Tất thảy ngồi xệp trên ba chiếc chiếu đôi thì mới đủ chỗ...
Tôi nhận ra những cánh tay giơ cốc bia hơi về phía một người vóc dáng manh mảnh, trán hói thường ngồi ở chiếu giữa, ngoài chủ nhà ra là nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nhà báo Nguyễn Phúc Ấm cùng những người lính một thời chiến trường Nam Lào...
Tất thảy râm ran trong âm thanh những ly bia chạm với nhau xin chúc thủ trưởng khỏe...
Tôi không là người lính một trời trận mạc ấy nhưng là người quen chung với họ. Người thường ngồi chiếu giữa và nhận được rất nhiều sự chúc tụng ấy là tướng Nguyễn Chuông!
...Trừ tôi, tất thảy là cựu binh, là lính của tướng Nguyễn Chuông hồi đánh Mỹ.
Khởi đầu là ông chủ nhà Nguyễn Hoắc, mới có tí men bia mà mặt mũi đã đỏ khốn đỏ khổ! Thủ trưởng có lần gọi em là thằng Um, thủ trưởng còn nhớ không?
Bằng chất giọng oang oang cố hữu, đại tá giám ngục Nguyễn Hoắc vừa hê hê cười vừa kể lại cái lần đánh chác sao đó ở Cánh đồng Chum, thủ trưởng Nguyễn Chuông bực quá xạc lính mày gọi là Hoắc nhưng là thằng Um thì có.Đánh chác như thế thì thối hoắc, thối um lên!
Trong trận cười đổ ra như giông bão ấy, cái đầu hói của ông cứ gật gù ra chiều thú vị lắm!
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, chiến sĩ trong mũi chủ công trận Phu Tâng năm 1971 dưới quyền chỉ huy của trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông ( năm rồi vừa ẵm Giải thưởng văn chương ASEAN) trán cũng hói gần ngang người thủ trưởng cũ, đứng lên cắt ngang Em xin đọc lại bài thơ mừng thủ trưởng: Thôi đã dứt đường binh nghiệp/ Tuổi hưu rồi bác ở quê/ Chạnh nhớ bạn bè thuở ấy/ Cùng đi có đứa không về...
Chất giọng trầm rè cùng với vẻ bẽn lẽn thoạt đầu của nhà thơ chừng như có ma lực khiến đám đông đâm trật tự hẳn Người vợ tuổi già như bác/ Miếng trầu nhai dập chiều mưa/ Thời son trẻ xa nhau mãi/ Giờ thương biết mấy cho vừa/ Huân chương xếp vào góc tủ/ Nay hàm tướng tá mà chi/ Tuổi già công danh coi nhẹ/ Cuộc đời như nước qua đi...
Những vại bia hơi đầy tràn đặt trên ba vuông chiếu dường cũng rung rung khi Nguyễn Đức Mậu giọng như rưng rưng bật lên đoạn cuối Về hưu giờ thôi quyền chức/ Ai người nhớ bác lại chơi/ Ai kẻ xa lòng tránh mặt/ Niềm riêng một mảnh trăng trời!
Chao ôi là âm thanh gõ bát cốc và tiếng vỗ tay của các cựu binh! Chừng như nắng tháng Tư ngoài kia ắt hẳn cũng rung rinh thì phải? Mà bữa ấy, tôi mới hay bài thơ này, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết từ năm 1989!
Cái dáng hơi bệ vệ của đại tá nhà báo Nguyễn Phúc Ấm vụt thẳng lên nhưng giọng thì nhỏ nhẹ không ngờ. Đại tá hỏi ông dạo này còn có nhiều thân nhân các liệt sĩ đến hỏi phần mộ không? Ông thì dính dáng chi đến việc âm phần này nhỉ?
Khi nghe Phúc ấm hỏi vậy tôi chợt thấy sắc diện ông như sầm xuống không được tươi tắn như hồi nãy! Giọng ông chợt thoảng như xa xăm ờ, cũng lắm...
