13 nữ TNXP anh hùng: Chuyện kể sau 43 năm

13 nữ TNXP anh hùng: Chuyện kể sau 43 năm
TP - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Núi Nấp (Thanh Hoá) là một trọng điểm giặc Mỹ tập trung đánh ác liệt. Tại đây, lực lượng TNXP đã cùng với bộ đội, dân quân làm nên bao sự tích anh hùng, trong đó có chiến công và sự hy sinh dũng cảm của 13 nữ TNXP tuổi mười tám đôi mươi.

43 năm sau sự hy sinh bi tráng ấy họ mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

13 nữ TNXP anh hùng: Chuyện kể sau 43 năm ảnh 1

Chuyện của 43 năm trước

Đại  đội 873 - là đơn vị mạnh nhất của Đội 87 được thành lập ngày 2- 1-1966 gồm 200 đội viên trong đó có 170 nữ, 30 nam là những người con của huyện Đông Hưng - Thái Bình.

Dưới mưa bom bão đạn của giặc Mỹ, họ như những con thoi  luôn có mặt ở các  trọng điểm ác liệt như cầu Lạc, cầu Cun, ga Minh Khôi, cầu Đò Lèn, thị xã Thanh Hóa, núi  Nấp, núi Nhồi...

Như thế hệ TNXP quả cảm một thời, họ sống và chiến đấu với tinh thần: “Máu có thể đổ, chúng ta có thể hy sinh nhưng đường không thể tắc” và “ C873 quyết tử cho đường sắt quyết thông”.

Cuối tháng 10 năm 1966, tiểu đội nữ xung kích thuộc đại đội 873-  về đóng quân tại xóm Văn Miếu xã Đông Văn, làm nhiệm vụ ứng cứu ga Thanh Hoá và đảm bảo giao thông con đường tránh vào núi Nấp. Đây là trọng điểm chiến lược quan trọng, ta dựa vào thế núi cất giấu tầu xe, khai thác đá phục vụ đảm bảo giao thông.

Phát hiện được điều này, địch đánh phá ác liệt với mật độ dày đặc. Chỉ riêng đoạn đường sắt chưa đầy 2 km ở núi Nấp trong hơn một năm, địch đã đánh phá140 trận với hàng trăm tấn bom đạn.

Bao trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra và đặc biệt là trận ngày 11-5-1967. Hôm đó, vào khoảng 4 giờ sáng, đoạn đường sắt núi Nấp lại  bị bom Mỹ oanh tạc dữ dội, đường ray bị bật tung, nhiều đoạn trúng bom bị hỏng nặng làm tê liệt cả tuyến đường. Tiểu đội TNXP xung kích cùng đại đội 873 được lệnh khẩn cấp bằng mọi giá phải sửa chữa đoạn đường sắt bị hỏng để thông đường, thông xe. Cùng tham gia còn có 10 công nhân thuộc đại đội 315 - Đội 207 của đoạn đường sắt phía Nam.

Suốt một ngày ròng rã vật lộn với mưa bom bão đạn, ngớt tiếng máy bay, bom đạn, TNXP cùng  với công nhân lại lao ra mặt đường lấp hố bom, nối lại đường tàu. Chỉ còn khoảng 15 phút nữa là hoàn thành nhiệm vụ, mọi người  đang hối hả siết lại những bu lông cuối cùng, kiểm tra độ an toàn lần cuối, chuẩn bị thông xe thì bất ngờ máy bay Mỹ lao đến cắt bom tọa độ.

4 quả bom rơi trúng đội hình của tiểu đội xung kích. Đất đá tung lên như một trận động đất, khói bom mịt mù.  13 cô gái TNXP tuổi đời 18 - 19  cùng với 4 công nhân đường sắt đã hi sinh tại chỗ, 20 nam, nữ TNXP khác bị thương. Thời khắc bi thương đó là vào lúc 21 giờ kém 15 phút ngày 11-5-1967.

