Cầu nguyện cho các thai nhi xấu số |
Xế trưa một ngày Chủ nhật, tôi theo nhóm Thiện Nguyện (NTN) đến núi Hòn Thơm ở xã Vĩnh Ngọc, cách trung tâm TP. Nha Trang gần 10 km về phía Tây Bắc.
Từ con đường liên thôn leo lên sườn núi chừng trăm mét, vượt qua mấy tảng đá cao, tôi ngỡ ngàng thấy những dãy mộ trải dài dưới bóng bạch đàn, một bồn hương khá lớn trước linh đài. Đồng Nhi - tên NTN đặt cho nơi họ chôn cất các xác thai nhi (XTN) đàng hoàng hơn nhiều so với hình dung của tôi.
Các phụ nữ và bé gái tỏa đi quét dọn lá bạch đàn, trong khi mấy người đàn ông xếp 10 chiếc bầu đất nung lên mặt bàn ở giữa linh đài… Mọi người đứng quanh bàn lễ, cầu nguyện cho những linh hồn bé bỏng. Hết tuần hương, họ lặng lẽ mang những chiếc bầu đến dãy huyệt mộ…
Trên mỗi ô mộ đều có một nhành hoa hồng nhựa, phía dưới chỗ cắm hoa được tô xi măng cao lên thành những bảng vuông. Số thứ tự của mộ, ngày và nơi thu nhận XTN được khắc lên những bia mộ đó. Những sinh linh bé bỏng chưa kịp chào đời, chỉ được biết đến qua những chữ viết tắt và con số!
Chỉ từ ngày 13/7/2004 đến nay, NTN đã chôn cất hơn 3.300 XTN. Ngày Đồng Nhi phải nhận nhiều XTN nhất là 24/12/2004, có tới 20 bia mộ ghi ngày này. Chợt nhớ, đêm Noel, mừng Thiên Chúa giáng sinh trong hình hài Jesu Hài đồng.
Sao có người nỡ vô tâm vậy? Rải rác có những ô mộ, trên bia ghi tên Nguyễn Văn Quang, Võ Phạm Vô Danh, Tống Phước Huệ... Đó là mộ những thai nhi còn nguyên hình hài, xác định được giới tính. Khi không biết họ của cha mẹ thai nhi, anh Tống Phước Phúc đặt tên cho thai nhi theo họ của mình.
Thấy tôi chú ý tới mấy ô mộ, trên bia mộ không ghi nơi thu nhận XTN mà có chữ Lượm, anh Phúc chùng giọng xuống kể, Lượm là mộ của những XTN tình cờ được phát hiện ở bãi dương bờ biển, tường rào, thậm chí bãi rác!...
Ngẩng nhìn lên sau khi sửa lại nhành hoa bên một mộ Lượm, ánh mắt tôi bị hút vào bồn hương có hình một em bé với tư thế nằm trong bụng mẹ, được đắp nổi ở mặt chính. Một mặt bên bồn hương có hình ba con chim non há mỏ đòi ăn, phía bên kia là chim mẹ đang tha mồi về.
Chạnh lòng nghĩ, thay vì cho con ăn, bao nhiêu chim mẹ đã vứt bỏ chim non chưa mở mắt khỏi tổ ấm êm, để những sinh linh bé nhỏ phải nằm nơi u tịch này.
Công việc hàng ngày
Tống Phước Phúc, “cha” của các thai nhi ở Đồng Nhi là người đàn ông có vẻ hơi khắc khổ, chủ một quán cà phê. Vợ chồng ông Nguyễn Đình Chi và bà Nguyễn Thị Kim Liên làm bún, chị Nguyễn Thị Xuân bán thuốc lá ở Ngã Sáu, anh Nguyễn Sĩ Phú là thợ điện nước… đều là những người rất đỗi bình thường trong xã hội.
Người có “chức sắc” duy nhất là Xơ Mélanie Nguyễn Thị Loan, ủy viên BCH Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, đang phụ trách Cơ sở chăm sóc - giáo dục trẻ em khuyết tật Sao Mai tại đường Hoàng Diệu, phường Vĩnh Nguyên.
Đau đáu nỗi xót xa về tình trạng XTN bị vứt bỏ bừa bãi, từ lâu họ đã có ý định thu nhận và chôn cất các XTN cho xứng phận người, nhưng chưa tìm được đất để thực hiện thiện nguyện. Tháng 7/2004, khi vợ anh Phúc sinh đứa con thứ hai cũng là lúc anh biết có một XTN hơn 4 tháng tuổi bị bỏ rơi.
Anh bàn với mọi người, mang thai nhi này đi kiếm chỗ chôn ở Hòn Thơm. Tình cờ họ gặp cụ Nguyễn Thị Lừa ở thôn Xuân Ngọc, xã Vĩnh Ngọc đi thăm rẫy bạch đàn, cụ đã cho chôn thai nhi trên đất của mình.