Cuối buổi cơm ấy, tôi mới được biết và được nối thêm câu chuyện của đại tá Nguyễn Phúc Ấm là thế này: Trong trận mạc ở Cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng, nội sư 312 đã có 1.600 cán bộ chiến sĩ nằm lại.
Rồi trong Chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 ở Quảng Trị, Binh đoàn Quyết Thắng trong đó có cả sư 312 hơn 4.600 người đã ngã xuống! Chưa hết, trong đội hình hành tiến vào giải phóng Sài Gòn lại có biết bao chàng trai ưu tú trong sư đoàn nằm lại.
Nguyễn Chuông là một trong vài người được giao trọng trách ký các giấy báo tử. Những tờ giấy gấp vuông đau đớn ấy, theo đường bưu điện cứ len lỏi về hàng ngàn làng như thế...
Hàng ngàn nỗi đau không biết có nguôi ngoai đi chút nào. Nhưng hòa bình thống nhất rồi, yên hàn rồi, thân nhân của hàng ngàn liệt sĩ ấy chợt nhớ đến người ký giấy. Họ biết ông đang hưu ở Hà Nội. Người gần lẫn xa đã tìm đến...
Nội chỉ vài phần trăm trong con số hàng ngàn ấy thì hàng tuần hàng tháng nhà ông đã có hàng chục lẫn hàng trăm lượt khách. Thôi thì đủ vùng miền. Đủ mọi cung bậc tình cảm. Lo âu. Băn khoăn. Thắc thỏm. Thất vọng. Mừng vui...
Xin hỏi đây có phải nhà ông Nguyễn Chuông không ạ? Thôi đúng bác ký cái giấy này rồi. Bác ơi, ông ơi, con tôi, nhà em bây giờ đang nằm đâu? vv... và vv...
Nội động thái hỏi han hăm hở vồ vập đại loại như vậy cũng đủ gieo, đủ thoắt để trút sang ông cái đau mà người thân các liệt sĩ bao năm nay đang đeo, đang gánh!
Ông chợt như thấy mình là người có lỗi! Đa phần, những giấy báo tử như thế, thời ấy theo quy định chỉ ghi chung chung Hy sinh ở Mặt trận phía Nam hoặc ở tại chiến trường K. hay đã an nghỉ ( hoặc mai táng) ở khu vực nghĩa trang đơn vị !
Chung chung quá, mơ hồ quá nhưng mà hỡi ơi thời ấy, hỏi biết làm sao? Chao ôi, đơn vị quân thì đông. Mặt trận thì rộng. Biết bao chiến sĩ thuộc quyền trung đoàn, vị thế trung đoàn trưởng như ông còn chưa biết tên huống hồ nắm sao hết những trường hợp, những trạng huống hy sinh lẫn nơi mai táng anh em?
Nhưng rồi nằm đấy mà dằn vặt mà giằng xé cũng chả giải quyết vấn đề gì....
Nghĩ mãi, rồi ông cũng có cách, có kênh của mình, mặc dầu không ít những mơ hồ mong manh như dò tìm kim ngoài sông bể...
May cái sư đoàn cũ cũng ở gần Hà Nội. Ông dẫn họ đến. Tìm kỳ được người có trách nhiệm đang quản sơ đồ mộ chí. Hoặc tụ họp, nối mạng thử lục tìm trong trí nhớ của nhiều người...
Còn với những dạng thắc mắc chế độ chính sách? Giấy báo tử ghi rõ đến từng đại đội tiểu đoàn, nếu không nhớ mặt các liệt sĩ thì cứ lần theo số hiệu đơn vị, ông cố nhớ ra người chỉ huy, lần tìm xem họ đang ở đâu.