Đến hôm nay xã Đông Văn - Thanh Hóa đã quy tập mộ của 17 liệt sỹ TNXP và công nhân về nghĩa trang liệt sỹ để chăm sóc ngày đêm. Và nơi đó đã được Bộ VHTT và DL công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Chuyện các nữ anh hùng qua lời người thân

Chúng tôi cùng ông Hoàng Công Ánh- cựu TNXP chống Mỹ - Chủ tịch Hội cựu TNXP Thái Bình, cùng các cựu TNXP Nguyễn Thị Chiến, Nguyễn Thị Thuần về thăm thân nhân 13 liệt sỹ TNXP ở huyện Đông Hưng, Thái Bình.

Vào thôn Cốc xã Phú Châu - quê hương của liệt sỹ  Cao Thị Thúy. Cảm động và bất ngờ khi thấy song thân của liệt sỹ Thúy vẫn còn. Người cha - cụ Cao Văn Phấn 89 tuổi, người mẹ - cụ Bùi Thị Là  cũng đã 87 tuổi. Hơn bốn mươi năm rồi, hình ảnh người con gái 17 tuổi vẫn vẹn nguyên trong tâm trí hai cụ.

Nhìn những giọt nước mắt lăn trên gò má người mẹ già từ lâu đã khô kiệt , ai nấy đều xúc động. Cụ Phấn nói trong nước mắt: “Tôi hồi ấy có 5 con, 3 trai, 2 gái. Thúy  là chị cả. Em nó hiền lành lắm. Một hôm đi họp về, nói với tôi: “Nhà ta chưa có người đóng góp, các em còn nhỏ, con đi TNXP đi thay cho các em”.

Tôi ân cần nói với Thúy: “Con là con gái, còn các em trai rồi mai sẽ lớn. Nhưng Thúy nhất định ra đi. Một năm về phép, nó yêu anh bộ đội cùng làng. Gia đình hai bên đã biết. Anh ấy cứ đòi Thúy ở lại làm đám cưới, nhưng Thúy một mực hẹn hết nghĩa vụ…” - nói đến đây cụ Phấn nghẹn ngào không nói nên lời.

Cụ tâm sự, được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng cho các chị thì tốt quá, nhờ tất cả mọi người, còn gia đình không có ý kiến gì khác. Được biết, nối tiếp người chị, 3 em trai của Thúy đều tham gia quân ngũ.

Còn cựu TNXP  Nguyễn Thị Lộc - người cùng thôn, cùng đơn vị kể thêm về Thúy. Lên đơn vị, trong một đêm, chị Thúy cứ ôm lấy tôi mà kể chuyện về mối tình của mình, Thúy còn nói:  “Tao thương anh ấy lắm nhưng đang trong nghĩa vụ mà cưới nhỡ một cái bụng kềnh ra thì làm sao trở lại đơn vị được”.

Chị Lộc hôm đó thoát chết là vì đang làm thì bị đau bụng. Đơn vị bắt về, chị cố xin ở lại gác phòng không cũng không được. Đơn vị còn cử một chị tên là Mỵ dìu về. Hai người vừa về đến nhà trọ (cách trận địa khoảng 500 m) thì nghe thấy bom nổ. Cùng một nhà trọ có 4 chị em Nhạn, Thúy,  Mỵ,  Lộc thì hy sinh 2. Mọi người nghe lặng đi trong xúc động.   

Đến xã Hoa Nam quê hương của liệt sỹ Chu Thị Sửu. Cựu TNXP Nguyễn Thị Chiến kể trên đường đi: “Sửu là cô gái làng trắng trẻo xinh xắn và bơi rất giỏi. Một lần ở cầu phao Đò Lèn, tôi đang tắm thì bị cuốn vào xoáy nước, may có Sửu bơi ra cứu sống”. 

Cụ Nguyễn Thị Lạt - mẹ của liệt sỹ Sửu đã 84 tuổi vừa nhai trầu vừa kể lại câu chuyện ngày xưa của gia đình - một câu chuyện như huyền thoại: Chồng cụ là Chu Văn Minh - bộ đội chống Pháp, năm 1951 hy sinh ở Hà Đông lúc con trai đầu 4 tuổi, và cô con gái Sửu mới 2 tuổi.