Tháng 8/2004, cụ Lừa giao khu rẫy 4.000 m2 cho NTN, để họ dùng làm nơi chôn cất XTN. Họ bắt đầu chủ động đến những nơi nạo phá thai (NPT) ở Nha Trang, xin nhận để chôn cất các XTN bị thai phụ bỏ lại.
Họ bị hỏi rất kỹ về nhân thân, gia đình, sức khoẻ tâm thần, động cơ xin XTN… Dư luận về việc nơi này nơi nọ có kẻ dùng XTN cho mục đích phi nhân tính khiến các nhân viên y tế ngần ngại. Anh Phúc cho biết, ở Nha Trang có khoảng 50 điểm NPT, nhưng chưa đến 1/3 số này đồng ý với đề nghị của các anh.
Từ đầu tháng 11/2004, thu nhận và chôn cất XTN trở thành việc hàng ngày của nhóm. Cứ đến 8 giờ tối, họ đi thu nhận XTN mang về nhà ông Chi ở khóm Vườn Dương, phường Phước Tân. Mỗi XTN được đặt trong một bầu đất nung, những XTN lớn, còn nguyên vẹn được liệm trong quách.
Bé Tống Phước Vinh 9 tháng tuổi và “bà ngoại” |
Tại sao ông bà lại dùng nhà mình làm nơi khâm liệm XTN, trong khi nhiều người kiêng kỵ tới mức, người ruột thịt của họ bị chết ở ngoài cũng không được đưa về quàn tại nhà? “Đã có thiện nguyện, sao lại ngại điều này điều nọ? Chúng tôi chỉ xin các cháu cho mang găng tay khi khâm liệm thôi” - Câu trả lời của ông Chi bà Liên khiến tôi càng thêm kính trọng họ…
1 giờ trưa mỗi ngày, họ cùng nhau mang XTN đi chôn cất. “Ai cũng phải lo kiếm sống, bớt chút giờ nghỉ trưa cho các bé là hợp lý nhất” - ông Mỹ, một thành viên tích cực của NTN nói.
Giúp người chết, cứu người sống
“Trung bình mỗi ngày chúng tôi nhận 8 - 9 XTN, nếu mọi nơi đều cho chúng tôi mang XTN đi chôn thì còn nhiều gấp mấy lần!”- Xơ Loan ngậm ngùi kể. Nhóm còn đưa card in hình hai bàn tay chắp lại và chữ Tín Thác cho những người chạy xe ôm, bán hàng ở chợ, công nhân vệ sinh…
Ai biết có thai phụ định phá thai hoặc thấy XTN bị bỏ rơi, thì gọi cho số điện thoại in trên card. Qua kênh thông tin này, NTN đã giúp được một số cô gái, nữ sinh trót lầm lỡ. Họ khơi gợi tình mẫu tử trong các cô, cho biết những rủi ro khi phá thai.
Các cô gái chưa đủ khả năng hoặc chưa tiện nuôi con nhưng thuận giữ thai sẽ được hỗ trợ chi phí khi sinh nở và nuôi con. Do vậy, 7 cô gái đã giữ thai và sinh nở mẹ tròn con vuông, 2 cô đang chờ ngày sinh.
7 bé sinh ra đều được giao cho những người đáng tin cậy nuôi nấng khỏe mạnh, sau một thời gian 3 bé đã được mẹ nhận về. 3 bé trai và 1 bé gái còn lại được đặt tên với họ Tống Phước: Vinh - Trường - Lộc - Tâm.
Mẹ của 4 bé Vinh - Trường - Lộc - Tâm đều còn ở tuổi vị thành niên, còn “bé lắm, ngây thơ lắm”. Cô bé L. ở phường Vạn Thắng cũng vậy, khi chết cùng cái thai 7 tháng trong bụng, L. chưa tròn 13 tuổi! Các em mang thai do “chẳng biết gì”, khi phát hiện ra thì thai đã quá lớn.
Rộng hơn, kết quả khảo sát của dự án Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở tỉnh Khánh Hòa (VIE/01/P17, thực hiện năm 2003 - 2005) cho thấy, 56% học sinh THPT không biết gì về các biện pháp tránh thai.
Tỉ lệ cặp vợ chồng ở Việt Nam dùng các biện pháp tránh thai là 76%, thuộc loại cao nhất thế giới, tại sao tỉ lệ nạo phá thai của nước ta vẫn rất cao, hàng năm số ca NPT nhiều tương đương số trẻ em được sinh ra (khoảng 1,6 triệu ca/năm)?
Câu hỏi của tôi được một cán bộ ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trả lời bằng cách đưa ra một tỉ lệ khác, 30% số người đi nạo phá thai có tuổi dưới 19. Thật đáng buồn.
Từ khi tới Đồng Nhi, đêm ngủ tôi thường mơ thấy những nhành hoa hồng ở đó biến thành những bàn tay nhỏ xinh của các em bé. Hàng ngàn, hàng vạn bàn tay nhỏ xinh run rẩy, như van nài tôi nắm lấy, kéo lên khỏi mặt đất.
Phóng sự của Nguyễn Đình Quân