May mà trí nhớ ông còn tốt và ông biết khá nhiều người, chả là bạn đồng ngũ vẫn thường liên lạc với nhau, vẫn thường họp mặt truyền thống.... Ông gọi điện viết thư cho họ hoặc trực tiếp đưa các thân nhân liệt sĩ tới gặp họ hoặc để xác nhận lại trường hợp hy sinh cho chồng cho con họ hoặc hỏi họ xem có biết tung tích manh mối phần mộ liệt sĩ đâu không? vv... và vv...
Tôi chưa tường có bao nhiêu và cụ thể những việc nghĩa tình ấy nhưng đại tá Phúc ấm cho hay, nhiều thân nhân của liệt sĩ qua những vụ việc như vậy đã nhận ông là bố mẹ nuôi hoặc đi lại thân thiết như người nhà... Chao ôi, giá thử vài trăm người tâm ấy việc ấy như ông, chắc chương trình Nhắn tìm đồng đội sẽ có hiệu quả hơn.
Có mấy bận, tôi theo đại tá Hoắc đại tá Ấm hoặc đi một mình vào chơi nhà ông chỗ khu tập thể quân đội Mai Dịch. Hóa ra cái huyền thoại ở Hà Thành có một vị tướng xây hẳn một khu điện thờ để chiêm bái vong linh đồng đội mấy năm nay chính là ông!
Gọi điện thì quá mà chỉ là một gian thờ khiêm tốn. Chả có pháp sư thầy thợ nào hết mà hàng đêm ông đều trực tiếp hương khói, chiêm bái cẩn trọng ...
Một chiều chỗ phòng khách đang phảng phất thứ hương khói hồi trưa chưa tan hết, tôi ngồi ngắm ngó bức thư pháp đang trang trọng buông xuống chùm thơ chữ Hán của Tào Mạt tả tướng Nguyễn Chuông Thập lục dĩ tòng ngũ/ Lục thập vị hoàn hương/ Bắc phong xuy bạch phát/Lục diệp tố thanh trang... ( Mười sáu tuổi đã nhập ngũ/ Sáu mươi chửa về làng/ Gió bấc thổi tung mái tóc bạc/ Lá xanh che chở bộ quân phục xanh...).
Bên kia là câu đối Hồ Khải Đại tặng Võ lược bạch đinh đăng võ tướng/ Văn chương đơn tự đáo văn nhân ( Võ lược binh nhì lên tướng võ/ Văn chương ít chữ hóa nhà văn) chừng như vận vào ông cũng phải!
Không kể thời gian khi nghỉ hưu, không biết những năm trận mạc tất tả xuôi Nam ngược Bắc như thế, ông giành được mấy hột thời giờ mà tranh thủ ghi lại được quá trình theo cách mạng từ năm 16 tuổi đến khi thành tiểu đoàn trưởng rồi sư đoàn trưởng...
Đó chính là cuốn Đường tới chân trời do NXB Quân đội nhân dân ấn hành và đã đoạt giải Nhì trong cuộc thi viết của Bộ Quốc phòng. Rồi sau này những cuốn Dặm dài trên đất Triệu Voi, Trận đầu và trận cuối, Tim tôi thắp lửa cũng của NXB Quân đội nhân dân với kiểu viết sinh động trung thực về chiến tranh rất có tiếng vang trong bạn đọc.
Có lẽ ông phải là chất liệu quý cho những cuốn sách lẫn những bộ phim dày dặn của những đạo diễn hay người viết có tài? Hậu trận đại thắng Điện Biên thiên hạ ai chả mừng nhưng có lẽ mỗi ông hận?
Hận cái nỗi là tiểu đoàn trưởng một đơn vị chủ công của Đại đoàn 312 đánh vào sân bay Mường Thanh nhưng không may ông bị thương ngất đi rồi sa vào tay giặc.