Giặc Pháp càn, cụ Lạt gánh quang mỗi bên một đứa chạy giặc. Rồi người con trai lại lên đường đánh giặc. Một hôm, chị Sửu về quỳ xuống chân mẹ xin được đi TNXP. Mẹ Lạt hốt hoảng, lựa lời nói với con: “Bố mày hy sinh rồi, anh mày cũng đang ở chiến trường sống chết thế nào chưa hay, mẹ chỉ còn lại con thôi”. Nghe xong, chị Sửu vẫn nói với mẹ: “Bố có phần bố, anh có phần anh, con đi là trách nhiệm của con”.

Và thế là vừa 16 tuổi cô gái đồng chiêm Chu Thị Sửu tình nguyện vào TNXP. Cụ Lạt bảo thế là cả nhà 4 người còn mỗi cụ ở nhà. Và người mẹ ấy góa chồng từ lúc 23 tuổi, ở vậy đến giờ dù có bao người đàn ông đánh tiếng hỏi han.

Chúng tôi thăm gia đình liệt sỹ Khánh ở xã Lô Giang. Nhà liệt sỹ nằm sát dòng sông lớn, cây cối um tùm. Vào đến nhà, sau khi nghe giới thiệu, cụ Vũ  Thị Soan đã 87 tuổi là mẹ liệt sỹ Khánh cố mở to đôi mắt và lấy tay lần lần chúng tôi. Vì 4 năm rồi mắt cụ đã  mờ và chân đau không đi lại được. Chúng tôi vào thắp hương và nhận ra liệt sỹ Khánh còn một em trai cũng là liệt sỹ.

Tôi hỏi mẹ, sao lúc ấy mẹ không giữ chị lại vì nhà đã có em trai đang trong quân ngũ? Trong khói hương, mẹ Soan tâm sự: “ Em Khánh ngoan ngoãn dễ bảo, năm ấy mới 16  tuổi đang học lớp 7. Cả nước chiến tranh, giữ con sao được. Chống Mỹ cứu nước  mình không đánh nó, nó đánh mình” .

Và khi tôi đang ngồi viết những dòng này, Chủ tịch Hội TNXP Hoàng Công Ánh điện cho tôi biết mẹ Soan đã mất. Thật tiếc, mẹ không còn để chứng kiến ngày Tổ quốc vinh danh công lao của con gái mẹ cùng các nữ TNXP Anh hùng.

Ngày 22-2-2010, Chủ tịch nước đã ra quyết định số 211/QĐCTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tiểu đội xung kích, Đại đội TNXP 873, Đội TNXP N87.

Danh sách 13 nữ TNXP Anh hùng:

Liệt sỹ Nguyễn Thị Nhì: Sinh năm 1947, quê quán xã Đô Lương

Liệt sỹ Vũ Thị Khánh: Sinh năm 1947, quê quán xã Lô Giang

Liệt sỹ Vũ Thị Hương: Sinh năm 1950, quê quán xã Lô Giang

Liệt sỹ Nguyễn Thị Nhạn: Sinh năm 1946, quê  xã Nguyên Xá

Liệt sỹ Hà Thị Việt: Sinh năm 1948, quê quán xã Hồng Việt

Liệt sỹ Hoàng Thị Bé: Sinh năm 1948, quê quán xã Hồng Giang

Liệt sỹ Vũ Thị Thu: Sinh năm 1948, quê quán xã Hoa Nam

Liệt sỹ Chu Thị Sửu: Sinh năm 1949, quê quán xã Hoa Nam

Liệt sỹ Bùi Thị Duyên: Sinh năm 1949, quê quán xã Đô Lương

Liệt sỹ Đinh Thị Thúy: Sinh năm 1949, quê quán xã Đô Lương

Liệt sỹ Trần Thị Nụ: Sinh năm 1947, quê quán xã Phú Châu

Liệt sỹ Cao Thị Thúy: Sinh năm 1948, quê quán xã Phú Châu

Liệt sỹ Nguyễn Thị Na: Sinh năm 1949, quê quán xã Tây Đô

MỚI - NÓNG