nhiệm”: “Mì tôm có thể thu gom một lượng lớn trong thời gian ngắn. Còn bánh mì và lương khô thì khó thu gom ngay được. Mì tôm có thể bảo quản và dùng dần”.
Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, ăn mì tôm liên tục sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là ăn mì tôm sống và thiếu nước sạch để uống.
Thèm lắm cơm mắm
Trong cuộc họp bàn biện pháp hỗ trợ người dân của huyện Hương Khê, có người nêu ý kiến: Nên cứu trợ bằng cơm nắm, muối vừng. Ngay lập tức ý kiến này được nhiều người tán thành vì ai cũng hiểu ăn mỳ tôm dễ chán và lại không chắc dạ bằng cơm tẻ. Nhưng ai sẽ là người nấu, chuyển cơm cho bà con? Giống như thời chiến, mọi người đều tán đồng giao trọng trách này cho hội phụ nữ.
Bà Nguyễn Thị Tình, Chủ tịch hội phụ nữ huyện Hương Khê với những chiếc khăn mùi xoa dùng để nắm cơm cứu trợ bà con vùng lũ . |
Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Hương Khê Nguyễn Thị Tình, cho biết: Ngày 19-10, thay vì chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam, chúng tôi tập trung nấu cơm gửi tới bà con vùng lũ. Gạo do huyện cấp, xoong nồi đi mượn, cơm nấu chín lấy khăn mùi-xoa vắt cho thật chặt như vắt cơm cho bộ đội năm nào. Chỉ trong mấy ngày lũ, đội nấu cơm ở khu vực thị trấn do Hội phụ nữ huyện phụ trách đã nấu 1,3 tấn gạo.
Ở các xã bị chia cắt, khó tiếp cận như Hương Long, Phú Gia, Phú Phong…, Hội phụ nữ xã cũng tổ chức nấu tại chỗ 610 kg gạo. “Có những nơi không sẵn gạo, chúng tôi chỉ đạo chị em ở cơ sở bắc nồi đun nước trước, khi có gạo về là vo rồi nấu ngay để kịp đưa đến các hộ”- chị Tình kể.
Ban đầu chị em vắt những nắm cơm lớn, khoảng 5 lạng gạo. Sau thấy nên vắt nhỏ hơn, khoảng 2,5 đến 3 lạng gạo để đưa tới được nhiều hộ dân hơn. Ngoài cơm nắm, muối vừng, chị em còn quyên góp được thịt, trứng thậm chí cả cà pháo, nhút muối gửi tới đồng bào đang khốn khó. Những bữa cơm như thế trong ngày lũ đã làm nhiều đôi mắt đỏ hoe vì cảm động. Đã nhiều ngày họ thèm cơm.
Chị Nguyễn Thị Vỹ - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hà Linh, huyện Hương Khê cho biết: Ngay khi nhận được chỉ đạo của cấp trên, ngày 21-10 chúng tôi tổ chức nấu cơm cứu trợ. Tại nhà chị Đặng Thị Anh- Thường vụ Hội phụ nữ xã đã chuẩn bị 5 chiếc xoong quân dụng. Gạo quyên góp từ chính các hộ có hoàn cảnh ít khó khăn hơn, nhà bị ngập ít hơn, người góp vài ba cân, có người góp vài lạng cũng quý. Có gạo rồi chị em lại phải tìm củi khô để mồi rồi hong củi ướt…
Cơm nấu chín, vắt xong chị em chia làm hai hướng dùng thuyền nhỏ để luồn lách, cứu trợ. Những nắm cơm nghĩa tình đã được các chị đưa đến bà con vùng lũ như vậy. Vợ chồng chị Đặng Thị Bân và năm đứa con nhiều ngày ăn mì tôm sống, trông thấy cơm ai cũng rạng rỡ.
Ông Đinh Văn Tân – Chủ tịch UBND huyện Hương Khê kể rằng, đi cứu trợ bão lụt nhiều lần, phải ăn mì tôm sống đến phát ngán. Trong mưa lạnh, và biển nước mênh mông, có vắt cơm nắm muối vừng cảm thấy chắc dạ, ấm lòng. Ông Tân cho rằng “mô hình cơm nắm” cần nhân rộng như một loại thực phẩm cứu trợ phù hợp với đồng bào vùng lũ.
Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Trưởng Ban phòng chống lụt bão Trung ương: Cần tổ chức một bàn tròn về công tác cứu trợ đồng bào bão lụt, trong đó có ba vấn đề đặt ra: Nên ủng hộ gì? Phương pháp ủng hộ như thế nào? Làm thế nào để đưa đến tận tay người dân? Bà Hà Thị Liên - Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam: Một đất nước thường xuyên xảy ra thiên tai nhưng thực phẩm cứu trợ lại chưa được quan tâm đúng mức. Nên chăng chế biến một loại bánh như bánh mì, để được 5-7 ngày, đựng trong túi nylon. Đã đến lúc cần xem lại chuyện cứu trợ chỉ có mì tôm. |