May mà mấy đồng đội đã khéo léo giấu tung tích cho người tiểu đoàn trưởng của họ. Gần tháng trời lay lắt vì vết thương và bao nỗi ngổn ngang khác trong cái trại giam ở trung tâm Mường Thanh mà các cỡ đạn của quân ta cứ thế châu vào, ông đã được giải thoát vào buổi chiều mồng 7 tháng 5 ấy! Đấy là tù Tây.
Còn một lần suýt tù ta cũng do bản tính ngang nhưng thẳng thắn bộc trực của ông.
Rồi trận Bản Na giai đoạn liên quân Việt Lào mở chiến dịch giải phóng Cánh đồng Chum và đánh vào căn cứ Vàng Pao ở Xảm Thông- Long Chẹng, chuyện ông dám chống lại lệnh cấp trên trước giờ nổ súng bây giờ vẫn còn nhiều người, kể cả các tướng lĩnh nhớ.
Người ta nhớ ông lâu như vậy chẳng phải vì ông gàn quải vì ngang ngạnh mà vì tính độc lập sáng tạo, am hiểu chiến trường đã thắng lối tư duy máy móc quan liêu mà ông gọi là nướng quân.
Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975, bằng lối đánh độc đáo, sư đoàn trưởng sư đoàn 312 Nguyễn Chuông trong đội hình hành tiến của Quân đoàn I đã đánh tan tác Sư 5 thiện chiến của Ngụy khiến tướng chỉ huy Lê Nguyên Vỹ phải tự vẫn tại trận Bình Dương.
Rồi trong không khí say sưa chiến thắng không ít những kiêu binh lẫn chuệch choạc tư túi này khác nảy sinh ở một bộ phận cán bộ cao cấp của quân đội, ông đã thẳng thắn vạch ra trong một Hội nghị Quân chính.
Mặc dù cấp trên đã kín đáo ra hiệu lẫn nhắc nhở nhưng ông đã nói hết đã vạch ra một cách thẳng thắn. Sau cú đó ông đã phải rời chức sư đoàn trưởng chuyển sang bộ khung huấn luyện tân binh nhiều năm trời ở một đơn vị có hàng ngàn chiến sĩ gái! Nhưng ông vẫn thanh thản chấp hành.
Thú vị là những lần trục trặc như vậy có một người hiểu chia xẻ với ông. Đó là tướng Lê Trọng Tấn. Chính tướng Tấn đã khéo léo tế nhị đưa ông khỏi khung huấn luyện tân binh tuyền con gái ấy lên thẳng mặt trận phía Bắc rồi sau này ông chững chạc ở cương vị sư đoàn trưởng sư 345 rồi sau đó là tư lệnh Quân khu II hàm tướng...
... Cứ rền dứ nấn ná mãi định bữa nào tướng Nguyễn Chuông kể cho nghe cái đoạn trường chuyện ông đi tìm mộ đồng đội lẫn đi thanh minh cho một số anh em bị nghi kỵ này khác khi về địa phương, nhất là chuyện ông cùng trung tướng Hoàng Phương đi thanh minh cho một người...
Thì thôi rồi, mọi sự đã không kịp. Thanh minh năm Tuất này, tướng Nguyễn Chuông đã lặng lẽ ra đi... Từ bấy đến nay cũng chả thấy ông cựu giám ngục Hỏa Lò đại tá về hưu Nguyễn Hoắc nhắn nhe chi đến buổi họp mặt Tháng Tư sắp tới này cả.
Từ buổi ông lặng lẽ ra đi, sự họp ấy cơ hồ tan tác cả! Hỏi ra thì được biết đại tá Hoắc đã vào Đà Nẵng định cư hẳn trong đó với người nhà. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thì đang ở trại sáng tác Đại Lải.
Phúc Ấm lui về quê nghỉ. Tôi bần thần nghĩ đến những trưa 30 tháng Tư có tướng Nguyễn Chuông ngồi chiếu giữa. Bận nào Nguyễn Đức Mậu cũng đọc thơ và ngoài kia là nắng chớm hạ rung rinh ...
Ngày Cốc Vũ
Xuân Ba